Khi thời tiết nóng bức, hãy lưu ý đến những dấu hiệu bạn bị mất nước để kịp thời bổ sung. Mất nước có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng hơn bạn tưởng.
Vai trò của nước trong cơ thể
Nước chiếm khoảng 75% cơ thể chúng ta, trong các tế bào, giữa các tế bào, trong mạch máu… Lượng nước cần thiết không giống nhau ở mỗi người. Trung bình, mỗi ngày một người trưởng thành cần uống 2 lít nước.
Hằng ngày, lượng nước trong cơ thể mất qua mồ hôi, nước mắt, nước bọt, hoạt động tiêu tiểu… Bình thường, lượng nước này được bù lại qua đường ăn uống.
Mất nước là gì?
Mất nước là tình trạng lượng nước bị mất ra khỏi cơ thể cao hơn so với lượng nước cơ thể nhập vào. Sự mất cân bằng này sẽ phá vỡ sự cân bằng của các nồng độ muối, khoáng chất và lượng đường trong máu từ đó gây cản trở hoạt động bình thường của cơ thể và gây nhiều thiệt hại cho cơ thể.
Nguyên nhân khiến cơ thể mất nước
Cơ thể mất nước là do các nguyên nhân sau đây:
- Uống ít nước, cơ thể không được cung cấp đủ lượng chất lỏng cần thiết.
- Thời tiết khô và nóng.
- Chế độ ăn uống.
- Sau khi vận động, hoạt động thể chất gắng sức.
- Bị tiêu chảy, nôn mửa.
- Do mắc phải một số bệnh lý như đái tháo đường.
Những ai dễ rơi vào tình trạng này?
Bất cứ ai cũng có thể rơi vào tình trạng mất nước. Tuy nhiên, một số người có nguy cơ cao hơn, có thể kể đến như:
- Trẻ em: Có nhiều yếu tố khiến cho trẻ mất nước. Đó có thể là tình trạng tiêu chảy, nôn ói hoặc các bệnh lý gây sốt. Hơn nữa, trẻ nhỏ không thể nói ra cảm giác khát và không thể tự uống nước.
- Người già: Theo thời gian, khả năng dự trữ dịch của cơ thể giảm dần. Đồng thời, cảm giác khát cũng không còn nhạy cảm như thời trẻ. Người già còn có thể mắc các bệnh lý như đái tháo đường hay đang sử dụng một vài loại thuốc. Một số người già có thể còn gặp khó khăn trong việc tự uống nước.
- Người mắc các bệnh mãn tính: Như đái tháo đường, các bệnh lý của thận, các bệnh lý cần sử dụng thuốc lợi tiểu, bệnh xơ nang, nghiện rượu hoặc các bệnh lý của tuyến thượng thận.
- Người làm việc ngoài trời, đặc biệt trong điều kiện nắng nóng như vận động viên marathon, đua xe đạp…

Triệu chứng mất nước
Một số triệu chứng phổ biến của tình trạng mất nước là:
- Khát nước nhiều.
- Cảm thấy chóng mặt hoặc choáng váng.
- Đánh trống ngực.
- Giảm lượng nước tiểu.
- Khô miệng.
- Nước tiểu bị cô đặc và có màu vàng đậm.
- Yếu cơ.
- Khô da.
Các biến chứng có thể gặp khi cơ thể mất nước
Mất nước có thể dẫn tới một loạt các hậu quả nghiêm trọng. Có thể kể tới như:
- Tổn thương do nhiệt: Có thể nhẹ như chuột rút cho tới nguy hiểm tính mạng như sốc nhiệt.
- Các bệnh lý liên quan đến thận: Tình trạng thiếu nước kéo dài làm tăng nguy cơ nhiễm trùng tiểu, hình thành sỏi thận, nặng nề nhất là suy thận.
- Động kinh: Mất nước dẫn tới mất và rối loạn cân bằng điện giải như natri, kali. Tình trạng này gây ra sự rối loạn trong dẫn truyền tín hiệu giữa các tế bào trong cơ thể. Hậu quả là các cơn co cơ không tự ý, một số trường hợp có thể mất ý thức.
- Sốc giảm thể tích: Là một trong những biến chứng nặng nề nhất, đe dọa tính mạng. Mất nước khiến thể tích dịch lưu thông trong lòng mạch giảm, dẫn tới huyết áp giảm. Khi đó, các cơ quan thiết yếu không đủ oxy và dưỡng chất để duy trì hoạt động.
