Tình trạng nghiến răng không chỉ gây ra những bất tiện cho những người xung quanh mà còn có thể khiến cho người bệnh gặp phải nhiều biến chứng nguy hiểm sau này, thậm chí là biến dạng mặt.
Nghiến răng là bệnh gì?
Nghiến răng là tình trạng nghiến, siết chặt răng trong vô thức, khi 2 hàm răng tạo áp lực lên nhau sẽ phát ra những âm thanh ken két, khiến người bên cạnh phải thức giấc. Vào ban ngày, những người bị nghiến răng lúc ngủ cũng thường có thói quen nhai răng kèn kẹt mỗi khi bị stress hay tập trung vào một việc nào đó.
Nguyên nhân gây bệnh
Dù là đối tượng trẻ em hay người lớn, một khi đã gặp phải tình trạng nghiến răng khi ngủ thường là do:
- Cảm xúc thay đổi liên tục, thường xuyên trong trạng thái căng thẳng, lo âu, thất vọng hay giận dữ.
- Do sai lệch khớp cắn, sự liên kết bất thường của các răng hàm.
- Do bị rối loạn giấc ngủ.
- Mắc phải các bệnh lý răng miệng.
- Do bị trào ngược dạ dày – thực quản.
- Tác dụng phụ của một số loại thuốc đang sử dụng.
- Tập trung quá mức.
Ngoài ra, một số yếu tố được cho là nguy cơ làm gia tăng tình trạng bệnh khi ngủ ở người lớn chính là:
- Do tuổi tác.
- Do tính cách: Những người có cá tính mạnh mẽ, hung hăng, hiếu động thì dễ có nguy cơ bị nghiến răng khi ngủ.
- Do thói quen sử dụng các chất kích thích như đồ uống có chứa cafein, cồn, thuốc lá.
- Ngoài ra, một số yếu tố liên quan đến bệnh răng miệng như nha chu, viêm khớp hàm, sự co cứng các cơ hàm… cũng có thể sẽ làm cho tình trạng nghiến răng tăng lên.

Dấu hiệu của nghiến răng
Một số dấu hiệu và triệu chứng giúp bạn nhận biết bệnh:
- Nghiến hoặc siết chặt răng, đi kèm đó với là âm thanh đặc biệt, thậm chí có thể lớn đến mức đánh thức người ngủ cùng.
- Đau khớp thái dương hàm.
- Đau, mỏi cơ nhai và cơ vùng cổ.
- Nhức đầu.
- Răng nhạy cảm, di động quá mức, mòn bất thường.
- Gãy vỡ miếng trám, men răng.
- Tụt nướu.
- Có vết hằn lõm trên lưỡi.
- Đường nhai trắng hiện rõ trên mặt trong má.
- Xuất hiện các gồ xương ở hàm trên và dưới.
- Tăng hoạt động cơ.
- Phì đại cơ.
- Giảm chất lượng giấc ngủ, hay thấy mệt mỏi.
- Giảm lưu lượng nước bọt.
- Giới hạn há miệng.
Các biến chứng có thể gặp của bệnh
Hầu hết các trường hợp bệnh không gây ra những biến chứng nghiêm trọng, tuy nhiên nghiến răng mức độ nặng và thường xuyên có thể gây ra một số biến chứng như: tổn thương răng, xương hàm, các phục hình răng, nhạy cảm răng do mòn răng, rối loạn khớp thái dương hàm, đau vùng đầu mặt.
Cách điều trị bệnh
Thuốc giúp kiểm soát lo lắng, stress hoặc chống trầm cảm: Bác sĩ có thể khuyên bạn sử dụng một số loại thuốc chống trầm cảm hoặc thuốc chống lo lắng trong thời gian ngắn, để giúp bạn kiểm soát stress hoặc các vấn đề cảm xúc khác, là nguyên nhân gây ra hội chứng.
Thay đổi thói quen vận động hàm và điều chỉnh hàm: Điều chỉnh các thói quen vận động hàm thường mất nhiều thời gian và cần đến sự hỗ trợ của nha sĩ và các chuyên gia tâm lý.
Can thiệp nha khoa: Các điều trị nha khoa có tác dụng bảo vệ răng, tuy nhiên không phải lúc nào cũng điều trị được dứt điểm tật nghiến răng.
Máng chống nghiến: Có tác dụng bảo vệ mặt răng khỏi sự mài mòn gây ra do nghiến răng. Một số loại máng chống nghiến cũng có tác dụng điều chỉnh thói quen vận động hàm, do đó cũng làm hạn chế nghiến răng.
Nắn chỉnh răng: Mục đích để điều chỉnh khớp cắn về vị trí phù hợp, làm giảm các tác động quá mức lên cơ nhai cũng như răng. Trong trường hợp nặng như mòn răng nhiều, nhạy cảm răng, bệnh nhân thậm chí còn cần phải phục hồi lại hình thể răng để khôi phục tương quan răng phù hợp giữa hai hàm.

Cách phòng ngừa nghiến răng
Ngoài các cách chữa bệnh nghiến răng khi ngủ rất hữu ích như trên thì bạn đọc cũng nên quan tâm tới các phương pháp phòng ngừa tình trạng này như:
- Luôn giữ tinh thần thoải mái nhất trước khi ngủ.
- Luôn đánh răng ít đúng cách ít nhất 2 lần mỗi ngày, sử dụng các loại nước súc miệng.
- Kiểm tra răng miệng tại các cơ sở y tế thường xuyên để ngăn ngừa các bệnh lý về răng.
- Không sử dụng các chất kích thích có thể gây ảnh hưởng tới hệ thần kinh.
- Thiết lập chế độ dinh dưỡng khoa học.
- Hạn chế tối đa các loại đồ uống, thức ăn gây tổn thương men răng.
Nghiến răng là một tật không nguy hiểm tới tính mạng nhưng dai dẳng và có thể để lại những hậu quả nặng nề đối với răng miệng, đòi hỏi sự kiên trì trong điều trị cũng như sự phối hợp của nhiều chuyên ngành trong y khoa. Vậy nên, cần quan sát và chú ý tới tật nghiến răng để có những can thiệp và điều chỉnh kịp thời. Việc duy trì lối sống tốt, kiểm tra sức khỏe thường xuyên giúp phát hiện và ngăn chặn sớm sự phá hủy của bệnh.