Khàn tiếng mất giọng là hiện tượng thường gặp trong đời sống và có thể xuất hiện ở bất kỳ ai. Việc giọng nói thay đổi bất chợt khiến nhiều người khó chịu vì nói chuyện khó khăn, ảnh hưởng đến tâm lý và công việc.
Khàn tiếng là tình trạng gì?
Khàn tiếng (khàn giọng) là tình trạng thay đổi giọng nói, âm thanh không còn trong trẻo và bạn thường phải cố gắng để phát ra âm thanh. Tình trạng này có thể tự hết trong vòng vài ngày, nhưng nếu kéo dài trên hai tuần không rõ nguyên nhân thì bạn nên đến bệnh viện thăm khám để phòng ngừa các nguy cơ tổn thương dây thanh hoặc ung thư thanh quản.
Nguyên nhân gây khàn tiếng
khàn tiếng cũng dễ xuất hiện hoặc trầm trọng hơn là bạn có thể mất giọng khi có sự tác động của một vài yếu tố sau đây:
- Lạm dụng giọng nói: Nói to, nói nhiều, ca hát, la hét… thường gặp ở những người có đặc thù công việc phải sử dụng giọng nói liên tục như giáo viên, ca sĩ, phát thanh viên…
- Mắc chứng trào ngược dạ dày thực quản: Axit từ dạ dày trào ngược lên thực quản, tràn vào thanh quản và cổ họng gây kích ứng các dây thanh âm dẫn tới khàn tiếng.
- Hút thuốc lá, uống đồ có cồn và chứa caffeine.
- Dị ứng.
- Hít phải các chất độc hại: khói bụi, nấm mốc…
- Ho kéo dài.
Ngoài ra, bạn còn có thể bị khàn tiếng bởi vài nguyên nhân ít gặp hơn dưới đây:
- Bị suy giáp nặng.
- Dậy thì ở nam giới.
- Polyp dây thanh quản.
- Động mạch chủ ngực bị phồng lên.
- Các bệnh ung thư gần khu vực đầu và cổ như: ung thư hầu họng, ung thư tuyến giáp và ung thư phổi,…
- Suy giảm chức năng thanh quản do rối loạn thần kinh cơ.
- Tổn thương vùng họng, ví dụ như thực hiện đặt nội khí quản,…

Khàn tiếng có nguy hiểm không?
Khàn tiếng rất phổ biến và thường không nguy hiểm nếu tình trạng này chỉ diễn ra dưới 2 tuần. Nhưng nếu đã điều trị nhưng tình trạng khàn tiếng vẫn tiếp diễn sau 2 tuần thì bạn cần đến bệnh viện thăm khám. Bởi vì rất có thể, khàn tiếng kéo dài như vậy là một dấu hiệu cảnh báo một tình trạng sức khỏe tiềm ẩn chẳng hạn như ung thư thanh quản, ung thư tuyến giáp…
Các biện pháp làm giảm tình trạng khàn tiếng
- Cho phép thanh quản và dây thanh âm của bạn nghỉ ngơi trong vài ngày: hạn chế nói chuyện hoặc la hét. Không nói thì thầm vì có thể làm căng dây thanh âm nặng hơn.
- Uống nhiều nước hoặc trái cây nhiều nước: có thể giúp giảm triệu chứng và làm dịu họng.
- Không sử dụng đồ uống có cồn hay caffein: vì có thể làm khô họng và làm khàn tiếng nặng hơn.
- Sử dụng máy làm ẩm không khí.
- Tắm nước nóng.
- Hạn chế hoặc dừng hút thuốc vì hút thuốc gây khô và kích thích họng.
- Loại bỏ tác nhân gây dị ứng trong môi trường nếu có.
- Không sử dụng các thuốc xịt làm khô và kích thích mũi.

Biện pháp phòng tránh khan tiếng
Bạn có thể bảo vệ dây thanh quản của mình, tránh khỏi nguy cơ khàn giọng nhờ vào những phương pháp sau đây:
- Không ở trong môi trường có khói thuốc lá, không hút thuốc vì thói quen này làm họng bạn bị khô rát và kích thích dây thanh quản.
- Hạn chế la hét, nói với một âm lượng lớn.
- Uống đủ nước, ít nhất là 8 cốc nước mỗi ngày giúp cho họng không bị khô rát.
- Thường xuyên rửa tay: giúp giảm một cách đáng kể khả năng mắc các bệnh lý liên quan đến đường hô hấp, từ đó tránh được nguy cơ khàn tiếng.
- Bỏ hút hoặc tránh khói thuốc lá.
- Hạn chế sử dụng các loại đồ uống có chứa cồn và caffeine.
Có thể thấy, khàn giọng không phải là tình trạng sức khỏe quá hiếm gặp. Thậm chí nó còn được xem là biểu hiện hết sức bình thường của cơ thể. Tuy nhiên, nếu không nắm hiểu rõ khàn tiếng và cách phòng ngừa hợp lý, bạn có thể sẽ làm tình trạng này trở nên nghiêm trong hơn. Hãy luôn tuân thủ một cuộc sống khoa học với chế độ dinh dưỡng và tập luyện giúp tăng sức đề kháng cơ thể, đảm bảo sức khỏe lâu dài.