Hội chứng thận hư là một rối loạn ở thận làm cơ thể bài tiết quá nhiều protein qua nước tiểu. Điều trị hội chứng thận hư thường không thể dứt điểm hoàn toàn do bệnh tái phát nhiều lần.
Nguyên nhân gây nên hội chứng thận hư
Hội chứng thận hư xảy ra khi màng lọc của cầu thận bị viêm và tổn thương (đơn vị lọc của thận). Màng lọc cầu thận có tác dụng lọc máu trong cơ thể khi đi qua thận. Các cầu thận khỏe mạnh giữ lại protein trong máu (chủ yếu là albumin) không đi qua màng lọc. Khi bị viêm, màng lọc cầu thận cho phép quá nhiều protein trong máu thấm qua màng lọc, dẫn đến hội chứng thận hư.
Phần lớn hội chứng thận hư không có nguyên nhân (nguyên phát). Tuy nhiên một phần nhỏ người bệnh có nguy cơ cao mắc hội chứng thận hư hơn người khác trong các trường hợp sau:
- Mắc một số bệnh ảnh hưởng toàn thân và thận là 1 trong những cơ quan bị ảnh hưởng, chẳng hạn như tiểu đường, lupus, amyloidosis và các bệnh thận khác.
- Sử dụng lâu dài một số loại thuốc: Ví dụ về các loại thuốc có thể gây ra hội chứng thận hư bao gồm thuốc chống viêm không steroid và thuốc kháng sinh.
- Mắc một số bệnh nhiễm trùng: Ví dụ về các bệnh nhiễm trùng làm tăng nguy cơ mắc hội chứng thận hư bao gồm HIV, viêm gan B, viêm gan C và sốt rét.
- Một số loại ung thư.
Dấu hiệu của hội chứng thận hư là gì?
Các dấu hiệu và triệu chứng của hội chứng thận hư bao gồm:
- Sưng nặng (phù), đặc biệt là quanh mắt và mắt cá chân và bàn chân có thể kèm theo báng, tràn dịch màng bụng, có thể có phù não.
- Nước tiểu có bọt, có thể do protein dư thừa trong nước tiểu.
- Tăng cân do lượng nước dư thừa không được thoát ra ngoài cơ thể.
- Mệt mỏi, da xanh, kém ăn, ăn mất ngon.
Các biến chứng có thể gặp phải ở hội chứng thận hư
Các biến chứng có thể có của hội chứng thận hư bao gồm:
- Cholesterol máu và triglyceride máu tăng cao: Khi mức độ protein albumin trong máu giảm, gan tạo ra nhiều albumin hơn. Đồng thời, gan cũng giải phóng nhiều cholesterol và chất béo trung tính.
- Suy dinh dưỡng: Mất quá nhiều protein trong máu có thể dẫn đến suy dinh dưỡng. Điều này có thể dẫn đến giảm cân, nhưng có thể khó nhận ra bởi cơ thể bị sưng. Người bệnh cũng có thể bị giảm lượng tế bào hồng cầu (thiếu máu), lượng vitamin D và canxi.
- Huyết áp cao: Do tình trạng ứ muối và nước dư thừa trong cơ thể.
- Suy thận cấp: Nếu thận mất khả năng lọc máu do tổn thương cầu thận, các chất thải có thể tích tụ nhanh chóng trong máu. Nếu điều này xảy ra, có thể cơ thể sẽ cần lọc máu khẩn cấp – điển hình là với máy thận nhân tạo (máy lọc máu).
- Bệnh thận mãn tính: Hội chứng thận hư có thể khiến thận mất dần chức năng theo thời gian. Nếu chức năng thận giảm đủ thấp, bạn có thể phải lọc máu hoặc ghép thận.
- Nhiễm trùng: Những người mắc hội chứng thận hư có nguy cơ nhiễm trùng cao hơn.
- Tăng tình trạng đông máu dẫn đến huyết khối tĩnh mạch chân hoặc ở những nơi khác.
Điều trị hội chứng thận hư
Hội chứng thận hư bản chất là một bệnh mạn tính, diễn biến đột ngột theo từng đợt. Việc điều trị sẽ giúp làm thuyên giảm bệnh hoàn toàn. Tuy nhiên, do bản chất là bệnh thường tái phát, do đó phải theo dõi điều trị lâu dài trong nhiều năm và bệnh nhân nên tuân thủ theo chế độ điều trị đã vạch ra.
