Mô tả dược liệu
Kim tiền thảo là cây dạng thân thảo, mọc bò về sau thì dạng đứng thẳng, cây cao tầm 0,3 đến 0,5m. Thân và lá có lông tơ trắng, ngọn non dạng dẹt, có khía. Lá Kim tiền thảo có lông, mọc ó le, gồm 1 hoặc 3 lá chét hình tròn (1 lá chét là phổ biến hơn), gốc lá bằng hoặc dạng hình tim, đầu lá tù hoặc lõm vào; mặt trên lá có màu lục xám nhạt, gân lá rất rõ, mặt dưới lá phủ nhiều lông trắng màu bạc, mềm mịn tương tự nhung, cuống lá dài khoảng 1 – 2cm.
Hoa màu hồng hoặc hồng tím, cụm hoa mọc ở kẽ lá hoặc đầu ngọn thành từng chùm, lá bắc rụng sớm, đài hoa dạng đài 4 răng đều, có lông ngắn, tràng hình bầu dục, nhị 2, bầu hơi có lông. Quả đầu cong, hạt có lông. Mùa ra hoa và quả của Kim tiền thảo từ tháng 3 đến tháng 5.
Quả đậu hơi cong; có 3 đốt
Phân bố
Trên thế giới, Kim tiền thảo phân bố ở các tỉnh phía nam Trung Quốc, Lào. Ở Việt Nam, cây thường gặp ở các tỉnh thuộc vùng núi thấp và trung du phía bắc, từ Nghệ An trở ra. Các tỉnh có nhiều Kim tiền thảo là Thái Nguyên, Lạng Sơn, Bắc Giang, Quảng Ninh, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, Hà Tây, Hoà Bình…
Kim tiền thảo là cây ưa sáng, ưa ẩm nhưng cũng có thể hơi chịu được khô hạn. Cây thường mọc thành đám ở ven rừng, nhất là những nương rẫy mới bỏ hoang. Độ cao phân bố của cây thường dưới 600m. Cây ra hoa quả nhiều hàng năm, quả chín tự mở, để hạt thoát ra ngoài. Về mùa đông, cây có hiện tượng rụng lá hoặc tàn lụi. Cây con mọc từ hạt thường xuất hiện vào tháng 4 hoặc đầu tháng 5.
Do khai thác liên tục, đặc biệt 4-5 năm trở lại đây, nguồn Kim tiền thảo ở Việt Nam giảm đi rõ rệt. Một số vùng trước kia có nhiều, như ở huyện Đại Từ (Thái Nguyên), Lập Thạch (Vĩnh Phúc) nay trở nên hiếm.
Thu hái
Phần trên mặt đất thu hái vào mùa hạ, thu, loại tạp chất, phơi hoặc sấy khô.
Bộ phận dùng
Toàn thân trên mặt đất: Herba Desmodii styracifolii
Tính vị: Tính mát (lương)
Quy kinh: Bàng quang, Can, Thận
Thành phần hóa học
– Flavonoids: Kaempferol, quercetin, astragalin, vicenin 1, vicenin 2, vicenin 3, schaftoside, isoschaftoside, vitexin, isovitexin
– Alkaloids: Desmodimine, desmodilactone,…
– Terpenoids: Lupeol, soyasaponin I, soyasapogenol B, soyasapogenol E, …
– Ngoài ra còn có: các hợp chất Steroides, Phenolic acid, Polysaccharid, Tinh dầu dễ bay hơi.
– Kim tiền thảo thu thập được ở Việt Nam có fIavonoid 0,46 % và saponin 3,1 %.
Tác dụng dược lý
Theo y học cổ truyền
- Trong y học cổ truyền, từ nhiều năm nay người ta đã biết đến Kim tiền thảo (Desmodium styracifolium (Osb.) Merr.) với vai trò điều trị sỏi thận và rất ít có tác dụng phụ.
- Kim tiền thảo có tính mát, vị ngọt, vào các kinh: Can, thận, bàng quang, có tác dụng thanh nhiệt, trừ thấp, lợi tiểu.
