Hội chứng Sjogren là rối loạn của hệ thống miễn dịch đặc trưng bởi nhiều dấu hiệu ở các cơ quan khác nhau. Bệnh cần được phát hiện và điều trị sớm để không mang đến các nguy cơ sức khỏe.
Hội chứng Sjogren là gì?
Hội chứng Sjogren (SS) là một bệnh viêm tự miễn hệ thống mạn tính, không rõ nguyên nhân. Bệnh được đặc trưng bởi triệu chứng khô miệng, mắt, và các màng nhầy khác do thâm nhiễm lympho của tuyến ngoại tiết và giảm chức năng tuyến.
Nguyên nhân gây bệnh
Hội chứng Sjogren chính là tình trạng hệ miễn dịch của chính cơ thể tấn công tuyến nước bọt, tuyến lệ gây nên rối loạn hay ngừng hoạt động ở các tuyến này. Hiện vẫn chưa tìm ra nguyên nhân chính xác nhưng một số tác nhân như di truyền, môi trường có thể làm tăng nguy cơ mắc phải.
Nguy cơ mắc bệnh
Ngoài ra, một số yếu tố khác làm tăng nguy cơ gặp phải hội chứng Sjogren phải kể đến là:
- Tuổi tác: Những người trên 40 có khả năng mắc bệnh cao hơn.
- Giới tính: Bệnh gặp nhiều hơn ở nữ giới.
- Những người mắc các bệnh tự miễn khác như thấp khớp hay lupus ban đỏ cũng có khả năng bị hội chứng Sjogren.

Dấu hiệu và triệu chứng của hội chứng Sjogren
- Khô miệng có thể có cảm giác như phấn hoặc cảm giác như bông phấn.
- Khô mắt có thể bị bỏng, ngứa hoặc cộm.
- Khô họng, môi hoặc da.
- Khô mũi.
- Thay đổi vị giác hoặc khứu giác.
- Sưng hạch ở cổ và mặt.
- Da phát ban và nhạy cảm với tia UV.
- Ho khan hoặc khó thở.
- Cảm thấy mệt mỏi.
- Khó tập trung hoặc ghi nhớ mọi thứ.
- Đau đầu.
- Khô âm đạo ở phụ nữ.
- Sưng, đau và cứng khớp.
- Ợ nóng, một cảm giác nóng rát di chuyển từ dạ dày đến ngực của bạn.
- Tê hoặc ngứa ran ở một số bộ phận trên cơ thể.
Biến chứng hội chứng Sjogren
Những biến chứng thường gặp nhất của hội chứng Sjogren thường liên quan đến mắt và miệng.
- Sâu răng: Nước bọt có tác dụng giúp bảo vệ và làm sạch răng. Các vi khuẩn trong khoang miệng khi không được nước bọt làm sạch sẽ gây sâu răng.
- Nhiễm nấm men: Những bệnh nhân mắc hội chứng Sjogren có khả năng nhiễm nấm men ở khoang miệng nhiều hơn.
- Vấn đề về thị lực: Mắt khô có thể dẫn đến tình trạng nhạy cảm hơn với ánh sáng. Từ đó có thể dẫn đến nhìn mờ và tổn thương giác mạc.
Những biến chứng ít gặp hơn có thể là:
- Tổn thương phổi, thận hay gan: Các biến chứng ở phổi như viêm phổi, viêm phế quản hay các tổn thương khác. Các tổn thương ở thận cũng có thể gây mất chức năng thận, gan có thể bị viêm hay xơ gan.
- Hạch bạch huyết: Một số trường hợp bệnh nhân với hội chứng Sjogren có thể xuất hiện ung thư hạch bạch huyết (lymphoma).
- Tổn thương dây thần kinh: Bạn có thể gặp các biến chứng như tê bì, cảm giác kiến bò hay bỏng rát ở tay hay chân do tổn thương dây thần kinh ngoại biên.
Điều trị hội chứng Sjogren
Việc điều trị hội chứng Sjogren tùy thuộc vào cơ quan bị ảnh hưởng. Nhiều người chỉ với các biểu hiện khô miệng và khô mắt có thể tự điều trị tại nhà. Những cũng có những trường nặng cần phải điều trị thuốc hoặc phẫu thuật.
Điều trị thuốc
Tùy thuộc triệu chứng mà bạn có, bác sĩ sẽ kê cho bạn loại thuốc phù hợp:
- Thuốc giúp giảm viêm ở mắt: Thuốc nhỏ mắt như cyclosporine hay lifitegrast có thể được chỉ định nếu như bạn bị khô mắt từ trung bình đến nặng.
- Tăng lượng nước bọt: Các thuốc như pilocarpine và cevimeline có thể làm tăng sản xuất nước bọt, nước mắt. Tuy nhiên, chúng có một số tác dụng phụ đáng lưu ý như đổ mồ hôi, đau bụng, và đi tiểu nhiều hơn bình thường.
- Thuốc giúp điều trị biến chứng: Nếu bạn có các biến chứng như viêm khớp, bạn có thể được sử dụng thuốc kháng viêm non-steroid. Hay khi bạn bị nấm miệng, thuốc điều trị nấm có thể được sử dụng.
- Thuốc điều trị các triệu chứng hệ thống: Thuốc kháng sốt rét như hydroxychloroquine có thể có ích trong điều trị hội chứng Sjogren. Các thuốc giúp ức chế hệ miễn dịch cũng có thể được sử dụng.
Điều trị phẫu thuật
Một thủ thuật nhỏ có thể được sử dụng để làm giảm tình trạng khô mắt. Ống lệ mũi có chức năng dẫn một phần nước mắt xuống dưới mũi. Việc chặn ống này lại có thể giúp giảm tình trạng khô mắt.

Thói quen sinh hoạt giúp bạn hạn chế diễn tiến của hội chứng Sjogren
Những thói quen sinh hoạt sau sẽ giúp bạn có thể hạn chế diễn tiến hội chứng Sjogren:
- Đảm bảo vệ sinh răng miệng sạch sẽ bằng cách nâng cao ý thức của bản thân và thường xuyên đến gặp nha sĩ.
- Uống nhiều nước, ngưng hút thuốc là các thói quen mà người bệnh nên thiết lập.
- Sử dụng nước mắt nhân tạo, thuốc nhỏ mắt. Mang kính khi đi ra ngoài để bảo vệ mắt.
- Dùng kem dưỡng ẩm cho da.
- Đến gặp bác sĩ ngay khi xuất hiện các dấu hiệu mới hoặc triệu chứng của bệnh trở nên nặng nề hơn.
- Dùng keo hoặc thuốc mỡ cho da khô. Chúng giúp giữ độ ẩm trên da.
- Dùng máy tạo độ ẩm vào ban đêm để tránh khô mắt, miệng và mũi.
Hội chứng Sjogren là một bệnh lý tự miễn. Bệnh có thể chỉ gây những ảnh hưởng rất nhỏ như khô miệng hay khô mắt. Tuy nhiên, những cơ quan khác cũng có khả năng bị tổn thương và gây biến chứng khá nặng nề. Bệnh cũng có thể được theo dõi và điều trị tại nhà nếu với thể nhẹ.