Bệnh loạn trương lực là bệnh rối loạn vận động của hệ thần kinh, với biểu hiện co cơ liên tục hoặc lặp đi lặp lại ngoài ý muốn, tạo tư thế bất thường của một vùng hay nhiều vùng khác nhau của cơ thể.
Loạn trương lực cơ là bệnh gì?
Loạn trương lực cơ là một rối loạn vận động đặc trưng bởi sự co thắt cơ không tự chủ, gây ra các chuyển động lặp đi lặp lại hoặc những tư thế bất thường như vặn xoắn. Tình trạng này có thể ảnh hưởng đến một cơ, một nhóm cơ hoặc toàn bộ cơ thể. Các cơn co thắt cơ có thể từ nhẹ đến nặng. Chúng có thể gây đau đớn và run, làm cản trở thực hiện các công việc hằng ngày. Ngoài cử động bất thường, trầm cảm và lo lắng cũng là triệu chứng phổ biến của tình trạng này.
Loạn trương lực cơ chiếm tỷ lệ khoảng 1% dân số và phụ nữ dễ mắc bệnh hơn nam giới. Tình trạng này có thể gặp ở bất kỳ lứa tuổi và chủng tộc nào. Phần lớn trường hợp chưa có nguyên nhân rõ ràng, một số dạng có thể do di truyền.
Phân loại loạn trương lực cơ
Loạn trương lực cơ được phân loại theo 3 cách: Theo tuổi, theo vị trí và theo nguyên nhân.
Phân loại theo tuổi khởi phát
- Khởi phát sớm: Xảy ra ở những người dưới 26 tuổi.
- Khởi phát muộn: Xảy ra những người trên 26 tuổi.
Loạn trương lực cơ được phân loại theo vị trí
- Loạn trương lực cơ cục bộ: Chỉ xảy ra ở một vùng duy nhất trên cơ thể.
- Loạn trương lực cơ một đoạn: Ảnh hưởng tới hai hay nhiều vùng tiếp giáp nhau trên cơ thể.
- Loạn trương lực cơ toàn thể: Ảnh hưởng tới hầu hết các vùng trên cơ thể hoặc toàn bộ cơ thể.
Loạn trương lực cơ được phân loại theo nguyên nhân
- Loạn trương lực cơ nguyên phát: Thường không xuất hiện dấu hiệu bất thường nào về thần kinh hay qua thăm khám. Khởi phát và diễn tiến của bệnh thường từ từ và không có tư thế cố định. Tuy nhiên, vùng loạn trương lực cơ lâu ngày đôi khi có hiện tượng cơ rút.
- Loạn trương lực cơ thứ phát: Thường bắt nguồn từ một nguyên nhân đã mắc phải như bại não, chấn thương não, tủy sống, suy tuyến cận giáp, viêm não,… hay kèm theo những dấu hiệu thần kinh khác như co cứng, yếu cơ, mất thăng bằng, mắt cử động bất thường, suy giảm nhận thức,…
Nguyên nhân dẫn đến loạn trương lực cơ
Hầu hết các trường hợp không có nguyên nhân rõ ràng. Chúng dường như liên quan đến các vấn đề trong hạch nền (vùng não bộ chịu trách nhiệm khởi đầu cho việc co cơ) của não. Vấn đề này liên quan đến cách dẫn truyền của các tế bào thần kinh. Loạn trương lực cơ là do sự phá hủy các tế bào ở hạch nền. Nguyên nhân gây ra sự phá hủy này là do:
- Bệnh Parkinson.
- Huntington.
- Bệnh Wilson.
- Chấn thương sọ não.
- Chấn thương khi sinh.
- Đột quỵ.
- U não hoặc rối loạn phát triển ở một số người bị ung thư (hội chứng cận ung).
- Thiếu oxy hoặc ngộ độc khí CO.
- Nhiễm trùng, như lao hoặc viêm não.
- Phản ứng với một số loại thuốc hoặc ngộ độc kim loại nặng.
- Loạn trương lực cơ cũng có thể là vô căn hoặc do di truyền đột biến từ cha mẹ.
Dấu hiệu nhận biết loạn trương lực cơ
Một vài dấu hiệu nhận biết bệnh loạn trương lực cơ là:
- Ruột rút ở chân.
- Nháy mắt không kiểm soát.
- Khó nói.
- Giật không tự chủ ở cổ.
