Mất ngủ sau sinh là tình trạng thường gặp ở các mẹ trong giai đoạn đầu chăm sóc trẻ sơ sinh. Tình trạng sau sinh bị mất ngủ kéo dài có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của mẹ. Không những vậy nó cũng phần nào tác động đến tâm lý và là một trong những nguyên nhân gây trầm cảm sau sinh.
Tầm quan trọng của giấc ngủ
Thời kỳ hậu sản, còn được gọi là “tam cá nguyệt thứ tư”, dùng để chỉ giai đoạn những thay đổi sinh lý của người mẹ liên quan đến việc mang thai trở về trạng thái không mang thai. Vì vậy ở thời kỳ này người mẹ cần được nghỉ ngơi để hồi phục lại sức khoẻ cả về thể chất và tinh thần.
Giấc ngủ là một hình thức thư giãn toàn bộ cơ thể, nó đóng vai trò quan trọng trong việc điều hoà hệ thống nội tiết, ảnh hưởng đến quá trình tiết sữa và chất lượng sữa mẹ, cũng như cảm xúc của người mẹ khi chăm sóc cho bé.
Phụ nữ sau sinh mất ngủ là như thế nào?
Mất ngủ ở phụ nữ sau sinh là tình trạng dù trẻ đã ngủ rất ngon nhưng người mẹ vẫn không thể ngủ được. Không chỉ mất ngủ, phụ nữ còn cảm thấy bồn chồn, lo lắng, thao thức, thường xuyên tỉnh giấc để kiểm tra xem trẻ có khóc hay gặp vấn đề gì khác.
Giấc ngủ ở phụ nữ sau sinh có đặc điểm là giấc ngủ nông, dù một tiếng động nhỏ cũng có thể đánh thức người mẹ. Phụ nữ sau sinh bị mất ngủ còn kèm theo các biểu hiện của chứng trầm cảm sau sinh như: tâm trạng hay thay đổi, lo lắng quá mức, luôn cảm thấy buồn bã, dễ bị kích động.
Mặc dù, đây là tình trạng phổ biến nhưng nếu phụ nữ sau sinh mất ngủ cần thăm khám bác sĩ để được tư vấn và hỗ trợ chăm sóc sức khỏe, tránh để các vấn đề về giấc ngủ kéo dài có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch như huyết áp hoặc tinh thần như trầm cảm.
Nguyên nhân dẫn tới tình trạng mất ngủ sau sinh
Quy nhiều công trình nghiên cứu các nhà khoa học đã đưa ra được nhận định chung về nguyên nhân gây mất ngủ sau sinh như sau:
Trẻ chưa phát triển nhịp sinh học ngày đêm
Trẻ sơ sinh sẽ thức giấc nhiều lần vào ban đêm, quấy khóc đòi bú,… Điều này sẽ làm gián đoạn giấc ngủ của mẹ, làm mẹ phải thức giấc nhiều lần và sáng ra mẹ sẽ cảm thấy rất mệt mỏi vì ngủ không đủ giấc.
Do nội tiết tố thay đổi
Sự thay đổi của nội tiết tố sau khi sinh sẽ khiến bạn cảm thấy khó chịu và khó ngủ. Nồng độ estrogen thấp cũng là tác nhân dẫn đến các rối loạn giấc ngủ và chứng trầm cảm sau sinh.
Cảm giác đau đớn sau khi sinh
Mất ngủ sau sinh có thể do sự thay đổi vùng chậu sau khi vượt cạn, do vết mổ cắt may tầng sinh môn hay vết mổ bắt con làm cho bạn cảm thấy đau đớn. Lúc này, bạn khó thể ngủ sâu, ngủ ngon giấc.
Đổ mồ hôi vào ban đêm
Có thể mẹ chưa biết, sau sinh các hormone trong cơ thể mẹ sẽ cố gắng làm sạch lượng chất lỏng dư thừa mà cơ thể sản xuất trong thời gian mang thai. Điều này sẽ khiến mẹ bỉm đổ mồ hôi nhiều vào ban đêm, điều này cũng là nguyên nhân gây khó chịu và mất ngủ cho nhiều mẹ.
Rối loạn tâm trạng sau sinh
Đây là tình trạng mà rất nhiều bà mẹ sau sinh gặp phải, có mẹ sẽ bị trầm cảm sau sinh, có mẹ lại bị rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD) và rối loạn ám ảnh cưỡng chế… nhưng dù là 1 hay nhiều tình trạng trên thì hệ quả chung là các mẹ đều có thể đối mặt với sự thay đổi về giấc ngủ và đôi khi gây ra chứng mất ngủ.
Cho bé bú
Cho con bú là nghĩa vụ thiêng liêng đối với tất cả các bà mẹ tuy nhiên hành động này nếu được diễn ra lúc nửa đêm các mẹ sẽ rất khó ngủ lại, thậm chí đôi lúc, mẹ còn không thể ngủ lại được.
Triệu chứng mất ngủ sau sinh
Các triệu chứng mất ngủ trầm trọng thường đi cùng với các triệu chứng trầm cảm sau sinh như:
- Tâm trạng thất thường.
- Dễ bị kích động.
- Luôn có cảm giác buồn bã.
- Lo lắng quá mức.
Nếu bạn có bất cứ triệu chứng nào trong số những điều này, hãy đến gặp bác sĩ ngay lập tức. Mất ngủ sau sinh có thể là một vấn đề nhỏ đối với một số người nhưng đối với một số khác, nó có thể dẫn đến nhiều căn bệnh nghiêm trọng hơn.
