Lú lẫn hay còn được gọi là bệnh lẫn ở người già. Tuy nhiên, lú lẫn là một tình trạng mà người mắc phải thiếu khả năng suy nghĩ logic và nhanh chóng như bình thường có thể gặp phải ở bất kỳ ai, tùy vào nguyên nhân gây bệnh.
Hội chứng lú lẫn là gì?
Hội chứng lú lẫn với tỷ lệ nhập viện điều trị từ 10-15%, đây là hội chứng mà người mắc không thể suy nghĩ nhanh chóng và rõ ràng như người bình thường. Hội chứng lú lẫn thường gặp trong chuyên khoa tâm thần và một số chuyên khoa khác. Người bị lú lẫn thường không phân biệt được phương hướng, khó ra quyết định, chú ý và ghi nhớ.
Hội chứng lú lẫn có thể xuất hiện ở mọi độ tuổi và đặc biệt thường xuất hiện ở người cao tuổi, đây là căn bệnh hoàn toàn có thể hạn chế những ảnh hưởng cũng như triệu chứng nếu được phát hiện và điều trị kịp thời.
Nguyên nhân gây bệnh
Chấn thương
Người bình thường có thể mắc hội chứng lú lẫn do chấn thương đầu gây ra tổn thương não. Tế bào thần kinh bị tổn thương, rối loạn hoạt động làm thay đổi nhận thức, giảm khả năng suy nghĩ và phân tích, ảnh hưởng đến sự tỉnh táo, phối hợp hành động và lời nói,… Có thể bản thân người bệnh không biết rằng mình bị hội chứng lú lẫn sau chấn thương nhưng người tiếp xúc sẽ biết được.
Có những người có triệu chứng lú lẫn ngay sau chấn thương nhưng có những người xảy ra sau chấn thương một vài ngày.
Mất nước
Nước được nạp vào cơ thể người qua đường uống và bài tiết ra ngoài ra mồ hôi, đường nước tiểu và các hoạt động chức năng khác của cơ thể. Nếu cơ thể liên tục sử dụng nước nhưng không được bổ sung đủ lượng nước mất đi sẽ dẫn tới tình trạng thiếu nước.
Thiếu nước trầm trọng gây rối loạn chất điện giải, ảnh hưởng tới hoạt động thần kinh và gây ra các vấn đề như hội chứng lú lẫn. Đa phần khi bổ sung nước và chất điện giải, cân bằng hoạt động trong cơ thể, triệu chứng lú lẫn sẽ thuyên giảm.
Ảnh hưởng của thuốc
Một số thuốc điều trị có thể gây ra tác dụng phụ có hại cho hệ thần kinh, trong đó triệu chứng lú lẫn là dấu hiệu phổ biến nhất của biến chứng điều trị ung thư. Ví dụ như thuốc hóa trị tiêu diệt tế bào ung thư và thường cũng ảnh hưởng đến tế bào khỏe mạnh, khi tế bào ảnh hưởng là tế bào thần kinh, hoạt động chức năng của não sẽ bị ảnh hưởng. Hậu quả là tình trạng lú lẫn.
Suy giảm chức năng ở người già
Người cao tuổi cũng thường bị hội chứng lú lẫn tuổi già, khi hoạt động của tế bào thần kinh không được linh hoạt như trước, khiến trí nhớ giảm sút và hoạt động bình thường cũng gặp khó khăn.
Nguyên nhân khác
Hội chứng lú lẫn có thể do nhiều yếu tố khác gây ra như: Hạ đường huyết, nhiễm trùng, nhiễm độc do rượu hoặc thuốc, bệnh u não, mất chức năng não, đột quỵ, bệnh thần kinh, mất ngủ, nồng độ oxy thấp, thiếu dinh dưỡng, động kinh,…
Yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc bệnh lú lẫn?
Có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải lú lẫn, chẳng hạn như:
- Tuổi tác cao: Một trong những yếu tố nguy cơ quan trọng nhất.
