Huyết áp thấp là một căn bệnh thường được bác sĩ nhắc đến đối với những người có bệnh lý về tim hoặc người già. Nhiều người lo lắng, phòng tránh bệnh huyết áp cao mà quên rằng huyết áp thấp cũng là một căn bệnh khá nguy hiểm.
Huyết áp thấp là bệnh gì?
Huyết áp là áp lực do dòng máu tác động lên thành động mạch, được tạo ra khi tim bơm máu qua hệ thống tuần hoàn tới các cơ quan của cơ thể. Huyết áp được đo bằng đơn vị milimet thủy ngân (mmHg). Huyết áp bao gồm hai chỉ số là huyết áp tâm thu, bình thường trong khoảng 90 đến dưới 140 mmHg, và huyết áp tâm trương, bình thường trong khoảng 60 đến dưới 90 mmHg.
Tụt huyết áp hay hạ huyết áp là tình trạng huyết áp tâm thu giảm xuống dưới 90 và/hoặc huyết áp tâm trương dưới 60 mmHg. Tình trạng này thường xảy ra do mạch máu giãn ra một cách bất thường hay thể tích máu trong lòng mạch giảm đột ngột.
Nguyên nhân gậy hạ huyết áp
Muốn điều trị huyết áp thấp hiệu quả thì cần giải quyết tận gốc căn nguyên gây ra. Bệnh lý này có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó phổ biến nhất là do:
- Thiếu máu hoặc chất lượng máu kém do ăn uống không đủ dinh dưỡng, chu kỳ kinh nguyệt kéo dài, phụ nữ sau khi sinh, người ốm dậy, viêm loét đường tiêu hóa, phẫu thuật, chấn thương gây mất máu…
- Mất nước do tiêu chảy, sốt, nôn ói, lao động quá sức dưới điều kiện thời tiết nắng nóng gây đổ nhiều mồ hôi…
- Huyết ấp thấp cơ địa liên quan đến yếu tố gen di truyền.
- Rối loạn chức năng thể dịch khiến các thụ thể cảm áp bên trong lòng động mạch hoạt động kém hiệu quả, dẫn đến mất khả năng điều chỉnh huyết áp của cơ thể.
- Mắc một số bệnh tim mạch như suy tim, bệnh van tim, rối loạn nhịp tim…
- Tác dụng phụ của một số thuốc như thuốc lợi tiểu, thuốc tim mạch, hướng chống trầm cảm, kháng sinh…
- Rối loạn nội tiết trong suy tuyến giáp, suy tuyến thượng thận, tiểu đường, hạ đường huyết…
Dấu hiệu nhận biết hạ huyết áp
Hạ huyết áp làm cho lượng máu lưu thông từ tim đến các cơ quan (đặc biệt là não) không đủ và người bệnh có thể gặp những triệu chứng sau:
- Chóng mặt hoặc choáng váng.
- Ngất xỉu.
- Mất khả năng tập trung, dễ nhầm lẫn.
- Nhìn mờ hoặc bị hoa mắt.
- Buồn nôn, nôn.
- Thở nhanh, nhịp thở nông.
- Mệt mỏi, suy nhược.
- Kích động hoặc có vấn đề bất thường trong hành vi.
Tuy nhiên, chỉ số huyết áp của mỗi người là không giống nhau. Vì vậy, nếu huyết áp của bạn thấp nhưng không gây ra bất kỳ triệu chứng đáng ngại nào cho cơ thể thì có thể coi là bình thường.

Huyết áp thấp có nguy hiểm không?
Huyết áp thấp đồng nghĩa với việc tuần hoàn máu đến mọi nơi trong cơ thể khó khăn hơn, điều đó sẽ tiềm ẩn những biến chứng nguy hiểm trên não, tim, thận… Nhưng vì triệu chứng huyết áp thấp thường không quá rầm rộ khiến nhiều người chủ quan không điều trị sớm, hậu quả là phải đối mặt với những rủi ro đáng tiếc như:
- Ngã: Tụt huyết áp khiến tim đập nhanh, choáng váng, ngất xỉu tại chỗ và có thể không may sẽ bị ngã gãy xương hoặc chấn thương đầu.
- Sốc: Là tình trạng cấp cứu trong đó huyết áp giảm mạnh đột ngột và không thể tự điều chỉnh lại mức bình thường, khiến các cơ quan bị thiếu máu nghiêm trọng, điều này sẽ nguy hiểm đến tính mạng nếu người bệnh không được cấp cứu kịp thời.
- Suy giảm trí nhớ: Huyết áp thấp làm giảm lưu lượng máu lên não, các tế bào thần kinh không được nhận đủ oxy và dưỡng chất lâu sẽ bị thoái hóa dẫn tới suy giảm trí nhớ.
- Suy nhược cơ thể: Các cơ quan thiếu máu nuôi dưỡng kéo dài, triệu chứng mệt mỏi, đau đầu, chóng mặt, mất ngủ tái diễn thường xuyên khiến sức khỏe ngày một sa sút, và hậu quả tất yếu là suy nhược cơ thể. Tình trạng này rất phổ biến ở người bệnh huyết áp thấp lâu năm.
