Viêm cầu thận mãn là một bệnh khiến các chức năng của thận bị suy giảm từ từ. Bao gồm các triệu chứng như đi tiểu ra máu và trong nước tiểu có chứa protein.
Viêm cầu thận mạn tính
Viêm cầu thận mạn là một hội chứng lâm sàng xảy ra do cầu thận bị tổn thương từ từ, mạn tính ở cả hai thận, làm suy giảm dần dần chức năng thận. Biểu hiện lâm sàng là phù từng đợt, tăng huyết áp, protein niệu, hồng cầu niệu thường xuyên. Nhưng cũng có thể tiến triển thầm lặng chỉ có protein niệu, hồng cầu niệu mà không có triệu chứng lâm sàng. Dần dần dẫn đến suy thận mạn ngày càng nặng rồi suy thận giai đoạn cuối.
Viêm cầu thận mạn được coi như là một hội chứng – đó là hội chứng viêm cầu thận mạn tính. Hội chứng viêm cầu thận mạn tính có thể gặp trong nhiều thể tổn thương mô bệnh học khác nhau.
Các thể tổn thương mô bệnh học như viêm cầu thận tăng sinh gian mạch, viêm cầu thận màng, viêm cầu thận màng tăng sinh, xơ hóa cầu thận ổ, viêm cầu thận tăng sinh ngoài mao mạch đều có thể diễn biến khái quát giống nhau. Nhưng tỷ lệ giữa các hội chứng lâm sàng thì lại khác nhau. Có những thể tổn thương mô bệnh học biểu hiện lâm sàng chủ yếu là hội chứng thận hư, nhưng thể khác lại biểu hiện bằng protein niệu và hồng cầu niệu mà không có triệu chứng lâm sàng.
Bệnh lý cầu thận mạn gồm có 4 hình thái lâm sàng:
- Hội chứng viêm cầu thận cấp tính.
- Hội chứng viêm cầu thận mạn tính.
- Hội chứng thận hư.
- Biến đổi bất thường ở nước tiểu (protein niệu, hồng cầu niệu không có triệu chứng lâm sàng).
Bốn hình thái lâm sàng trên biến đổi luân phiên trong quá trình tiến triển của bệnh, kéo dài hàng tháng, hàng năm và hậu quả cuối cùng đó là suy thận mạn tính.
Nguyên nhân gây bệnh
Viêm cầu thận mạn nguyên phát
Viêm cầu thận mạn nguyên phát là viêm cầu thận mạn không rõ căn nguyên.
Viêm cầu thận mạn thứ phát
Bệnh hệ thống
- Lupus ban đỏ hệ thống.
- Viêm đa cơ và viêm da cơ.
- Xơ cứng bì toàn thể.
Bệnh rối loạn chuyển hóa
- Đái tháo đường.
- Bệnh nhiễm bột (amyloidosis).
Bệnh mạch máu hệ thống
- Viêm thành mạch dị ứng (Henoch-Schonlein-Purpura).
- Viêm đa động mạch dạng nút (polyarteritis nodosa).
- Bệnh u hạt Wegener.
Bệnh thận di truyền
- Hội chứng Alport.
- Hội chứng móng-xương bánh chè.
- Hội chứng màng nền mỏng.
Một số bệnh thận khác
- Viêm thận Shunt.
- Hội chứng tan máu- tăng ure máu.
Sự hình thành của viêm cầu thận mạn tính
Viêm cầu thận mạn không rõ căn nguyên
Viêm cầu thận tăng sinh gian mạch
- Đặc điểm mô bệnh học của bệnh viêm cầu thận tăng sinh gian mạch là tăng sinh tế bào gian mạch, tăng sinh tế bào nội mô mạch máu, tăng sinh tổ chức gian mạch. Ngày nay, người ta thấy rằng viêm cầu thận tăng sinh gian mạch phần lớn là bệnh lý cầu thận do IgA, hay còn gọi là bệnh Berger. Chỉ có khoảng 10% viêm cầu thận tăng sinh gian mạch biểu hiện bằng hội chứng thận hư, số khác biểu hiện lâm sàng thường gặp là hội chứng viêm cầu thận cấp, hội chứng viêm cầu thận mạn và protein niệu, hồng cầu niệu không có triệu chứng lâm sàng.