Làm sao để biết cơ thể mất nước
Nếu bạn khát nước, đơn giản là cơ thể bạn đã bị mất nước. Nhưng trong trường hợp không thấy khát thì chưa thể khẳng định là bạn không bị mất nước. Có hai cách để kiểm tra xem bạn có bị mất nước hay không:
- Kiểm tra da: Dùng hai ngón tay véo vào một số phần da trên mu bàn tay và buông ra. Nếu da trở lại trạng thái bình thường sau chưa đầy vài giây thì ổn, còn da trở về trạng thái bình thường chậm hơn thì bạn có thể bị mất nước.
- Kiểm tra nước tiểu: Nếu cơ thể bạn được cung cấp đủ nước, nước tiểu sẽ có màu vàng nhạt. Màu vàng đậm hơn hoặc màu cam là những màu sắc cảnh báo, cho thấy bạn cần uống nhiều nước hơn.
Làm gì để cải thiện tình trạng mất nước
Phương pháp điều trị hiệu quả nhất cho mất nước chính là bù nước và điện giải kịp thời. Tuy nhiên cần lưu ý đến độ tuổi, nguyên nhân và mức độ mất nước để bù nước một cách phù hợp.
Bù nước cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ
Trong trường hợp trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ mất nước do tiêu chảy, có biểu hiện nôn hoặc sốt có thể sử dụng dung dịch oresol (nếu có) hoặc nước cháo muối. Đó là những dung dịch bù nước và điện giải rất tốt.
Trên mỗi gói oresol đều hướng dẫn cách pha chế cụ thể. Pha oresol với nước đun sôi để nguội và cho trẻ uống theo công thức sau:
- Trẻ dưới 2 tuổi : Uống 50-100 ml oresol sau mỗi lần đi ngoài.
- Trẻ 2-10 tuổi : Uống 100-200 ml oresol sau mỗi lần đi ngoài.
- Trẻ trên 10 tuổi : Uống đến khi hết khát sau mỗi lần đi ngoài.
Trong trường hợp không có dung dịch oresol, có thể nấu nước cháo muối cho trẻ uống. Pha một nắm gạo, một nhúm muối với khoảng 1,2 lít nước sạch, đun nhừ, lọc lấy khoảng 1 lít nước cho trẻ uống dần. Việc bù nước cho trẻ cần được thực hiện cho đến khi trẻ đi ngoài phân sệt mới được dừng lại.
Bù nước cho người trưởng thành trong trường hợp mất nước nhẹ
Trường hợp lao động hoặc chơi thể thao trong điều kiện thời tiết nắng nóng có thể bù nước bằng nước mát hoặc đồ uống chứa chất điện giải. Đối với trường hợp mất nước nhẹ do tiêu chảy, nôn hoặc sốt chỉ cần uống nhiều nước để bù lại lượng nước mất đi. Lưu ý tuyệt đối không sử dụng nước trái cây hay nước ngọt vì có thể khiến tình trạng bệnh tệ hơn.

Hạn chế tình trạng cơ thể mất nước
Để tránh tình trạng cơ thể thiếu nước ảnh hưởng đến sự hoạt động của các cơ quan và sức khỏe cần:
- Uống đủ nước, khoảng 2 – 3 lít tương đương với 8 ly nước mỗi ngày.
- Có thể uống thành từng ngụm nhỏ, uống nhiều lần trong ngày để đảm bảo cung cấp đủ lượng nước cần thiết cho cơ thể.
- Tăng cường bổ sung nước và điện giải khi bị sốt, tiêu chảy hoặc khi thời tiết nắng, nóng, sau khi tập luyện thể thao, vận động gắng sức.
- Hạn chế sử dụng các chất kích thích như cafe, rượu, bia, …
- Với các công việc nặng, đặc biệt nếu ở ngoài trời, nên uống nước trước và trong khi làm. Có thể đánh giá cơ thể đủ nước nếu nước tiểu loãng, vàng trong.
- Khi thời tiết lạnh cũng cần bổ sung nước vì lúc này không khí thường khô hơn, dẫn tới mất nước qua hơi ẩm.
- Người già mắc các bệnh lý dù nhẹ như cảm cúm, viêm phế quản, nhiễm trùng bàng quang nên uống nhiều nước hơn thường ngày dù chưa biểu hiện triệu chứng của mất nước.
Mất nước có thể gây nguy hiểm tính mạng như dẫn tới sốc nhiệt, tụt huyết áp. Do đó, quan trọng nhất là nên uống đủ nước, đặc biệt là khi hoạt động nặng trong điều kiện nắng nóng. Đồng thời, cần chú ý những biểu hiện mất nước sớm ở những đối tượng nguy cơ như trẻ em, người già để có thể xử trí kịp thời.