- Có những cử động lặp lại nhiều lần, đôi khi giống như run.
- Những chuyển động cơ có thể bắt đầu ở một vùng trên cơ thể và lan qua những vùng khác trong một thời gian.
- Những chuyển động cơ và tư thế bất thường trở nên trầm trọng hơn khi cảm thấy căng thẳng, mệt mỏi hay gắng sức kéo dài.
- Chữ viết bắt đầu cẩu thả.
Biến chứng của bệnh
Tùy thuộc vào loại rối loạn mà các biến chứng có thể bao gồm:
- Khuyết tật về thể chất ảnh hưởng đến các hoạt động hằng ngày.
- Khó nhìn khi loạn trương lực cơ mi mắt.
- Khó khăn khi cử động hàm, nuốt hoặc nói.
- Đau và mệt mỏi, do sự co thắt liên tục của cơ bắp.
- Trầm cảm, lo lắng.
Xét nghiệm và chẩn đoán loạn trương lực cơ
Để chẩn đoán loạn trương lực cơ, bác sĩ có thể tiến hành các bước sau đây:
- Hỏi và xem xét bệnh sử, tiền sử của người bệnh và của gia đình người bệnh.
- Thăm khám tổng quát và thăm khám thần kinh.
- Đánh giá tính chất loạn trương lực cơ theo tuổi khởi phát triệu chứng, các vùng ảnh hưởng trên cơ thể, tiến triển bệnh và các yếu tố có khả năng ảnh hưởng đến tình trạng loạn trương lực cơ.
- Ngoài ra, trong trường hợp cần thiết người bệnh có thể được chỉ định làm thêm các xét nghiệm hình ảnh học (như chụp cộng hưởng từ não bộ MRI), điện não, điện cơ, xét nghiệm máu, xét nghiệm gen,..
Phương pháp điều trị loạn trương lực cơ
Hiện nay, loạn trương lực cơ vẫn chưa có phương pháp điều trị dứt điểm mà chỉ có thể hạn chế diễn tiến bệnh đồng thời làm giảm bớt các triệu chứng của bệnh.
Thuốc men
Tùy thuộc vào tình trạng bệnh của từng người mà bác sĩ có thể kê một số loại thuốc như: levodopa, baclofen, thuốc đồng vận dopamin, trihexyphenidyl và clonazepam.
Thực hiện tiêm botulinum toxin tại vị trí bị loạn trương lực cơ.
Liệu pháp điều trị khác
- Vật lý trị liệu hay liệu pháp nghề nghiệp giúp làm giảm những triệu chứng và cải thiện chức năng của cơ.
- Nếu bệnh ảnh hưởng đến giọng nói thì nên điều trị bằng ngôn ngữ trị liệu.
- Kéo giãn hay xoa bóp để giảm đau cơ.
- Kiểm soát căng thẳng.
Phẫu thuật/thủ thuật
Nếu triệu chứng trở nên trầm trọng, bệnh nhân có thể cần đến phẫu thuật:
- Kích thích não sâu
Khi loạn trương lực cơ gây tàn phế thì kích thích não sâu sẽ là một lựa chọn hữu ích. Các điện cực được cấy vào một vùng cụ thể trong não và kết nối với một bộ kích điện chạy bằng pin được cấy vào ngực. Bộ kích điện sẽ gửi các xung điện đến não giúp kiểm soát các cơn co thắt. Có thể điều chỉnh được tần số và cường độ của các xung điện.
- Phẫu thuật cắt bỏ chọn lọc
Phẫu thuật này bao gồm việc cắt các dây thần kinh giúp kiểm soát cơn co thắt. Được sử dụng nếu các phương pháp điều trị khác thất bại.
Chế độ dinh dưỡng
- Chế độ ăn hằng ngày cần được cân bằng rau xanh và ít chất béo.
- Giảm lượng muối trong khẩu phần ăn.
- Nên dùng các loại thực phẩm có chứa carbohydrates như chuối, khoai lang, yến mạch,…
Loạn trương lực cơ tuy không ảnh hưởng đến tính mạng của người bệnh nhưng lại gây ra những bất tiện, cảm giác khó chịu trong cuộc sống thường ngày. Do đó, việc phát hiện sớm và có các biện pháp can thiệp kịp thời giúp người bệnh giảm bớt được phần nào các ảnh hưởng của loạn trương lực cơ tới sức khỏe.
Leave a reply