Viêm cầu thận tăng sinh ổ, đoạn
- Tình trạng viêm này xảy ra ở một phần của cầu thận hoặc toàn bộ cầu thận, có cầu thận bị tổn thương nằm xen lẫn giữa những cầu thận còn nguyên vẹn. Đa số viêm cầu thận tăng sinh ổ, đoạn là bệnh lý cầu thận do IgA. Biểu hiện lâm sàng là tiểu ra máu chu kỳ, xảy ra sau một nhiễm khuẩn đường hô hấp trên và protein niệu ≈ 1g/24h, thường không có phù, không tăng huyết áp.
Xơ hóa cầu thận ổ, đoạn
- Đặc điểm mô bệnh học là xơ hóa, hyalin hóa một phần hoặc toàn bộ cầu thận mà không hề có hiện tượng tăng sinh tế bào. Tổn thương đầu tiên xuất hiện ở các cầu thận vùng cận tủy lan dần ra toàn bộ vùng vỏ. Các cầu thận tổn thương nằm xen lẫn giữa các cầu thận bình thường. Trong kẽ thận có hiện tượng teo ống thận, xâm nhập tế bào viêm cục bộ, miễn dịch huỳnh quang( +) với IgM và C3 ở vùng tổn thương. Có khoảng 90% các trường hợp xơ hóa cầu thận ổ, đoạn biểu hiện bằng hội chứng thận hư.
Viêm cầu thận màng
- Đặc điểm mô bệnh học của bệnh là dày màng nền cầu thận do phức hợp miễn dịch lắng đọng ở phía ngoài của màng nền cầu thận dưới bề mặt biểu mô, dày màng nền đơn thuần, không có hiện tượng tăng sinh tế bào cầu thận. Có khoảng 80% các trường hợp viêm cầu thận màng có biểu hiện lâm sàng bằng hội chứng thận hư, số còn lại biểu hiện bằng hội chứng viêm cầu thận mạn hoặc protein niệu, hồng cầu niệu không có triệu chứng lâm sàng.
Viêm cầu thận màng tăng sinh
- Đặc điểm mô bệnh học là tăng sinh các tế bào gian mạch, tổ chức gian mạch kết hợp với các ổ lắng đọng phức hợp miễn dịch trong và ngoài màng nền dưới tế bào biểu mô, trong gian mạch và cả trên màng nền. Có khoảng 60% các trường hợp viêm cầu thận màng tăng sinh có hội chứng thận hư, số còn lại biểu hiện lâm sàng dưới dạng hội chứng viêm cầu thận mạn, hội chứng viêm cầu thận cấp hoặc protein niệu, hồng cầu niệu không có triệu chứng lâm sàng.
Viêm cầu thận tăng sinh ngoài mao mạch
- Biểu hiện lâm sàng của bệnh chủ yếu là viêm cầu thận cấp, dấu hiệu nổi bật nhất là thiểu niệu, suy thận cấp tiến triển thành từng đợt. Bệnh tiến triển dẫn đến suy thận mạn tính không hồi phục, bệnh nhân thường tử vong trong vòng 6 tháng đến 2 năm. Viêm cầu thận tăng sinh ngoài mao mạch còn gọi là viêm cầu thận tiến triển nhanh, hay còn gọi là viêm cầu thận ác tính.
Viêm cầu thận mạn thứ phát
Viêm cầu thận mạn thứ phát xảy ra sau nhiều bệnh lý nội khoa khác nhau. Nguyên nhân của viêm cầu thận mạn rất đa dạng, phong phú. Nguyên nhân chủ yếu là do:
Bệnh lý cầu thận do Collagenose
- Lupus ban đỏ hệ thống: Là một bệnh tự miễn, thường gặp ở phụ nữ, rất hiếm gặp ở nam giới. Khoảng 80-100% có viêm cầu thận mạn tính và có hội chứng thận hư. Đại bộ phận bệnh nhân luput ban đỏ hệ thống bị tử vong do suy thận giai đoạn cuối.