Mục tiêu điều trị là giảm triệu chứng, ngăn ngừa biến chứng, kéo dài thời gian lui bệnh và làm chậm quá trình tổn thương thận.
Điều trị triệu chứng
Trong giai đoạn đầu, bệnh nhân bị hội chứng thận hư chưa đáp ứng với điều trị, các biện pháp điều trị triệu chứng lúc này có thể là cần thiết và đây là các biện pháp điều trị hội chứng thận hư duy nhất cho những bệnh nhân có biểu hiện bệnh dai dẳng không đáp ứng với bất kỳ một biện pháp điều trị đặc hiệu nào. Các lựa chọn điều trị triệu chứng đối với trường hợp này sẽ là:
- Giảm phù: Trong giai đoạn phù nặng, bệnh nhân cần chú ý ăn nhạt tuyệt đối. Giai đoạn phù ít thì chỉ cần ăn nhạt một cách tương đối, trung bình mỗi ngày một người bình thường ăn khoảng 4g đến 6g Natri, tương đương với khoảng 15 g muối (cỡ 3 muỗng cà phê). Ăn nhạt tương đối là khi mỗi ngày bổ sung lượng muối khoảng 5g, lưu ý là cả trong nước mắm, mì chính cũng có chứa một lượng muối nhất định.
- Dùng thuốc lợi tiểu theo chỉ định của bác sĩ điều trị.
- Bù lại protein cho cơ thể bằng cách tăng cường bổ sung protein trong thức ăn (nhu cầu một người bình thường mỗi ngày cần ăn khoảng 200g thịt nạc, bệnh nhân khi điều trị hội chứng thận hư cần bổ sung khoảng 300g/ngày), truyền plasma, albumin được xem là tốt nhất (truyền albumin khi xét nghiệm albumin máu dưới 10 g/l).
- Hạ huyết áp: Việc giảm huyết áp trung bình hoặc ít nhất là giảm huyết áp tâm thu có tác dụng bảo vệ thận. Nhóm thuốc hạ áp thường được các bác sĩ lựa chọn là nhóm ức chế men chuyển, vì theo nghiên cứu thì nhóm thuốc này có thể làm giảm protein niệu.
- Sử dụng kháng sinh khi có nhiễm khuẩn.
- Các thuốc khác, bao gồm: Vitamin D2, canxi, các yếu tố vi lượng… nhằm hạn chế tác dụng phụ của corticoid và hậu quả do protein niệu.
Điều trị đặc hiệu
Sử dụng liệu pháp corticoid: Với đợt phát bệnh đầu tiên, trong giai đoạn tấn công, sử dụng prednisolon (nhóm corticoid). Nếu bệnh nhân đáp ứng điều trị (xét nghiệm nước tiểu 24 giờ không thấy protein niệu, hoặc nếu còn thì chỉ ở dạng vết) thì tiếp tục điều trị với prednisolon cách ngày trong vòng 4 đến 6 tuần, sau đó giảm dần liều dùng.
Tuy nhiên, bệnh nhân phải duy trì sử dụng prednisolon kéo dài hàng năm theo chỉ định. Nếu bệnh nhân không đáp ứng với prednisolon thì cần phải tiến hành sinh thiết thận và dựa vào kết quả mô bệnh học để có hướng điều trị tiếp theo.
Trong điều trị đợt tái phát, với thể ít tái phát (chỉ dưới 1 lần trong vòng 6 tháng) thì áp dụng điều trị giống như với đợt đầu. Trong trường hợp thể hay tái phát (có 2 lần tái phát trở lên trong 6 tháng) hay phụ thuộc vào corticoid: Sử dụng liều tấn công như đợt đầu cho đến khi hết tình trạng protein niệu. Sau đó, bệnh nhân phải dùng liều duy trì kéo dài và giảm dần liều cho đến một năm sau.
Các thuốc ức chế miễn dịch được dùng trong trường hợp điều trị hội chứng thận hư hay tái phát, phụ thuộc, kháng thuốc hoặc có biểu hiện ngộ độc với corticoid.