Nấm móng là một tình trạng nhiễm trùng ở móng do vi nấm gây nên. Khi bị nhiễm nấm, móng sẽ đổi màu và thay đổi hình dạng. Tùy mức độ nhiễm trùng nặng hay nhẹ mà người bệnh có thể bị ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày.
Nấm móng là bệnh gì?
Nấm móng là tình trạng mà móng tay hoặc móng chân xuất hiện những đốm màu trắng hoặc màu vàng. Đây là bệnh nhiễm trùng do nấm rất phổ biến. Điều trị bệnh không khó nhưng nếu không chăm sóc cẩn thận, bệnh sẽ tái phát.
Nguyên nhân gây nấm móng
Có nhiều nguyên nhân trong đó tác nhân gây nấm móng bao gồm:
- Chủng vi nấm sợi tơ như Trichophyton Rubrum, T. Interdigitale.
- Chủng nấm men thường do Candida Albican, các chủng Candida khác thì hiếm.
- Các loại nấm mốc như Screiopsis Brevicaulis và Fusarium.
Yếu tố thuận lợi khiến dễ bị nhiễm nấm là:
- Những người sống trong môi trường nóng và ẩm thấp.
- Nghề nghiệp buộc phải thường xuyên tiếp xúc với nước.
- Mang giày không khô thoáng và thường xuyên giặt rửa.
- Mang găng tay cao su nhiều giờ liền.
- Dùng chung dụng cụ chăm sóc móng hay khăn với người bị nhiễm nấm.
- Trong gia đình có người thường xuyên bị nấm móng.
- Người lớn tuổi, hút thuốc lá… dễ mắc nấm móng.

Triệu chứng của nấm móng
Khi bị bệnh, một hoặc vài móng bị ảnh hưởng và không ảnh hưởng đến sức khỏe tổng quát. Thay đổi về màu sắc, hình dáng của móng bắt đầu từ đầu móng và hai cạnh bên, tiến triển dần vào trong. Các triệu chứng của bệnh bao gồm:
- Các móng không còn độ bóng. Trên bề mặt móng bị lỗ chỗ hoặc có những đường rãnh ngang dọc.
- Móng trở nên dày hơn bình thường.
- Không còn độ cứng chắc mà móng trở nên giòn và dễ gãy.
- Móng tay hoặc móng chân mất màu sắc tự nhiên và chuyển sang màu vàng hay nâu.
- Bên dưới móng có nhiều bột vụn gồm vi nấm và chất bẩn gây ra mùi khó chịu.
- Bệnh càng tiến triển, các móng sẽ bị lẹm dần và thay đổi hình dạng.
- Trường hợp nặng hơn, phần da quanh móng bị sưng đỏ và đau nhức.
- Ngoài ra, người bệnh có thể cảm thấy ngứa hoặc đau nhẹ ở các móng.
Những biến chứng của bệnh
Nếu không điều trị, vi nấm tiếp tục tấn công và có thể gây ra các biến chứng sau:
- Vi nấm lan truyền và gây bệnh sang các móng khác khiến cho cả bàn chân hoặc bàn tay đều bị bệnh.
- Các móng bị tổn thương vĩnh viễn và không thể phục hồi.
- Ngoài việc mất thẩm mỹ, biến dạng móng làm cho người bệnh đau nhức nhiều và ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày.

Cách điều trị nấm móng
Thuốc bôi tại chỗ
Nếu bệnh nhân chỉ có 1 hoặc 2 tổn thương, chỉ cần dùng thuốc bôi chống nấm tại chỗ như dung dịch màu Castellani, salicylic acid 5% hoặc dùng một trong các thuốc bôi sau: kem hoặc pommade Ketoconazole, Clotrimazole, Fluconazole, Itraconazole, Terbinafine…
Cách bôi: Rửa và cạo sạch chỗ tổn thương móng, hong khô móng, sau đó bôi thuốc lên bề mặt móng và quanh móng, mỗi ngày 2-3 lần, ít nhất trong 3 tháng.
Thuốc uống
Sử dụng thuốc chống nấm toàn thân dựa trên 3 tiêu chuẩn
- Phổ tác dụng của thuốc chống nấm.
- Dược động học của thuốc.
- Biểu hiện lâm sàng.
Trong thời gian dùng thuốc kháng nấm, bệnh nhân cần hạn chế hay tốt nhất là tránh xa rượu, bia và những thức uống có chứa cồn khác vì sẽ gây ra những ảnh hưởng không tốt đối với gan.
Trị nấm móng bằng biện pháp dân gian
Dùng tỏi
Trong tỏi có chứa rất nhiều kháng sinh tự nhiên có thể giúp loại bỏ nấm móng tay chân rất hiệu quả. Điển hình trong đó là chất Allicin giúp kháng viêm và ngăn cản sự hoạt động của vi nấm.
Dùng giấm táo
Dân gian ta từ xưa đã hay dùng giấm táo để chữa bệnh nấm móng vì nó chứa nhiều protein, chất chống oxy hóa và các loại vitamin tốt cho việc kháng khuẩn, tiêu diệt vi nấm.
Dùng lá trầu
Lá trầu không có tính sát khuẩn cao nên chữa nấm móng tay chân tương đối hiệu quả, vừa giúp tiêu diệt vi nấm, vừa giảm mùi hôi khó chịu do bệnh gây ra.

Cách phòng ngừa nấm móng
Những thói quen sau đây có thể giúp ngăn ngừa vi nấm hoặc tái nhiễm trùng :
- Rửa tay và chân thường xuyên. Rửa tay sau khi chạm vào móng bị nhiễm trùng. Giữ ẩm cho móng sau khi rửa.
- Cắt móng tay thẳng, làm phẳng các cạnh bằng dũa. Khử trùng dụng cụ cắt móng tay sau mỗi lần sử dụng.
- Mang vớ thấm mồ hôi hoặc thay vớ khi đã sử dụng cả ngày.
- Chọn giày làm bằng vật liệu thông thoáng.
- Vứt bỏ giày cũ hoặc xử lý chúng bằng chất khử trùng hoặc bột chống nấm.
- Mang giày dép trong khu vực hồ bơi và phòng thay đồ.
- Chọn một tiệm làm móng sử dụng các dụng cụ làm móng tiệt trùng cho mỗi khách hàng.
- Không nên sử dụng sơn móng tay và móng tay nhân tạo.
Nấm móng là bệnh có nguy cơ tái phát rất cao, nên cần chú ý hơn đến thói quen sinh hoạt tao điều kiện cho vi nấm xâm nhập gây cản trở nhiều đến cuộc sống và công việc hàng ngày. Không những thế, những thay đổi về hình dáng của móng khi mắc bệnh lý này còn khiến người bệnh trở nên thiếu tự tin khi giao tiếp. Vậy nên bạn hay tham khảo những ý kiến trên để chữa trị và phòng tránh nấm móng nhé!