- Xơ cứng bì toàn thể: Tổn thương nhiều cơ quan, trong đó có thận.
- Bệnh viêm đa cơ và da-cơ.
- Bệnh tổ chức liên kết hỗn hợp: Xơ cứng bì kết hợp với luput ban đỏ hệ thống, viêm da-cơ.
Tổn thương cầu thận do bệnh lý mạch máu
- Viêm các vi mạch máu nhỏ dạng nút.
- Bệnh u hạt Wegener.
- Xuất huyết dạng thấp.
Hội chứng Goodpasture
Biểu hiện lâm sàng là khái huyết, có thể khái huyết ồ ạt dẫn đến tử vong, kết hợp với viêm cầu thận mạn và thường là viêm cầu thận tăng sinh ngoài mao mạch.
Đái tháo đường: Biểu hiện lâm sàng là hội chứng viêm cầu thận mạn, hội chứng thận hư, xơ tiểu động mạch thận- thận lành tính hoặc xơ hóa động mạch thận- thận ác tính. Suy thận giai đoạn cuối là một trong những nguyên nhân gây tử vong của bệnh đái tháo đường.
Viêm cầu thận do nhiễm khuẩn
- Viêm cầu thận do các virus viêm gan.
- Viêm màng trong tim bán cấp( bệnh osler).
- Viêm cầu thận mạn tính do sốt rét, bệnh phong, giang mai.
Viêm cầu thận do nhiễm độc
- Nhiễm độc muối vàng.
- Nhiễm độc penicillamin.
Viêm cầu thận mạn do lắng đọng các protein bất thường
- Bệnh thận do chuỗi nhẹ.
- Bệnh thận do chuỗi nặng.
- Bệnh Waldenstrom bệnh đại phân tử globulin.
- Amyloidosis tiên phát và amyloidosis thứ phát.
Bệnh cầu thận do các bệnh lý ác tính
Bệnh bạch cầu cấp, bạch cầu mạn, sarcoma hạch, bệnh Kahler.
Chẩn đoán bệnh qua giai đoạn
Viêm cầu thận mạn bao gồm hai nhóm triệu chứng: nhóm triệu chứng của bệnh thận mạn dựa trên các bất thường nước tiểu (protein niệu, hồng cầu niệu) và hình ảnh bất thường qua siêu âm thận; nhóm triệu chứng của suy giảm chức năng thận, đặc trưng bởi giảm mức lọc cầu thận. Do đó Hiệp hội Thận Quốc gia Hoa Kỳ NKF (National Kidney Foundation) hướng dẫn phân loại bệnh thận mạn tính làm năm giai đoạn, từ khi bị bệnh thận tới khi suy thận giai đoạn cuối. Việc phân loại này giúp cho xác định chiến lược điều trị thích hợp cho từng giai đoạn và hiện nay được sử dụng rộng rãi trên thế giới.
- Giai đoạn 1: Chức năng thận còn bình thường. Bệnh nhân có bệnh thận mạn tính nhưng mức lọc cầu thận còn bình thường (90 ml/phút). Chiến lược điều trị trong giai đoạn này là chẩn đoán xác định bệnh, tìm nguyên nhân bệnh và điều trị làm chậm tiến triển bệnh, làm giảm các nguy cơ tim mạch.
- Giai đoạn 2: Giảm chức năng thận (suy thận nhẹ). Giai đoạn này được đặc trưng bởi bệnh nhân có bệnh thận mạn tính, tổn thương thận đã làm giảm chức năng thận, mức lọc cầu thận 60-89 ml/phút. Chiến lược điều trị trong giai đoạn này là đánh giá tiến triển và điều trị làm chậm tiến triển bệnh.
- Giai đoạn 3: Suy thận vừa. Đặc trưng của giai đoạn này là mức lọc cầu thận còn từ 30-59 ml/phút. Chiến lược điều trị trong giai đoạn này là đánh giá, dự phòng và điều trị các biến chứng.
- Giai đoạn 4: Suy thận nặng. Đặc trưng của giai đoạn này là mức lọc cầu thận giảm nhiều còn 15-29 ml/phút. Kế hoạch điều trị trong giai đoạn này là chuẩn bị điều trị thay thế thận.