Cách trị mất ngủ cho phụ nữ sau sinh
Nếu sau khi thử những cách trên mà tình trạng mất ngủ vẫn còn tiếp diễn, hãy thăm khám bác sĩ để được tư vấn điều trị bằng những liệu pháp phù hợp như:
- Dùng trà thảo dược: Một số loại trà thảo dược như trà hoa cúc, trà hoa oải hương có tác dụng cải thiện tình trạng mất ngủ và làm giảm các triệu chứng trầm cảm sau sinh. Hãy thử dùng những loại trà này trong 2 tuần và không nên dùng trong thời gian dài vì tác dụng của nó chỉ kéo dài trong 4 tuần.
- Bấm huyệt: Đây là cách trị mất ngủ cho phụ nữ sau sinh đã được nghiên cứu với thời gian điều trị khoảng 2 tuần và thực hiện 4 lần/ngày sẽ thấy tình trạng rối loạn giấc ngủ được cải thiện.
- Massage lưng: Xoa bóp lưng nhẹ nhàng khoảng 20 phút vào mỗi buổi tối và thực hiện trong 5 ngày liên tiếp được cho là cải thiện giấc ngủ.
- Bổ sung khoáng chất: Một số khoáng chất đóng vai trò quan trọng đối với giấc ngủ và hệ thần kinh đó là sắt, magie, … Hãy bổ sung các khoáng chất này thông qua bữa ăn hoặc thuốc bổ tổng hợp để cải thiện tình trạng phụ nữ sau sinh mất ngủ và làm giảm các triệu chứng của trầm cảm.
- Thuốc ngủ, thuốc an thần: Một số loại thuốc ngủ nhẹ nhàng có thể được bác sĩ kê đơn để điều trị tình trạng mất ngủ ở phụ nữ sau sinh. Tuy nhiên, hoạt chất diphenhydramine là thành phần chính của thuốc ngủ lại có thể làm hạn chế tiết sữa mẹ nên liệu pháp này cần được cân nhắc.
- Liệu pháp nhận thức – hành vi: Liệu pháp này đã được nghiên cứu để giúp cải thiện tình trạng mất ngủ và hội chứng trầm cảm ở phụ nữ sau sinh.
Phòng ngừa mất ngủ sau sinh
Nhiều bà mẹ mới sinh cho rằng mất ngủ là một phần của thời kỳ hậu sản. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể thực hiện những thay đổi nhỏ để phòng ngừa tình trạng này. Nếu không muốn bị chứng mất ngủ sau sinh hành hạ, bạn có thể áp dụng một số phương pháp đơn giản sau:
- Ngủ khi trẻ ngủ: Đây là một lời khuyên kinh điển nhưng mang đến hiệu quả cực cao. Các bà mẹ mới sinh cần được nghỉ ngơi nhiều nhất có thể, đặc biệt là khi họ ngủ không ngon giấc vào ban đêm. Khi bé ngủ vào ban ngày, hãy tận dụng thời gian đó để bản thân được nghỉ ngơi.
- Vệ sinh giấc ngủ: Các kỹ thuật vệ sinh giấc ngủ đơn giản có thể tạo ra sự khác biệt lớn. Hãy cố gắng hết sức để tuân theo một thói quen ngủ của riêng bạn, chẳng hạn như cố gắng đi ngủ vào cùng một thời điểm mỗi đêm và thức dậy vào cùng một thời điểm mỗi sáng. Chu kỳ ngủ – thức mỗi ngày sẽ khác nhau tùy thuộc vào nhu cầu của bé, vì vậy hãy cố gắng duy trì sự linh hoạt trong một khoảng thời gian nhất định, không vượt quá khỏi 30 phút so với lịch trình đặt ra bạn nhé.
- Giảm lo lắng và căng thẳng: Những suy nghĩ căng thẳng và lo lắng có thể khiến bạn khó ngủ, ngủ không ngon giấc. Tìm cách giải tỏa căng thẳng có thể cải thiện đáng kể các triệu chứng mất ngủ.
- Hạn chế caffeine và rượu: Một số chất như caffeine, rượu và nicotine cản trở giấc ngủ ngon và khiến chứng mất ngủ sau sinh trở nên trầm trọng hơn. Tốt nhất bạn nên tránh những chất này trong thời kỳ hậu sản của mình.
- Tập thể dục: Hoạt động thể chất hàng ngày là một cách để cải thiện giấc ngủ của bạn. Bạn có thể đi bộ buổi sáng để tỉnh táo hơn vào ban ngày và ngủ ngon hơn vào ban đêm. Lưu ý, cần nhớ tránh tập thể dục ngay trước khi đi ngủ, vì điều này có thể cản trở khả năng đi vào giấc ngủ của bạn.
- Tránh sử dụng thiết bị điện tử: Nhìn vào màn hình điện thoại, máy tính hoặc tivi trước khi ngủ khiến chứng mất ngủ sau sinh trở nên trầm trọng hơn. Ánh sáng từ màn hình của các thiết bị điện tử sẽ khiến bạn rất khó đi vào giấc ngủ. Hãy cố gắng tránh sử dụng thiết bị trong khoảng hai giờ trước khi đi ngủ.
Mất ngủ sau sinh là một vấn đề mà nhiều chị em phụ nữ gặp phải sau khi vượt cạn. Nếu mất ngủ kéo dài, đừng ngần ngại đến thăm khám tại các cơ sở y tế để được hỗ trợ, thăm khám điều trị, tránh để việc mất ngủ gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống bạn nhé!