- Nhập viện.
- Phục hồi sau phẫu thuật.
- Lạm dụng ma túy.
- Nghiện rượu.
- Có bệnh lý não tiềm ẩn.

Triệu chứng hội chứng lú lẫn
Các triệu chứng thường gặp của lú lẫn bao gồm:
- Suy nghĩ lộn xộn hay vô tổ chức.
- Nói líu nhíu từ ngữ hoặc ngập ngừng kéo dài khi phát biểu.
- Phát biểu bất thường hay không tỉnh táo.
- Thiếu nhận thức về vị trí hay thời gian.
- Quên mất nhiệm vụ ngay cả khi đang thực hiện.
- Thay đổi cảm xúc đột ngột, chẳng hạn như kích động đột ngột.
- Có hành vi không bình thường, kỳ lạ hoặc kích động.
- Gặp khó khăn trong việc giải quyết những vấn đề rắc rối hoặc các công việc mà vốn dĩ trước đây khá dễ dàng để làm.
- Không biết mình đang ở đâu hay không nhận ra thành viên trong gia đình hoặc người quen.
- Ảo tưởng.
- Nhìn thấy, nghe, cảm giác, ngửi hoặc nếm những thứ không thực sự tồn tại (ảo giác hay ảo tưởng.
- Nghi ngờ vô căn cứ rằng những người khác đang ở phía sau hoặc muốn làm hại bạn (hoang tưởng).
Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán lú lẫn
Bác sĩ sẽ hỏi triệu chứng và khám sức khỏe bệnh nhân để xác định bệnh và nguyên nhân gây nên. Các xét nghiệm bao gồm:
- Xét nghiệm máu: Bạch cầu tăng, máu lắng tăng là biểu hiện thường thấy.
- Đo điện não đồ.
- Chụp CT, MRI giúp nhận biết bất thường trên phim.
Hội chứng lú lẫn hoàn toàn có thể gặp phải ở người trẻ do các vấn đề sức khỏe hoặc chấn thương gây ra. Khi phát hiện bệnh, người nhà nên đưa bệnh nhân tới cơ sở y tế để khám và điều trị càng sớm càng tốt.

Cách chăm sóc người mắc chứng lú lẫn
Trước hết bạn không nên để một người lú lẫn ở một mình. Để an toàn, người bệnh cần có người chăm sóc. Và trong khi chăm sóc người bệnh lú lẫn, bạn nên:
- Luôn luôn giám sát, cho người cao tuổi ăn cơm, uống thuốc đúng giờ.
- Xây dựng chế độ dinh dưỡng đa dạng, xen kẽ nhiều món ăn khác nhau để tránh bệnh nhân bị thiếu dinh dưỡng vì chỉ ăn một món theo sở thích. Bệnh nhân cũng cần ăn thêm các bữa phụ nếu ăn ít trong bữa chính.
- Chuẩn bị đồ cá nhân cho người cao tuổi khi tắm giặt, vệ sinh cá nhân. Cần sử dụng ghế ngồi để tắm, tránh té ngã.
- Khuyến khích người bệnh tham gia nhiều sinh hoạt ban ngày, vận động cơ thể thường xuyên.
- Quần áo của bệnh nhân cần rộng rãi và thoải mái.
- Giầy, dép cũng không nên có dây buộc vì sẽ khiến người bệnh thêm bối rối; và nên chọn loại đế chống trơn, bền chắc.
- Các vật dụng có thể gây hại cho người bệnh như thuốc men, đồ điện, phích nước cần để trên cao, có dán băng keo, tránh người bệnh tự lấy uống hoặc vô ý sử dụng.
- Gia đình, người thân cần thường xuyên trò chuyện với bệnh nhân.
Hội chứng lú lẫn tuổi già, khả năng phục hồi khá hạn chế, chăm sóc và điều trị chủ yếu giúp trấn an tinh thần người bệnh, giảm mức độ suy giảm chức năng thần kinh.
Leave a reply