- Giai đoạn 5: Suy thận rất nặng (suy thận giai đoạn cuối). Đặc trưng của giai đoạn này là mức độ nặng của các triệu chứng suy thận, mức lọc cầu thận chỉ còn dưới 15 ml/phút. Điều trị trong giai đoạn này là điều trị thay thế thận.
Những biến chứng của bệnh
Hội chứng thận hư
- Xảy ra trong đợt tiến triển nặng của bệnh. Nếu hội chứng thận hư hay tái phát hoặc đáp ứng kém với điều trị sẽ làm giảm chức năng thận nhanh chóng.
Suy thận mạn và suy thận giai đoạn cuối
- Viêm cầu thận mạn nguyên phát, thời gian tiến triển đến suy thận giai đoạn cuối có liên quan với loại tổn thương mô bệnh học thận. Với viêm cầu thận ổ đoạn, có 80% số bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối sau 10 năm. Với viêm cầu thận màng tăng sinh, có 40% số bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối sau 10 năm. Tổn thương cầu thận tối thiểu và bệnh thân IgA có tiên lượng tốt hơn.
- Viêm cầu thận mạn thứ phát, mức độ và thời gian suy giảm chức năng thận tùy thuộc vào bệnh nguyên. Bệnh thận do lupus ban đỏ hệ thống, sau 10 năm có 20% bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối. Bệnh thận do đái tháo đường, thời gian duy trì chức năng thận bình thường tùy thuộc vào mức độ kiểm soát đường huyết của bệnh nhân.
- Xảy ra trong đợt tiến triển cấp tính. Bệnh nhân vô niệu, ure, creatinin máu tăng cao. Nếu bệnh nhân không tử vong thì chức năng thận hồi phục một phần, nhưng không thể trở về như trước khi bị suy thận cấp.
Viêm cầu thận tiến triển nhanh
- Viêm cầu thận mạn có thể chuyển thành viêm cầu thận tiến triển nhanh, ure, creatinin máu tăng hàng ngày hàng tuần, mức lọc cầu thận giảm nhanh đến suy thận giai đoạn cuối trong vài ngày vài tuần. Mô bệnh học thận, thấy tạo thành hình liềm ngoài búi mao mạch cầu thận và hoại tử búi mao mạch cầu thận.
Biến chứng tim mạch
- Tăng huyết áp, có thể có cơn tăng huyết áp kịch phát hoặc tăng huyết áp ác tính.
- Suy tim ứ huyết.
Biến chứng máu
- Thiếu máu.
- Xuất huyết: chảy máu mũi, chảy máu tiêu hóa.
Biến chứng xương
- Loạn dưỡng xương do thận (renal osteodystrophy).
- Bệnh xương với chu chuyển xương thấp (low turnover).
- Loãng xương (osteoporosis).
- Nhuyễn xương (osteomalacia).
- Bệnh xương với chu chuyển xương cao (high turnover).
- Viêm xương xơ (osteitis fibrosa cystica).
- Loạn dưỡng xương hỗn hợp (mixed osteodystrophy).
Phòng ngừa bệnh viêm cầu thận
Vệ sinh họng miệng sạch sẽ, đánh răng đúng cách và đều đặn cũng là một cách để phòng bệnh. Để phòng bệnh viêm cầu thận mạn bạn cần lưu ý những điều sau:
- Khi nghi ngờ mắc bệnh bạn cần đi khám tại các cơ sở y tế uy tín ngay.
- Hạn chế để mắc các bệnh về viêm họng, mụn nhọt, chốc lở ( đây là các nguyên nhân gây viêm cầu thận cấp tính).
- Cần vệ sinh cá nhân sạch sẽ để tránh các bệnh về da ( mụn, nhọt…).
- Tiêm phòng vắc xin viêm gan B, không dùng chung bơm kim tiêm.
- Khám bệnh định kỳ 6 tháng/lần (trong đó có làm xét nghiệm máu đánh giá chức năng thận và tổng phân tích nước tiểu).