Nhiều mẹ bầu bị mụn trứng cá trong thời kỳ mang thai, phổ biến nhất là giai đoạn đầu và giữa thai kỳ. Sự gia tăng hóc môn được gọi là androgens có thể làm cho các tuyến trong da phát triển và sản sinh ra nhiều bã nhờn, chất dầu, sáp. Hỗn hợp làm tắc nghẽn các lỗ chân lông, kết hợp với sự tấn công của vi khuẩn sẽ khiến da bị viêm và gây ra mụn trứng cá.
Mụn trứng cá là gì?
Mụn trứng cá (thường gọi đơn giản là mụn bọc hoặc mụn) được hình thành do tế bào chết và tuyến bã nhờn dưới da hoạt động mạnh, làm bít tắc lỗ chân lông. Nếu lỗ chân lông chỉ bị tắc nghẽn một phần, mụn sẽ chuyển dần sang màu đen do tiếp xúc với oxy và hình thành mụn đầu đen. Còn mụn đầu trắng sẽ hình thành khi lỗ chân lông bị tắc nghẽn hoàn toàn và bề mặt tiếp xúc bị che phủ. Do đó, mụn thường có màu trắng hoặc màu gần với da. Nếu để lâu, cả hai loại mụn này có thể bị sưng dẫn đến hình thành mụn trứng cá.
Mụn trứng cá chủ yếu xuất hiện trên mặt, đặc biệt là “vùng chữ T” bao gồm trán, mũi và cằm. Một số mẹ bầu cũng có thể bị mụn trên ngực và lưng, đặc biệt là trên vai.
Mẹ bầu có thể cảm thấy phiền muộn, hoặc căng thẳng do những nốt mụn trứng cá sẽ không nổi đơn lẻ, mà thường nổi trên “diện rộng”, hoặc có những lúc những nốt mụn cũ chưa kịp lành hẳn, những nốt mụn mới đã bắt đầu xuất hiện.
Nguyên nhân xuất hiên mụn trứng cá khi mang thai
- Nội tiết tố thay đổi trong giai đoạn đầu của thai kỳ là nguyên nhân chính khiến mụn trứng cá mọc nhiều. Sự gia tăng của hormone androgen khiến da sản sinh ra bã nhờn nhiều hơn làm cho lỗ chân lông bị tắc nghẽn, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát sinh.
- Nếu bạn sử dụng các sản phẩm chăm sóc da và trang điểm gốc dầu thì nguy cơ bị mụn trứng cá là rất cao.
- Nếu bạn đã từng bị mụn trứng cá trước đây thì nguy cơ mụn bùng phát trong thai kỳ là rất lớn. Ngoài ra, nếu thường bị mụn trước khi hành kinh, có nhiều khả năng bạn phải “sống chung” với nó trong thời gian mang thai.
- Các yếu tố về hệ miễn dịch khiến da bạn trở nên nhạy cảm. Hệ miễn dịch yếu sẽ khiến vi khuẩn sinh sôi ở trong các lỗ chân lông, gây viêm.
Mụn trứng cá không phải là một vấn đề nghiêm trọng nhưng có thể ảnh hưởng đến tâm lý của phụ nữ mang thai.

Biện pháp trị mụn tự nhiên
Giấm táo
Thấm ướt bông gòn bằng giấm táo, áp lên da để thấm bã dầu nhờn.
Trộn một phần dấm vào ba phần nước cất để làm thành nước toner tự nhiên, rất giàu các enzyme và axit alpha hydroxy. Dùng toner này vào mỗi buổi sáng, tối sau khi đã rửa mặt thật sạch. Bạn cho 1 nước toner vào miếng bông và rửa sạch vùng da mặt, cổ, đặc biệt là vùng trán và mũi vì thường tập trung nhiều bã nhờn.
Bột baking soda
Bột baking soda làm khô dầu trên da của bạn và thúc đẩy sự chữa lành. Bạn trộn 1 muỗng canh baking soda với 1 muỗng canh nước. Thoa lên mụn trứng cá, không thoa lên toàn bộ khuôn mặt. Rửa mặt khi bột đã khô
Mật ong
Mật ong có tính kháng khuẩn và sát trùng, nó cũng làm dịu da. Trước tiên bạn hãy rửa mặt sạch bằng nước ấm. Thoa mật ong trực tiếp vào vùng da bị mụn, để khô trong 20 đến 30 phút. Rửa lại bằng nước ấm.
Bột yến mạch và dưa chuột
Dưa chuột và bột yến mạch giúp làm dịu và mát da. Bạn chỉ cần xay dưa chuột cùng bột yến mạch, dự trữ trong tủ lạnh, mỗi khi dùng thì đắp trực tiếp lên mặt trong 10 đến 15 phút, sau đó rửa lại bằng nước ấm.
Dầu dừa
Dầu dừa có tính kháng khuẩn và kháng nấm. Nó cũng làm dịu da và rất dễ cho da để hấp thụ. Dùng dầu dừa nguyên chất thay cho kem giữ ẩm trước khi đi ngủ.

Cách chăm sóc mụn trứng cá khi mang thai
Để điều trị mụn trứng cá trong thời điểm nhạy cảm này, hãy bắt đầu bằng việc tự chăm sóc chính bản thân mình:
- Rửa mặt bằng sữa rửa mặt dịu nhẹ: Hai lần/ngày, hãy dùng sữa rửa mặt làm sạch da. Tránh một số sản phẩm nhất định, chẳng hạn như tẩy da chết, chất làm se da hay mặt nạ, bởi các sản phẩm này có thể gây kích ứng da và khiến tình trạng da trở nên tệ hơn.
- Gội đầu thường xuyên: Nếu bà bầu bị mọc mụn quanh chân tóc, hãy lưu ý gội đầu thường xuyên.
- Không chà xát hay nặn mụn: Làm như vậy có thể gây nhiễm trùng hoặc để lại sẹo.
- Tránh các chất gây kích ứng: Nên dùng các sản phẩm dán nhãn “non-comedogenic”, nghĩa là không chứa các thành phần có khả năng gây bít tắc lỗ chân lông.
- Chế độ sinh hoạt hợp lý: Luôn giữ tinh thần thoải mái, đi ngủ sớm, có thể tập các bài thể dục nhẹ nhàng vào buổi sáng.
- Tránh sử dụng đồ uống có cồn, hạn chế thực phẩm dầu mỡ, cay nóng.
Tuy nhiên, thực tế là một chế độ ăn uống giàu vitamin, khoáng chất và các chất dinh dưỡng cần thiết khác có tác động tích cực đến tất cả các bộ phận của cơ thể, trong đó có làn da của bạn.