Mãn kinh được coi là cột mốc quan trọng trong cuộc đời người phụ nữ. Đó là kết quả của việc giảm sản xuất hormone estrogen và progesterone trong buồng trứng mà biểu hiện cụ thể nhất là việc mất kinh hẳn trong vòng 12 tháng liên tục.
Mãn kinh là gì?
Mãn kinh là giai đoạn chuyển tiếp lần thứ hai trong đời sống sinh dục của người phụ nữ (lần thứ nhất xảy ra ở tuổi dậy thì) xảy ra do sự suy giảm chức năng buồng trứng, dần dần buồng trứng ngưng hoạt động và ngưng tiết các nội tiết tố nữ, dẫn đến việc ngưng hành kinh mỗi tháng, và chấm dứt khả năng sinh sản của người phụ nữ.
Tùy vào mỗi người, độ tuổi mãn kinh của phụ nữ sẽ khác nhau nhưng nó thường xảy ra vào giai đoạn gần 50 tuổi. Ở giai đoạn này, bạn có thể gặp phải những dấu hiệu phổ biến như tính tình nóng nảy, tăng cân, teo khô âm đạo… Ở một số người, mãn kinh có thể làm viêm, mỏng các mô âm đạo khiến họ cực kỳ khó chịu và ảnh hưởng đến đời sống tình dục. Lão hóa và trầm cảm là các vấn đề thường gặp, gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống phụ nữ mãn kinh.
Mãn kinh xảy ra sớm hơn ở người hút thuốc lá, cắt tử cung và phụ nữ chưa sanh đẻ.
Dấu hiệu và triệu chứng
Mỗi người phụ nữ trải qua thời kỳ mãn kinh khác nhau. Ngay cả tuổi bắt đầu mãn kinh cũng thay đổi. Một số người bắt đầu từ 30-40 tuổi, một số khác có thể đến trên 60. Phổ biến nhất là khoảng 50-51 tuổi.
Các triệu chứng cũng rất thay đổi tùy mỗi người. Có thể bạn chỉ có vài triệu chứng nhẹ thoáng qua, hoặc mắc phải hàng loạt biến đổi tâm sinh lý, gồm:
- Hành kinh bất thường
- Giảm khả năng sinh sản
- Các biến đổi của âm đạo
- Cơn bốc hỏa (Cảm giác nóng bừng mặt)
- Rối loạn giấc ngủ và đổ mồ hôi trộm ban đêm
- Thay đổi bề ngoài
- Thay đổi tính khí
Sau mãn kinh, hàng loạt bệnh lý mạn tính có xu hướng xuất hiện. Bạn cần hiểu rõ những tình trạng bệnh lý sau đây để từng bước ngăn ngừa và kiểm soát chúng: Bệnh tim mạch, loãng xương, tiểu són do stress, tăng cân.
Lão hóa ở phụ nữ mãn kinh
Ở thời kỳ mãn kinh, các tế bào lão hóa nhanh hơn. Với sự suy giảm các nội tiết tố và giảm chức năng các cơ quan trong cơ thể, các dấu hiệu lão hóa ở phụ nữ mãn kinh thường gặp là:
- Vẻ bề ngoài xuống cấp: Làn da khô, nếp nhăn xuất hiện, chảy xệ, các vết nám, đồi mồi xuất hiện và phát triển nhanh.
- Xuất hiện các triệu chứng của rối loạn vận mạch như bốc hỏa và vã mồ hôi đêm. Bốc hỏa là những cơn nóng bừng kèm theo vã mồ hôi, nóng toàn thân, hồi hộp, lo lắng, đôi khi kèm theo ớn lạnh. Cơn bốc hỏa kéo dài trung bình 3-4 phút. Vã mồ hôi đêm là cơn bốc hỏa xảy ra vào ban đêm và thường can thiệp vào giấc ngủ.
- Suy giảm sinh lý: Các cơ quan sinh dục nữ như âm hộ, âm đạo, tử cung, buồng trứng đều thoái hóa. Âm đạo giảm tiết dịch nhờn, dễ bị viêm nhiễm, sinh hoạt sinh dục gây đau do khô rát, từ đó giảm ham muốn, sợ sinh hoạt tình dục.
- Nội tiết tố estrogen có vai trò quan trọng trong duy trì biểu mô của bàng quang và niệu đạo. Suy giảm estrogen thời kỳ mãn kinh gây những biến đổi ở các cơ quan này, phụ nữ có thể gặp các triệu chứng đường tiết niệu như tiểu gấp, tiểu khó, tiểu nhiều lần, nhiễm trùng đường tiết niệu tái phát,…
- Mật độ xương giảm, tăng tiêu xương, kém hấp thu canxi làm tăng nguy cơ loãng xương, xương dễ gãy do sang chấn.