- Biến cố tim mạch, đột quỵ não, suy thận: Dòng máu đến nuôi dưỡng tim, não, thận giảm sút, gây suy tim, suy thận, thiếu máu não. Tuần hoàn máu ứ trệ làm tăng nguy cơ hình thành huyết khối gây đột quỵ, nhồi máu cơ tim.
Khi bị tụt huyết áp nên làm gì?
Xử trí người bị tụt huyết áp cần phải nhanh chóng, đúng cách để tránh dẫn đến các biến chứng nguy hiểm. Trước tiên cần xác định người bị tụt huyết áp có bệnh tiểu đường hay không để loại trừ nguy cơ hạ đường huyết. Sau đó, xử trí như sau:
- Đặt bệnh nhân ngồi hay nằm xuống bề mặt phẳng, dùng gối kê đầu và chân, nên kê chân cao hơn so với đầu.
- Cho bệnh nhân uống một cốc nước sâm, trà gừng, cafe, chè đặc,… hoặc thức ăn mặn hay một chút socola. Nếu không có sẵn những thức ăn đồ uống như vậy thì cho bệnh nhân uống nhiều nước lọc.
- Cho bệnh nhân uống thuốc điều trị tụt huyết áp nếu có sẵn thuốc do bác sĩ kê đơn.
- Nếu tình trạng bệnh nhân được cải thiện, đỡ bệnh nhân ngồi dậy từ từ, nhắc họ hít sâu thở chậm vài nhịp và cử động chân tay trước khi ngồi dậy.
- Nếu bệnh nhân không thấy cải thiện thì cần nhanh chóng đưa vào cơ sở y tế gần nhất.
Biện pháp điều trị
Vậy, tụt huyết áp uống thuốc gì? Bác sĩ có thể kê một số loại thuốc như sau:
- Fludrocortisone: Thuốc hoạt động thông qua việc tăng khả năng giữ muối của thận, nhờ đó gián tiếp giúp giữ nước, tăng thể tích máu. Điều này giúp cải thiện tình trạng tụt huyết áp.
- Midodrine: Thuốc này giảm tình trạng giãn mạch máu, làm tăng huyết áp.
Như vậy, bạn có thể kiểm soát tình trạng tụt huyết áp bằng cách áp dụng các mẹo đơn giản nêu trên. Nếu tình trạng ngày càng diễn tiến trở nặng, bạn nên đến bác sĩ để được tư vấn và kê đơn thuốc nhé!

Phòng ngừa huyết áp thấp
Chế độ ăn khi huyết áp thấp
Việc bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng sẽ giúp cơ thể bạn được khỏe mạnh, phòng ngừa được nhiều căn bệnh. Đối với người có nguy cơ bị hạ huyết áp, nên lưu ý những điều sau đây trong thực đơn bữa ăn:
- Mỗi bữa ăn nên cung cấp khoảng 10 – 15 gram/ngày.
- Bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng trong bữa ăn, nhất là những người thể trạng yếu, cân nặng thấp.
- Cung cấp đủ hàm lượng đạm bằng thịt, cá, gà; đồng thời, ăn nhiều rau (chất xơ), trứng và trái cây (để cung cấp vitamin). Không nên ăn quá nhiều trong một bữa ăn, việc phân chia thức ăn thành nhiều bữa nhỏ sẽ giúp cơ thể dễ dàng hấp thụ được nhiều chất và tiêu hóa nhanh chóng.
- Sử dụng một số loại thức uống có khả năng nâng huyết áp như coffee, trà gừng, trà sâm,…
- Loại bỏ những thức ăn lợi tiểu trong thực đơn bữa ăn, chẳng hạn như bí ngô, rau cải, dưa hấu,…
Tập luyện và thay đổi thói quen sinh hoạt
Việc xây dựng và duy trì lối sống lành mạnh cũng góp phần giúp cơ thể được khỏe mạnh, hệ miễn dịch ổn định, sức đề kháng tốt hơn. Do đó, mọi người nên thiết lập cho bản thân một chế độ sinh hoạt lành mạnh để phòng tránh bệnh huyết áp thấp. Cụ thể như:
- Ngủ đúng buổi, đúng giấc, mỗi ngày nên ngủ từ 7 – 8 tiếng.
- Giữ tinh thần thư giãn, tránh căng thẳng, lo âu, stress quá độ.
- Tránh đứng lâu trong thời gian dài, không tắm nước quá nóng, không vắt chéo chân khi ngồi, đồng thời nên thay đổi tư thế một cách từ từ.
- Tập thể dục đều đặn mỗi ngày để tăng cường tuần hoàn máu và thư giãn tinh thần.
- Sử dụng tất chân/vớ y khoa để tăng áp lực lên phần chân, giúp máu phân bố đều hơn đến các phần của cơ thể.
- Khi gặp phải các dấu hiệu huyết áp thấp, tụt huyết áp, nên ngồi xuống hoặc nằm gác chân lên cao hơn đầu để tăng lưu lượng máu lên não, giảm bớt triệu chứng bệnh.
Huyết áp thấp sẽ nguy hiểm đến tính mạng nếu như không được phòng tránh và chữa trị kịp thời. Vì vậy mà mỗi người cần chú trọng đến các biểu hiện bất thường của cơ thể, thường xuyên khám sức khỏe định kỳ và bổ sung thêm các kiến thức để kịp thời phát hiện ra bệnh huyết áp thấp nhằm tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra.