Bệnh hoại tử xương là tình trạng xương bị nhồi máu khu trú, có thể tự phát hoặc do nguyên nhân cụ thể. Xương bị hoại tử sẽ gây đau, giới hạn vận động, gây phá hủy khớp và biến dạng khớp. Các tổn thương xương bị hoại tử nhỏ có thể tự lành, nhưng các tổn thương lớn, nhất là khớp háng sẽ tiến triển nặng hơn nếu không điều trị.
Hoại tử xương là bệnh gì?
Hoại tử xương là bệnh lý xương xảy ra do mất tạm thời hoặc vĩnh viễn nguồn cung cấp máu đến xương. Tình trạng này khiến cho những tế bào mô xương chết dần. Xương trở nên mong manh, dễ gãy từ bên trong.
Hoại tử xương xảy ra phổ biến ở xương khớp hông, xương đùi, xương cánh tay, xương đầu gối, xương vai, xương mắt cá chân. Bệnh có thể ảnh hưởng tới một hoặc nhiều xương cùng lúc. Một số trường hợp có thể ảnh hưởng nhiều xương ở những thời điểm khác nhau.
Nếu không chẩn đoán và có biện pháp can thiệp kịp thời, bệnh có thể tiến triển nặng hơn, gây suy giảm xương. Lâu dần, xương có thể suy yếu tới mức dễ dàng sụp đổ, gây đau đớn và tàn tật cho người bệnh. Thời gian dẫn tới đau nặng và mất xương của hoại tử xương là vài tháng đến vài năm.
Nguyên nhân gây bệnh hoại tử xương
Những yếu tố có thể dẫn đến hoại tử vô mạch bao gồm:
- Rượu: Uống nhiều rượu có thể gây tích tụ mỡ trong máu, làm giảm lượng máu cung cấp cho xương của bạn.
- Bisphosphonat: Những loại thuốc làm tăng mật độ xương này có thể dẫn đến hoại tử xương hàm, nhất là khi chúng đang dùng cho bệnh đa u tủy hoặc ung thư vú di căn.
- Điều trị y tế: Xạ trị có thể làm suy yếu xương. Cấy ghép nội tạng cũng liên quan đến hoại tử vô mạch.
- Chấn thương: Gãy hoặc trật khớp háng có thể làm hỏng các mạch máu gần đó và ngăn nguồn cung cấp máu cho xương. Hơn 20% những người trật khớp háng có thể bị hoại tử vô mạch.
- Cục máu đông, viêm và tổn thương động mạch: Tất cả những điều này có thể ngăn chặn lưu lượng máu đến xương.
Các yếu tố khác liên quan đến hoại tử vô mạch không do chấn thương bao gồm:
- Bệnh giảm áp, gây ra bóng khí trong máu.
- Bệnh tiểu đường.
- Bệnh Gaucher, gây tích tụ mỡ trong các cơ quan.
- HIV.
- Sử dụng lâu dài các loại thuốc bisphosphonates để điều trị các bệnh ung thư như đa u tủy hoặc ung thư vú, có thể dẫn đến hoại tử vô mạch hàm.
- Viêm tụy.
- Xạ trị hoặc hóa trị liệu.
- Bệnh tự miễn như lupus.
- Bệnh hồng cầu hình liềm.

Triệu chứng bệnh hoại tử xương
Tùy vùng xương bị hoại tử mà các dấu hiệu cũng có sự khác biệt.
- Tại khớp háng, cơn đau có khả năng lan rộng sang mông hoặc xuống vùng đùi, gây nhiều khó khăn cho đi lại và vận động.
- Hoại tử tự phát ở khớp gối có thể gây đau gối bất thường, đột ngột không có dấu hiệu trước đó. Vùng đau thường là ở vị trí mâm chày và ở mặt trong lồi cầu của xương đùi mà không gồm viêm, đau diễn ra khi tràn dịch khớp, chạm vào hoặc vận động.
- Đối với xương cánh tay, so với khớp gối cùng như khớp háng, hiện tượng đau, tàn tật thường ít gặp hơn.
- Bệnh tiến triển nặng sẽ khiến người mắc đau, có thể bị tràn dịch khiến cho việc vận động bị hạn chế.
Biến chứng hoại tử xương
Nếu không có biện pháp can thiệp sớm, hoại tử xương sẽ tiến triển trầm trọng, gây xẹp xương. Bệnh cũng khiến xương mất hình dạng trơn nhẵn, có thể dẫn tới viêm khớp nặng.
Chẩn đoán hoại tử xương
Kiểm tra các khớp của người bệnh để kiểm tra các điểm đau và di chuyển các khớp để kiểm tra giới hạn vận động. Người bệnh có thể thực hiện một trong các chẩn đoán hình ảnh sau để tìm nguyên nhân gây ra cơn đau:
- Xạ hình xương: Bác sĩ tiêm chất phóng xạ vào tĩnh mạch của bệnh nhân. Chất này sẽ di chuyển đến những nơi xương bị tổn thương hoặc đang lành và hiển thị trên hình ảnh.