- Các bệnh lý tim mạch tăng 2-4 lần ở phụ nữ mãn kinh. Sự thiếu hụt estrogen trong thời mãn kinh làm cho tỷ lệ các cholesterol biến đổi theo chiều ngược lại, tạo điều kiện cho sự hình thành các xơ vữa động mạch.
Trầm cảm ở phụ nữ mãn kinh
Những rối loạn tâm lý thời kỳ mãn kinh có thể gặp là mất ngủ, thay đổi tính tình, dễ cáu gắt, lo lắng, trầm cảm. Các biến đổi tâm lý thể hiện ở các mức độ khác nhau tùy theo từng người.
Các rối loạn dạng trầm cảm chiếm khoảng 20% các phụ nữ trong độ tuổi mãn kinh. Những người có tiền sử tâm lý không ổn định trước mãn kinh thì sau mãn kinh có nguy cơ trầm cảm cao hơn.
Nghiên cứu của đại học Harvard trên 460 phụ nữ quanh độ tuổi mãn kinh từ 36-45 tuổi đã chỉ ra rằng, tỷ lệ trầm cảm ở phụ nữ đi vào mãn kinh tăng gấp hai lần so với những phụ nữ vẫn còn kinh nguyệt. Trầm cảm có liên quan đặc biệt đến các triệu chứng rối loạn vận mạch như bốc hỏa, vã mồ hôi đêm. Toát mồ hôi gây khó ngủ vào ban đêm, ban ngày phụ nữ sẽ mệt mỏi, bực dọc và đưa đến các triệu chứng trầm cảm.
Một nghiên cứu khác được thực hiện tại bệnh viện Từ Dũ cho thấy mối liên quan giữa tỷ lệ trầm cảm và một số yếu tố khác như sau:
- Phụ nữ quanh mãn kinh có sang chấn tâm lý liên quan đến bệnh tật có nguy cơ trầm cảm cao gấp 1.65 lần so với người khác.
- Phụ nữ quanh tuổi mãn kinh có sang chấn tâm lý liên quan đến công việc, nguy cơ trầm cảm cao 4.51 lần so với người khác.
- Phụ nữ quanh mãn kinh không có con có nguy cơ trầm cảm cao gấp 2.75 lần so với phụ nữ có con.
- Phụ nữ quanh mãn kinh có sang chấn tâm lý liên quan hạnh phúc gia đình có nguy cơ trầm cảm cao gấp 3.74 lần so với người khác.
Phòng ngừa các rối loạn ở mãn kinh
- Nên có chế độ sinh hoạt, nghỉ ngơi, dinh dưỡng tốt ngay khi bước vào giai đoạn tiền mãn kinh: ăn uống đầy đủ, cân đối các chất.
- Cần ăn nhiều rau quả, đặc biệt là các sản phẩm từ đậu nành hoặc cỏ linh lăng và các thức ăn có nhiều canxi, vitamin D, omega-3 và omega-6
- Cần thường xuyên tập thể dục thể thao để duy trì sự dẻo dai của hệ xương cơ
- Trong quan hệ tình dục, có thể dùng các chất bôi trơn để làm cảm giác đau vì sự khô teo của âm đạo
- Khám phụ khoa định kì mỗi 6 tháng một lần để phát hiện và xử trí sớm các bệnh phụ khoa, trong đó có ung thư
- Bổ sung thuốc có canxi và vitamin D, vitamin E mỗi ngày
Cách điều trị phổ biến hiện nay là sử dụng liệu pháp nội tiết tố thay thế lâu dài. Ðiều này phải được bác sĩ chuyên khoa Phụ sản khám chọn lọc vì nội tiết tố Estrogen còn có thể gây ung thư nội mạc tử cung và ung thư vú.
Liệu pháp thay thế hormone được sử dụng để điều trị những cơn bốc hỏa và ngăn ngừa loãng xương ở phụ nữ mãn kinh. Mức độ hiệu quả của nó phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng bốc hỏa và mất xương ở mỗi người.
Ở một số người, liệu pháp thay thế hormone có thể không phù hợp và sẽ gây ra nhiều phản ứng phụ nghiêm trọng. Cần chữa trị phù hợp cho mỗi người, không có công thức chung cho hàm lượng và thời gian sử dụng mỗi ngày. Vì thế, nếu muốn sử dụng liệu pháp này, bạn cần trao đổi thật kỹ với bác sĩ.