Tình trạng bị chóng mặt khi ngủ thường gây lo lắng và ảnh hưởng đến sức khỏe của bản thân, bởi vấn đề này đôi khi có thể là dấu hiệu của một hoặc nhiều bệnh lý nghiêm trọng.
Nằm xuống bị chóng mặt là bệnh gì?
Chóng mặt tư thế kịch phát lành tính
Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng nằm xuống bị chóng mặt là do chóng mặt tư thế kịch phát lành tính (BPPV).
Cơn chóng mặt tư thế kịch phát lành tính là một dạng rối loạn hệ thống tiền đình xảy ra khi chúng ta đột ngột thay đổi vị trí của đầu, chẳng hạn như bạn cảm thấy chóng mặt khi đang ngồi bỗng đứng dậy hoặc chóng mặt khi đang ngồi và nằm xuống. Lúc này, bạn cảm thấy bản thân đang xoay quanh các vật thể khác hoặc các vật thể đang xoay quanh mình.
Cơn chóng mặt tư thế kịch phát lành tính thường xảy ra bất ngờ và không gây nguy hiểm đến tính mạng. Các cơn chóng mặt có thể nhẹ cũng có thể vô cùng dữ dội nhưng thường có đặc tính chung là không kéo dài quá vài phút. Đa số trường hợp cơn chóng mặt tư thế kịch phát lành tính chỉ lặp lại trong vài tuần và tự hết nhưng cũng có trường hợp bệnh trở thành mãn tính.
Những bệnh lý khác
Một số bệnh khác cũng có thể khiến bạn gặp tình trạng nằm xuống bị chóng mặt, bao gồm:
- Đau nửa đầu Migraine.
- Bệnh Ménière.
- Viêm mê đạo tai.
- Lưu lượng máu giảm đột ngột.
- Viêm dây thần kinh tiền đình.
- U não, có chấn thương sọ não.
- Cảm cúm, cảm lạnh.
- Suy tim.
- Xơ vữa động mạch.
- Loãng xương.
Nguyên nhân nằm xuống bị chóng mặt
Hiện tượng nằm xuống bị chóng mặt xuất phát chủ yếu từ nguyên nhân bệnh lý, đặc biệt là chóng mặt tư thế kịch phát lành tính. Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng có một số lý do khác khiến bạn bị chóng mặt khi nằm xuống, chẳng hạn như:
- Thiếu máu não.
- Stress, căng thẳng quá mức.
- Mất ngủ, thiếu ngủ trong một thời gian dài.
- Suy nhược cơ thể.
- Say nắng.
- Say rượu, bia.
Nhìn chung, tình trạng nằm xuống bị chóng mặt có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau và tốt nhất người bệnh không nên chủ quan, tự chẩn đoán. Cần đến thăm khám tại cơ sở y tế uy tín để bác sĩ chuyên khoa có thể xác định tình trạng sức khỏe của bạn.
Dấu hiệu và triệu chứng chóng mặt khi nằm
Triệu chứng chóng mặt khi nằm xuống có thể đi kèm:
- Chóng mặt đột ngột khi vừa nằm xuống, có cảm giác bản thân hoặc căn phòng đang quay cuồng và chuyển động.
- Chóng mặt với các chuyển động cụ thể của mắt xảy ra khi bạn nằm ngửa, đầu quay sang một bên và hơi nghiêng qua mép giường.
- Mất thăng bằng.
- Buồn nôn.
- Nôn mửa.
- Ù tai.
- Nhạy cảm với âm thanh và ánh sáng.
- Mạch đập nhanh.
- Hạ huyết áp.
- Mệt mỏi.
- Mất ngủ.
Các triệu chứng chóng mặt khi nằm có thể xuất hiện và kéo dài dưới một phút. Tình trạng này có thể biến mất trong một thời gian và sau đó tái phát trở lại. Chuyển động mắt bất thường thường đi kèm với các triệu chứng chóng mặt khi nằm.
Cách khắc phục tình trạng chóng mặt khi nằm ngửa
Để hạn chế cũng như khắc phục tốt tình trạng chóng mặt khi nằm ngửa, các bạn có thể tham khảo và áp dụng theo một số khuyến cáo sau đây:
- Tránh thay đổi tư thế và di chuyển đầu đột ngột khi nằm.
- Tránh các cử động mắt, chẳng hạn như nhìn lên, có thể gây ra các triệu chứng chóng mặt khi nằm.
- Duy trì chế độ sinh hoạt, nghỉ ngơi điều độ, tránh làm việc căng thẳng quá độ.
- Ăn uống lành mạnh và tập thể dục thể thao thường xuyên.
- Hạn chế sử dụng rượu, bia, thuốc lá và chất kích thích khác.
- Nếu chóng mặt do bệnh đau nửa đầu thì nên tránh một số các loại thực phẩm có khả năng kích hoạt cơn đau như socola, bột ngọt (mì chính)…
- Sử dụng ánh sáng tốt nếu bạn thức dậy vào ban đêm.
- Đi bộ bằng gậy để ổn định nếu bạn có nguy cơ bị ngã.
- Phối hợp chặt chẽ với bác sĩ để kiểm soát các triệu chứng một cách hiệu quả.
Hiện tượng nằm xuống bị chóng mặt có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Do đó, người bệnh nếu có các biểu hiện bệnh thì không nên chủ quan hay tự điều trị tại nhà, hãy đến cơ sở y tế uy tín để bác sĩ có thể thăm khám và chẩn đoán về tình trạng sức khỏe của bạn.
Leave a reply