Hội chứng đường hầm cổ tay mặc dù không ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng của người bệnh tuy nhiên những bất tiện do nó gây ra ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống của họ. Nhận biết và điều trị kịp thời hội chứng đường hầm cổ tay sẽ giúp người bệnh thoát khỏi những cảm giác khó chịu mà bệnh mang lại.
Hội chứng ống cổ tay là gì?
Hội chứng ống cổ tay, hay còn gọi hội chứng đường hầm cổ tay, là tình trạng gây tê, ngứa hoặc yếu ở bàn tay và cổ tay. Tình trạng này xảy ra khi các dây thần kinh giữa bị chèn ép. Dây thần kinh này thường giúp bạn có thể cảm giác được ở ngón tay cái, ngón trỏ, ngón giữa và một nửa ngón áp út. Ngón tay út thường không bị kiểm soát bởi dây thần kinh giữa.
Nguyên nhân hội chứng đường hầm cổ tay
Hội chứng ống cổ tay do nhiều nguyên nhân:
- Bẩm sinh: Do khi sinh ra, đường hầm cổ tay hẹp khiến dây thần kinh giữa dễ dàng bị chèn ép, hay gặp cả hai tay.
- Giới tính: Phụ nữ có cấu trúc đường hầm cổ tay nhỏ hơn nam giới, hơn nữa phụ nữ làm việc bằng tay nhiều như giặt quần áo, lau nhà… nên có tỉ lệ mắc bệnh cao hơn.
- Tính chất nghề nghiệp: Những công việc đòi hỏi sự lặp đi lặp lại chuyển động của bàn tay trong một thời gian dài cũng sẽ làm tổn thương các gân và làm các gân sưng viêm, tăng thể tích các tổ chức bên trong tạo áp lực đè nén lên dây thần kinh.
- Mang thai: Thay đổi nội tiết tố trong thai kỳ có thể gây viêm các thành phần trong ống cổ tay ảnh hưởng lên dây thần kinh.
- Tiền sử bệnh lý: Thoát vị bao hoạt dịch, viêm khớp mạn tính, viêm khớp dạng thấp, suy thận, rối loạn chức năng tuyến giáp,…
- Chấn thương: Chấn thương vùng cổ tay hoặc trật khớp khiến xương bị di lệch khiến đè ép vào dây thần kinh giữa.

Triệu chứng hội chứng đường hầm cổ tay
Một số triệu chứng phổ biến có thể kể đến như:
- Tê bì tay vào ban đêm.
- Ngứa ran, đau nhức chủ yếu ở ngón cái, ngón trỏ và ngón giữa.
- Mất khả năng nhận thức ở các đầu ngón tay.
- Cảm giác ngứa ran có thể di chuyển lên cẳng tay về phía vai.
Khi hội chứng ống cổ tay nặng hơn, các triệu chứng xảy ra thường xuyên hơn:
- Đau cơ và chuột rút nhiều hơn.
- Tay yếu, ít lực cầm nắm khiến bạn khó thực hiện các động tác bình thường như viết, cài cúc áo, gõ bàn phím, sử dụng điện thoại…
- Phản ứng xung thần kinh chậm hơn hoặc mất nhận thức về vị trí của tay trong không gian.
Biến chứng của hội chứng đường hầm cổ tay
Tình trạng chèn ép thần kinh giữa kéo dài khiến người bệnh bị hẹp ống cổ tay, gây đau, tê, giảm hoặc mất cảm giác vùng da tay thuộc chi phối của thần kinh giữa, nặng hơn có thể gây teo cơ, giảm chức năng và vận động bàn tay.
Chẩn đoán hội chứng ống cổ tay
Để chẩn đoán hội chứng ống cổ tay, bác sĩ sẽ tiến hành một số kiểm tra, bao gồm:
- Nghiệm pháp Tinel: Gõ vào vùng ống cổ tay (bằng tay hoặc búa phản xạ) nhằm xác định người bệnh có cảm giác ngứa ran hoặc đau ở các ngón tay không.