Theo y học hiện đại
Chống hình thành sỏi calci oxalat
- Nghiên cứu thí nghiệm của Jun Mi, Jianmin Duan, Jun Zhang, Jianzhong Lu, Hanzhang Wang và Zhiping Wang lấy dịch chiết nước Kim tiền thảo, tiến hành trên chuột đực Wistar bị gây sỏi thận bằng cách cho uống dung dịch amoni oxalat 5%.
- Một tuần sau khi cho chuột uống các liều từ thấp, trung bình đến cao (275, 550 và 1100 mg/kg) dịch chiết nước Kim tiền thảo liên tục trong 3 tuần.
- Kết quả, ở liều trung bình và cao, dịch chiết nước Kim tiền thảo có khả năng ngăn ngừa sự tạo thành sỏi calci oxalat. Cơ cơ chế làm tăng bài tiết citrat niệu, giảm calci niệu, lợi tiểu và tác dụng chống oxy hóa.
- Một nghiên cứu của Hirayama H. và cộng sự 1993, trong số các saponin triterpenoid tồn tại trong Kim tiền thảo, chất soyasaponin I đã được chứng minh có tác dụng ức chế sự hình thành sỏi Ca oxalat ở thận.
- Nghiên cứu của Li Huizhi và cộng sự, 1992 cao Kim tiền thảo thí nghiệm trên chuột cống trắng có tác dụng ức chế sự hình thành sỏi calci oxalat ở thận do polysaccharid ức chế sự tăng trưởng của Ca oxalat monohydrate, đồng thời làm tăng lượng bài tiết nước tiểu. Đối với gan mật, Kim tiền thảo có tác dụng tăng cường sự phân tiết dịch mật.
Tác dụng hạ huyết áp
- Dịch chiết nước Kim tiền thảo có tác dụng hạ huyết áp trên chuột thử nghiệm trong nghiên cứu invivo.
- Tác dụng hạ huyết áp diễn ra theo 2 cơ chế: Kích thích thụ thể cholinergic, ức chế hạch thần kinh thực vật và thụ thể α – adrenergic. Tùy thuộc vào liều sử dụng, sẽ có tác dụng theo cơ chế 1 hoặc 2. Tác dụng ưu thế theo cơ chế 1 với liều sử dụng 300mg/kg, tác dụng ưu thế theo cơ chế 2 với liều 100mg/kg. Nghiên cứu in vitro còn cho thấy, dịch chiết nước Kim tiền thảo còn có tác dụng đối kháng tác dụng gây co bóp động mạch chủ gây bởi methoxamine.
- Nghiên cứu đôi với hệ tim mạch, dung dịch chế từ Kim tiền thảo thử nghiệm trên chó gây mê, tiêm tĩnh mạch với liều 1,6ml/kg (tương đương 8g/kg) làm tăng lưu lượng mạch vành 197%, hạ huyết áp khoảng 30%, làm tim đập chậm và làm giảm mức tiêu thụ oxygen của cơ tim. Kim tiền thảo có tác dụng đối kháng với các triệu chứng do pituitrin gây nên lưu lượng mạch vành giảm, thiếu máu cơ tim thể hiện trên điện tâm đồ và rối loạn nhịp tim. Trên tiêu bản tim cô lập chuột lang, Kim tiền thảo có tác dụng tăng sức co bóp.
Tác dụng ức chế alcohol dehydrogenase (ADH)
- Nghiên cứu của LIANGLIANG LIU, MIAO CHEN và XIAOQING CHEN về tác dụng ức chế của dịch chiết Kim tiền thảo (Desmodium styracifolium (Osb.) Merr.) đối với enzyme alcohol dehydrogenase, enzym đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển hóa ethanol, methanol và ethylene glycol.