- Chụp MRI và CT: Cung cấp cho bác sĩ những hình ảnh chi tiết cho thấy những thay đổi sớm trong xương có thể là dấu hiệu của hoại tử vô mạch.
- Chụp X-quang: Kết quả bình thường trong giai đoạn đầu của hoại tử vô mạch nhưng có thể cho thấy những thay đổi về xương xuất hiện sau đó.
Biện pháp điều trị bệnh hoại tử xương
Điều trị bằng thuốc
- Thuốc: Nếu bác sĩ biết tác nhân gây ra hoại tử vô mạch, việc điều trị sẽ bao gồm những nỗ lực để kiểm soát nguyên nhân.
- Thuốc chống đông: Nếu hoại tử vô mạch là do cục máu đông.
- Thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs): Giúp giảm đau.
- Thuốc giảm mỡ máu: Giảm lượng cholesterol và chất béo trong máu, giúp ngăn ngừa tắc nghẽn dẫn đến hoại tử vô mạch.
- Thuốc giãn mạch: Iloprost có thể làm tăng lưu lượng máu tới xương bị ảnh hưởng.
Phẫu thuật
Các phương pháp điều trị không phẫu thuật có thể làm chậm quá trình bệnh, nhưng hầu hết những người mắc bệnh này cuối cùng vẫn cần phải phẫu thuật. Các lựa chọn phẫu thuật bao gồm:
- Ghép xương: Dùng xương khỏe mạnh từ một bộ phận khác của cơ thể để ghép thay thế xương bị tổn thương.
- Cắt xương: Cắt bỏ và định vị lại xương để giảm trọng lượng trên xương hoặc khớp.
- Thay khớp toàn bộ: Thay thế khớp bị hư hỏng bằng khớp nhân tạo.
- Khoan giảm áp: Loại bỏ một phần bên trong xương để giảm áp lực và cho phép hình thành các mạch máu mới.
- Phẫu thuật giải nén lõi: Bác sĩ sẽ loại bỏ một phần lớp xương bên trong. Ngoài giảm đau, không gian thừa bên trong xương sẽ kích hoạt sản sinh mô xương khỏe mạnh và mạch máu mới.
- Kích thích điện: Dòng điện có thể khởi động sự phát triển xương mới. Bác sĩ có thể thực hiện trong khi phẫu thuật hoặc cung cấp cho người bệnh một thiết bị đặc biệt.
Vật lý trị liệu
- Nghỉ ngơi: Người bệnh nên hạn chế hoạt động thể chất, sử dụng nạng trong vài tháng đầu để giữ giảm tải trọng lượng lên khớp, giúp làm chậm quá trình tổn thương xương.
- Bài tập: Kỹ thuật viên vật lý trị liệu có thể hướng dẫn bạn một số bài tập để duy trì hoặc cải thiện phạm vi chuyển động của khớp.
- Kích thích điện (electrical stimulation): Dòng điện có thể kích thích cơ thể phát triển xương mới để thay thế xương bị tổn thương. Kích thích điện có thể được sử dụng trong khi phẫu thuật và áp dụng trực tiếp vào vùng bị tổn thương.

Biện pháp phòng ngừa bệnh hoại tử xương
Để giảm nguy cơ hoại tử xương, bạn cần lưu ý:
- Hạn chế dùng rượu bia: Rượu bia và các chất kích thích là yếu tố hàng đầu gia tăng nguy cơ hoại tử xương.
- Duy trì mức cholesterol thấp: Việc gia tăng lipid máu có thể làm tắc nghẽn các mạch máu nhỏ, làm giảm lưu lượng máu nuôi tới xương.
- Cẩn trọng khi dùng steroid: Bạn nên chắc chắn bác sĩ biết về lịch sử dùng steroid liều cao của mình. Bởi tổn thương xương liên quan tới steroid sẽ trở nên nghiêm trọng hơn nếu dùng steroid liều cao trong thời gian dài.
- Ngưng hút thuốc: Thói quen xấu này sẽ làm thu hẹp các mạch máu, làm giảm lưu lượng máu tới xương.
Bệnh hoại tử xương là tình trạng xương bị nhồi máu khu trú, có thể tự phát hoặc do nguyên nhân cụ thể. Có nhiều nguyên nhân gây hoại tử xương, nếu không được thăm khám và chẩn đoán sớm có thể để lại những biến chứng nguy hiểm. Do đó, khi có dấu hiệu của bệnh bạn nên đến các trung tâm y tế để thăm khám và điều trị.
Leave a reply