Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Đây là loại thức ăn hoàn hảo để trẻ sơ sinh phát triển toàn diện. Trong sữa mẹ có chứa các chất đề kháng và dưỡng chất, các chất này đáp ứng đầy đủ các nhu cầu thay đổi của bé và bảo vệ bé khỏi viêm nhiễm và bệnh tật.
Có nên cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn?
Sữa mẹ là thức ăn hoàn chỉnh và phù hợp nhất cho bé, “tiêu chuẩn vàng cho dinh dưỡng trẻ nhũ nhi”. Sữa mẹ cân bằng tối ưu các chất dinh dưỡng cho trẻ đồng thời tăng cường hệ miễn dịch của trẻ bởi trong sữa mẹ chứa đủ những chất dinh dưỡng cần thiết như đạm, đường, năng lượng, vitamin và muối khoáng, có tỷ lệ thích hợp cho sự hấp thu của hệ tiêu hóa và phát triển của bé.
Dinh dưỡng có trong sữa mẹ
- Casein: Chất đạm đặc biệt trong sữa mẹ giúp ngăn chặn bệnh tiêu chảy, nhiễm trùng hô hấp, viêm tai và dị ứng.
- Sắt: Tuy chất sắt có trong sữa bột, sữa bò nhiều hơn trong sữa mẹ nhưng sắt trong sữa mẹ dễ hấp thu hơn cho bé.
- Lactose: Sữa mẹ có rất nhiều lactose, giúp trẻ dễ dàng thu nhận chất sắt.
- DHA: Giúp phát triển trí não và mắt cho trẻ.
- Lipase: Đây là loại men giúp bé tiêu hóa và thu nhận chất mỡ.
- Lactase: Giúp thu nhận đường lactose trong sữa mẹ, đồng thời giúp phát triển não bộ và thần kinh, điều hòa sinh khuẩn đường ruột.
- Amylase: Giúp tiêu hóa các chất bột.

Những lợi ích của sữa mẹ đối với trẻ con
Nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ là mang đến cho trẻ nguồn dinh dưỡng tuyệt vời nhất bao gồm:
- Cung cấp dinh dưỡng: Sữa mẹ có sự kết hợp gần như hoàn hảo giữa vitamin, protein và chất béo. Đây là nguồn dinh dưỡng lý tưởng để cung cấp cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Bên cạnh đó, sữa mẹ còn dễ tiêu hóa nên cũng giúp trẻ hấp thụ dinh dưỡng tốt hơn, nhất là trong giai đoạn sơ sinh, hệ tiêu hóa vẫn chưa hoàn thiện.
- Cung cấp kháng thể: Sữa mẹ có chứa các kháng thể giúp tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ để chống lại vi rút và vi khuẩn. Vì thế, nuôi con bằng sữa mẹ sẽ giúp giảm nguy cơ mắc bệnh hen suyễn hoặc dị ứng ở trẻ. Ngoài ra, trẻ được bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, không kèm theo sữa công thức sẽ ít bị nhiễm trùng tai, bệnh hô hấp và tiêu chảy hơn.
- Giảm nguy cơ mắc bệnh: Nghiên cứu cho thấy, trẻ bú sữa mẹ giúp giảm khả năng bị dị ứng và sâu răng, đồng thời phát triển xương hàm, răng, giọng nói, khuôn mặt tốt hơn. Đặc biệt, việc nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ đã được chứng minh là có khả năng bảo vệ trẻ khỏi nhiều bệnh tật bao gồm: Viêm tai giữa; bệnh về đường hô hấp; cảm lạnh; vi rút, nhiễm tụ cầu, strep và e coli.
- Giúp tăng cân: Trẻ sơ sinh bú sữa mẹ sẽ giúp tăng cân lành mạnh và tránh được nguy cơ thừa cân, béo phì. Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) cho biết, việc cho con bú sữa mẹ còn đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa SIDS (hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh).