- Sử dụng phương pháp ly tâm siêu lọc, kết hợp với HPLC – MS. Ở phân đoạn ethyl acetat, thí nghiệm đã xác định được 2 chất có tác dụng lên enzyme ADH là formononetin và aromadendrin. Nồng độ ức chế 50 % (IC50) của formonetin và aromandendrin lên enzym ADH lần lượt là 70,8 và 84,7 µg/ml tương ứng với khả năng liên kết với enzyme là 90 % và 86,5 %.
Công năng chủ trị
Kim tiền thảo được dùng chữa suy thận, sỏi đường tiết niệu, sỏi mật, viêm gan vàng da, viêm thận phù thũng, nhiệt lâm, thạch lâm.
Liều dùng và cách dùng
Kim tiền thảo được dùng chữa sỏi đường tiết niệu, sỏi mật, suy thận, viêm gan vàng da, viêm thận phù thũng, nhiệt lâm, thạch lâm.
Liều dùng
Dùng kim tiền thảo ở dạng thuốc sắc, cao lỏng, tán bột làm hoàn,… Nên dùng 20 – 40g/ ngày. Dùng tươi có thể tăng liều lượng gấp đôi.
Cách dùng
Dùng dưới dạng thuốc sắc nước uống.
Kiêng kỵ
Theo sách Đông Dược Học Thiết Yếu: những người tỳ hư, tiêu chảy thì không được dùng.
Phụ nữ có thai không nên dùng.
Người bị đau dạ dày nên uống thuốc vào lúc no.
Chú ý
Tránh nhầm với cây thóc lép.
Bào chế
Đem rửa sạch và phơi khô.
Bảo quản
Để nơi khô mát, tránh sâu mọt.
Một số bài thuốc
Chữa sỏi đường tiết niệu
- Phối hợp các dược liệu: Kim tiền thảo 30g, Đông quỳ tử 15g, Xuyên phá thạch 15g, Hải kim sa 15g (gói trong vải), Hoạt thạch 15g, Hoài ngưu tất 12g. Sắc nước uống.
- Hoặc phối hợp các dược liệu sau: Kim tiền thảo 30g; Chích sơn giáp, Thanh bì, Ô dược, Đào nhân mỗi vi 10g; Xa tiền tử 15g; Xuyên ngưu tất 12g. Sắc nước uống.
- Hoặc phối hợp các dược liệu sau: Kim tiền thảo 40g, Mã đề 20g, Uất kim 12g, Ngưu tất 12g, Tỳ giải 20g, Trạch tả 12g, Kê nội kim 8g. Các vị trên sau khi chuẩn bị tiến hành cắt nhỏ, phơi khô sắc với 400ml nước còn lại 100ml uống mỗi ngày 2 lần trong ngày. Có thể thêm nhọ nồi 16g nếu tiểu ra máu. Hoặc Kim tiền thảo, Mã đề, rễ Dền gai (sao vàng), rễ Thiên lý, vỏ Bí đao, rễ Cỏ tranh, Dâu đen (sao thơm); mỗi vị 12g, sắc nước uống.
Chữa sỏi đường mật
- Phối hợp các dược liệu sau: Kim tiền thảo 30g, Chỉ xác (sao) 10 – 15g, Hoàng tinh 10g, Sinh đại hoàng 10g, Xuyên luyên tử 10g. Sắc nước uống.
- Hoặc dùng theo các nguyên liệu sau: Kim tiền thảo 20g; Nghệ vàng 8g; Cỏ xước 20g; Rau má tươi 20g; Hoạt thạch, vảy tê tê, củ gấu, mỗi vị 12g; Mề gà 6g; Hải tảo 8g; nước 500 ml. Sau khi chuẩn bị nguyên liệu xong, sau đó tiến hành sắc còn 200ml, uống một lần lúc đói, hoặc sắc uống làm hai lần trong ngày.
Chữa viêm thận, viêm gan, viêm túi mật, phù
- Phối hợp các dược liệu sau: Kim tiền thảo 40g; Dành dành, Chút chít, mỗi vị 10g, Mộc thông, Ngưu tất mỗi vị 20g; sắc uống, ngày một thang.