- Nghiệm pháp Phalen: Cho bệnh nhân gập cổ tay trong vòng 60 giây, nếu triệu chứng tê và ngứa ran ở ngón tay xuất hiện càng nhanh thì hội chứng cổ tay càng nặng.
- Chụp X-quang cổ tay: Để xác định hội chứng ống cổ tay có phải do viêm khớp hoặc chấn thương gây ra không.
- Điện cơ (EMG) và dẫn truyền thần kinh: Để chẩn đoán hoạt động của dây thần kinh giữa và mức độ chuyển động của cơ đối với dòng điện.
Điều trị hội chứng đường hầm cổ tay
Đôi khi, tình trạng này có thể tự khỏi mà không cần điều trị, chẳng hạn như do mang thai. Đối với các trường hợp khác, việc điều trị sẽ dựa vào mức độ nghiêm trọng của cơn đau và các triệu chứng. Một số phương pháp cũng có thể giúp kiểm soát bệnh mà không cần làm phẫu thuật hội chứng ống cổ tay:
- Dùng đai nẹp cố định cổ tay. Đai nẹp sẽ giúp giữ cổ tay thẳng, do đó giảm áp lực lên dây thần kinh giữa. Bạn nên đeo đai nẹp vào buổi tối trong khi ngủ và cần dùng ít nhất 4 tuần để thấy cải thiện.
- Hạn chế hoặc tránh các nguyên nhân gây đau cổ tay.
- Dùng thuốc giảm đau. Các thuốc giảm đau như paracetamol hoặc ibuprofen có thể giúp giảm đau trong thời gian ngắn.
- Điều trị các bệnh nền khác, như viêm khớp, tiểu đường.
- Tiêm steroid vào khu vực cổ tay để giảm viêm.
- Thực hiện các bài tập cho cổ tay.
Phẫu thuật hội chứng ống cổ tay chỉ được đề xuất nếu các dây thần kinh giữa bị tổn thương nghiêm trọng. Bác sĩ sẽ cắt bỏ dải mô đi qua dây thần kinh giữa để giảm bớt áp lực lên đây.
Thành công của phẫu thuật phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm tuổi tác, thời gian kéo dài triệu chứng, bệnh tiểu đường và yếu cơ. Trong hầu hết trường hợp, phẫu thuật thường thành công.

Phòng ngừa tái phát hội chứng ống cổ tay
Bên cạnh áp dụng các biện pháp điều trị trên, bạn cần phải biết rằng, dù là đã phẫu thuật nhưng hội chứng này vẫn có thể tái phát nếu không có biện pháp phòng tránh hiệu quả. Do đó, để giảm thiểu căng thẳng cho bàn tay và cổ tay, hạn chế cơn đau tái phát, bạn cần chú ý các điều sau:
- Luôn giữ tay thẳng và đặt cổ tay ở một vị trí thoải mái song song với bàn phím.
- Giảm lực và thả lỏng tay cầm khi gõ phím, viết bài, thao tác với máy tính tiền…
- Để cổ tay được nghỉ ngơi vài phút mỗi 30-45 phút làm việc.
- Thực hiện các động tác co duỗi, uốn cong tay vài phút vào giờ giải lao.
- Tránh gập hay uốn cong cổ tay nhiều lần.
- Cải thiện tư thế ngồi, tránh đưa vai và cổ về phía trước quá nhiều vì sẽ làm các dây thần kinh ở cổ bị chèn ép, từ đó gây ảnh hưởng đến cổ tay, ngón tay và bàn tay.
- Thay chuột máy tính nếu bạn cảm thấy không thoải mái và mỏi cổ tay khi sử dụng.
- Nếu làm việc trong môi trường lạnh, hãy đeo găng tay cụt ngón để giữ ấm cho bàn tay và cổ tay.
Tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng nếu không được điều trị sớm, hiện tượng viêm ống cổ tay có thể gây biến chứng teo cơ, tàn phế do tổn thương dây thần kinh mạch máu… Do đó, chuyên gia khuyến cáo, người bệnh không nên chủ quan với các triệu chứng ban đầu và cần đi khám đúng chuyên khoa để được can thiệp kịp thời.
Leave a reply