Bệnh hói đầu là tình trạng tóc bị rụng nhiều và không cân đối khiến cho nhiều mảng da đầu bị trống, trơn lì và không nhìn thấy lỗ chân lông. Tình trạng hói đầu không chỉ ảnh hưởng tới ngoại hình, sức khỏe mà còn đem lại những cảm xúc tiêu cực cho người bị mắc phải.
Hói đầu là gì?
Hói đầu là tình trạng tóc rụng nhiều và không cân đối khiến nhiều mảng da đầu bị trống, trơn lì và không thấy lỗ chân lông. Bệnh hói tóc có thể xảy ra ở nam lẫn nữ, tuy nhiên nam giới chiếm tỷ lệ đa số. Trước đây, hói đầu thường gặp ở độ tuổi sau 40 nhưng hiện nay, bệnh đang có xu hướng trẻ hóa. Nhiều trường hợp bị hói đầu sớm ở tuổi 30, thậm chí 20 hoặc 25 tuổi đã bắt đầu có dấu hiệu bị hói.
Các kiểu rụng tóc ở nam giới
Giống như nữ giới, tình trạng rụng tóc nhiều gây không ít phiền toái và ảnh hưởng tiêu cực tới tâm lý của cánh “mày râu”. Có hai kiểu rụng tóc ở nam giới thường gặp, bao gồm:
- Rụng tóc kiểu chữ M: Tóc bị rụng nhiều ở hai bên thái dương và vùng trán tạo thành hình dáng giống chữ M. Tuy nhiên, tóc phía bên và sau gáy vẫn mọc tốt, lông mày, lông mi và râu vẫn mọc bình thường. Đây là kiểu rụng tóc phổ biến nhất ở nam giới.
- Rụng tóc kiểu chữ U: Tóc rụng theo hình chữ U, khá giống hình móng ngựa. Tóc thưa ở toàn bộ vùng trán và có thể kéo dài đến giữa đầu.
Ngoài ra, một số người còn bị rụng tóc hình chữ O – tóc rụng tại khu vực đỉnh đầu và lộ rõ da đầu ở vùng đỉnh. Tuy nhiên, tỷ lệ người mắc phải tình trạng này không nhiều.
Nếu tình trạng rụng tóc nhiều kéo dài trong khoảng vài năm có thể dẫn tới hói đầu.
Nguyên nhân gây hói đầu
Rụng tóc thường liên quan tới một hoặc nhiều yếu tố dưới đây:
- Do mất cân bằng nội tiết tố, tuổi tác.
- Rối loạn dinh dưỡng, thiếu ăn, thiếu hụt vitamin.
- Một số thuốc điều trị bệnh, hóa chất nhuộm tóc.
- Yếu tố di truyền.
- Nhiều hóa chất, yếu tố gây “áp lực” lên tóc.
- Stress căng thẳng, lo lắng quá đáng.
- Một số bệnh lý tóc như: rụng tóc loang lổ do tự miễn dịch nang tóc, nhiễm trùng da đầu do nấm, giun lươn…
- Tật nhổ tóc.
- Điều trị phóng xạ trên da đầu.
Các yếu tố nguy cơ của rụng tóc
Có một số yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng bị rụng tóc, bao gồm:
- Tiền sử hói đầu gia đình.
- Tuổi tác.
- Sụt cân nhiều.
- Một số tình trạng bệnh lý, chẳng hạn như đái tháo đường hoặc lupus.
- Căng thẳng.

Triệu chứng của hói đầu
Các dấu hiệu và triệu chứng của hói đầu bao gồm:
- Tóc thưa dần ở đỉnh đầu.
- Hói đầu từng mảng.
- Rụng tóc đột ngột.
- Rụng lông tóc toàn thân.
- Những đốm da tròn lan ra khắp vùng da đầu.
Chẩn đoán rụng tóc
Bác sĩ sẽ khai thác bệnh sử, tiền sử, khám lâm sàng và có thể chỉ định một số xét nghiệm sau:
- Xét nghiệm máu: Có thể giúp tìm ra vấn đề bệnh lý liên quan tới rụng tóc.