- Giúp bé phát triển cơ miệng: Thực tế cho thấy, động tác mút núm vú khi bú mẹ sẽ giúp bé phát triển khoang miệng và xương cơ hàm, hỗ trợ răng mọc tốt sau này. Ngoài ra, bé bú sữa mẹ cũng ít bị sâu răng hơn so với các bé khác.
- Giúp trẻ gần gũi với mẹ hơn: Mẹ cho con bú tạo ra sự gần gũi về thể chất, bao gồm việc tiếp xúc da thịt và giao tiếp bằng mắt. Điều này giúp tạo ra sự gắn kết, khiến bé gần gũi với mẹ hơn và mang đến cảm giác an tâm hơn cho trẻ.
Nuôi con bằng sữa mẹ tốt cho mẹ
Nuôi con bằng sữa mẹ tốt cho người mẹ vì những lý do sau:
- Giúp mẹ nhanh chóng trở lại trọng lượng như trước khi mang thai.
- Giúp tử cung co bóp và trục xuất các sản phẩm còn sót lại như nhau thai và màng nhầy, và giúp sớm chấm dứt hiện tượng chảy máu âm đạo sau sinh.
- Làm giảm khả năng phát triển ung thư buồng trứng và ung thư vú giai đoạn tiền mãn kinh.
- Làm giảm khả năng phát triển bệnh loãng xương và bệnh tiểu đường loại II
- Giúp tiết kiệm tiền mua sữa (công thức) cho bé.
- Cho con bú thường đòi hỏi phải ở tư thế ngồi hoặc nằm.
- Tăng cường tình cảm giữa mẹ – con.

Cách chăm sóc nguồn sữa mẹ để việc nuôi con bằng sữa mẹ hiệu quả
Những loại thực phẩm nên ăn trong khi cho con bú
Những lời khuyên sau đây sẽ giúp bạn đáp ứng các mục tiêu dinh dưỡng cần thiết khi cho con bú:
- Mẹ nên ăn uống đầy đủ, cân đối các nhóm chất bao gồm: Chất xơ, vitamin, khoáng chất, tinh bột, uống đủ 2 lít nước mỗi ngày.
- Tránh ăn các loại thực phẩm công nghiệp, nhiều dầu mỡ, cay, nóng, chua.
- Mẹ không nên uống cà phê và thức uống có cồn như bia, rượu và cả nước ngọt đóng chai.
- Ăn cá và hải sản 2-3 lần một tuần, nhưng tránh ăn cá có hàm lượng thủy ngân cao. Không nên ăn cá kiếm, cá thu, cá ngói hoặc cá ngừ.
- Bổ sung vitamin tổng hợp mỗi ngày.
- Cơ thể bạn cần thêm khoảng 450-500 lượng calo mỗi ngày để tạo sữa mẹ cho bé.
- Uống nhiều nước (đặc biệt khi thấy nước tiểu có màu vàng đậm).
Tập luyện
- Vận động nhẹ nhàng hai tuần đầu sau sinh, sau đó có thể tăng mức vận động và tăng thời gian vận động nhiều hơn.
- Massage ngực mỗi ngày giúp lưu thông máu, kích thích việc tiết sữa và ngăn ngừa nguy cơ tắc sữa.
Sinh hoạt, nghỉ ngơi
- Nên ăn uống điều độ, đúng giờ, không thức khuya và cần ngủ đủ giấc mỗi ngày.
- Dành thời gian thư giãn như nghe nhạc, ngồi thiền, đọc sách… để tránh căng thẳng, stress ảnh hưởng đến nguồn sữa mẹ.
Cho con bú là việc mà mọi người mẹ nên làm và chỉ có người mẹ mới có thể làm được. Việc này tạo ra một sự gắn kết đặc biệt mạnh mẽ về mặt thể chất và tinh thần giữa mẹ và bé. Vì vậy, bạn hãy chú trọng việc cho trẻ bú sữa mẹ thay vì sữa bột để cả mẹ và bé cùng nhận được nhiều ích lợi hơn nhé!