- Thử nghiệm kéo: Bác sĩ sẽ nhẹ nhàng kéo một nắm tóc để xem mức độ rụng tóc.
- Sinh thiết da đầu: Để kiểm tra phần chân tóc xem nhiễm khuẩn có phải là nguyên nhân gây ra rụng tóc hay không.
- Soi dưới kính hiển vi quang học: Bác sĩ sẽ soi phần tóc được cắt ở gốc, giúp tìm ra bất thường.
Biện pháp điều trị hói đầu
Điều trị rụng tóc nhằm mục đích ngăn chặn rụng tóc và để tóc mọc trở lại, hoặc ít nhất là làm chậm lại quá trình rụng tóc.
Điều trị hói đầu bằng phương pháp y khoa
Nếu rụng tóc do một nguyên nhân bệnh lý nền gây ra, thì cần phải giải quyết nguyên nhân đó. Nếu rụng tóc do thuốc điều trị thì cần cân nhắc về việc sử dụng loại thuốc đó.
Các biện pháp điều trị rụng tóc bao gồm sử dụng thuốc và phẫu thuật:
- Thuốc điều trị thường sử dụng là minoxidil, finasteride, dutasteride, thuốc tránh thai đường uống và spironolactone.
- Phẫu thuật cấy tóc.
- Liệu pháp laser liều thấp: Đã được Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ cấp phép, nhưng còn cần nhiều nghiên cứu về hiệu quả lâu dài.
Điều trị hói đầu bằng phương pháp tự nhiên
Nếu bạn đang cố gắng kích thích mọc tóc mới, để “phủ xanh đồi trọc” thì hãy thử một số biện pháp tự nhiên (không dùng thuốc) như:
- Massage: Thường xuyên massage da đầu chắc chắn sẽ giúp thư giãn đầu óc, kích thích máu lưu thông, và tạo điều kiện để môi trường tóc mọc khỏe mạnh. Bạn chỉ cần dùng phần da mềm của 10 đầu ngón tay massage nhẹ nhàng khắp mái đầu sẽ thúc đẩy nang tóc phát triển, hỗ trợ tóc nhanh mọc và sợi tóc dày khỏe.
- Sử dụng tinh dầu để ủ tóc: Một số loại tinh dầu phổ biến hiện nay có công dụng kích thích nang tóc phat triển như dầu oliu, dầu dừa, tinh dầu bưởi… giúp cải thiện sức khỏe và độ bóng của tóc.
- Sống tích cực và tránh xa chất kích thích: Một lối sống lành mạnh (ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, nói không với thực phẩm chứa chất kích thích, tập luyện điều độ và nghỉ ngơi hợp lý) là bạn đã trải nền cho cơ thể khỏe mạnh chống chọi với chứng rụng tóc, hói đầu đầy khó chịu.

Cách phòng ngừa
Những người hói đầu thường mất đi khả năng bảo vệ da đầu, vì thế họ cần phải:
- Thoa kem chống nắng khi ra ngoài hoặc khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.
- Mang kính mát để bảo vệ mắt khỏi ánh nắng mặt trời và bụi bẩn – thay thế cho chức năng của lông mày và lông mi đã bị rụng.
- Đội mũ nón, tóc giả và khăn choàng để bảo vệ da đầu khỏi ánh mặt trời hoặc để giữ ấm.
- Thoa thuốc mỡ bên trong mũi để giúp giữ lớp màng niêm dịch luôn ẩm ướt và bảo vệ chống lại các vi khuẩn bên ngoài – thay thế cho chức năng của lông mũi đã bị rụng.
Hói đầu là nổi lo lắng của tất cả mọi người, nó là một dấu hiệu báo động một số căn bệnh có thể xảy ra. Xuất phát của bệnh cũng từ những thói quen, lối sông của chúng ta hình thành nên. Vậy nên, loại bỏ những thói quen xấu, chú trọng hơn vào chế độ dinh dưỡng để bảo vệ sức khỏe và vẻ đẹp bên ngoài của mình bạn nhé!