Ngôi thai là một trong những yếu tố quyết định phương pháp sinh cho các mẹ bầu vượt cạn. Nếu không được theo dõi kỹ, ngôi thai bất thường khiến sản phụ “vượt cạn” khó khăn, có nguy cơ dẫn đến những tổn thương cho mẹ và thai nhi.
Ngôi thai là gì?
Ngôi thai là phần trình diện thấp nhất của thai nhi trước khung chậu của mẹ đến ống dẫn sinh và đi ra khỏi cơ thể mẹ đầu tiên. Tùy vào sự chuyển động của thai nhi mà vị trí của ngôi thai nhi sẽ khác nhau.
Ngôi của thai nhi dưới 24 tuần thường xoay trở thường xuyên trong buồng tử cung được gọi là ngôi di động. Thai nhi càng lớn thì sự xoay chuyển ngôi càng ít, sự bình chỉnh ngôi thai tốt hơn chuẩn bị cho quá trình chuyển dạ.
Thông thường sẽ có 2 dạng ngôi thai chính đó là:
- Ngôi thai dọc: Gồm ngôi đầu (ngôi thuận) và ngôi mông (ngôi ngược).
- Ngôi thai ngang.
Nguyên nhân ngôi thai bất thường
Có rất nhiều nguyên nhân khiến ngôi thai bất thường, trong đó thường gặp nguyên nhân từ phía người mẹ như:
- Mẹ sinh con nhiều lần, tử cung bị giãn, thai nhi khó xoay và cố định đầu vào khung chậu trong.
Mẹ bị u xơ tử cung, u buồng trứng hay tử cung dị dạng, tử cung có vách ngăn… sẽ tạo nên sự chèn ép, khiến thai nhi không xoay trở được. - Nước ối quá ít làm thai nhi không xoay trở được hoặc quá nhiều khiến thai nhi không cố định được ngôi.
- Một số trường hợp nhau bám thấp cũng gây cản trở sự điều chỉnh của thai trong bụng mẹ vào những tháng cuối của thai kỳ.
- Trường hợp thai nhi có đầu quá to hoặc dây rốn quá ngắn làm em bé không xoay được hoặc xoay nửa chừng thì không xoay được nữa. Như thế sẽ tạo thành ngôi ngang. Ngược lại, dây rốn quá dài và quấn cổ cũng khiến thai nhi không xoay được.
Những ngôi thai bất thường nào có thể gặp?
Ngôi mặt
Là ngôi đầu ngửa tối đa, mặt thai nhi trình diện trước eo trên.
Ngôi mặt được chẩn đoán xác định trong chuyển dạ sinh bằng cách khám âm đạo.
Ngôi trán
Ngôi trán tương tự như ngôi mặt, đầu bé ngửa ra nhưng ngửa không hoàn toàn. Với ngôi trán, việc sinh qua ngã âm đạo có thể khó khăn hoặc không thể thực hiện được. Đường kính của phần đầu trán lớn có thể không lọt qua được khung chậu dễ dàng.
Ngôi vai
Trong ngôi vai thai không nằm theo trục của tử cung mà nằm ngang hoặc chếch, trục của thai không trùng với trục của tử cung.
Mốc của ngôi là mỏm vai, ngôi vai không có cơ chế sinh nên hầu hết các trường hợp đều phải phẫu thuật lấy thai. Chỉ làm nội xoay thai cho thai thứ 2 trong song thai.
Ngôi mông
Là một loại ngôi dọc, đầu thai nằm ở đáy tử cung, mông trình diện trước eo trên.
Là một ngôi sinh khó do đầu là phần to và cứng nhất lại sinh ra sau cùng, nguy cơ kẹt đầu hậu có thể làm cho thai chết hoặc sang chấn.
Ngôi phức tạp
Là khi tay thai nhi sa xuống sát bên ngôi thai hay phần trình diện của thai.
Ngôi ngang
Ở ngôi ngang, phần trình diện eo trên có thể là cánh tay, vai hoặc thân của bé. Với tư thế này, hầu như tất cả ca sanh đều cần phải được sinh mổ. Việc cố gắng sanh ngã âm đạo có thể gây tai biến vỡ tử cung, rất nguy hiểm cho cả mẹ và con. Ngoài ra, mẹ sẽ cân nhắc nên được mổ sớm, vì khi màng ối bị vỡ sẽ làm tăng nguy cơ sa dây rốn.
Với mỗi ngôi thai, kiểu thế khác nhau sẽ cần lựa chọn sanh thường hay mổ để đảm bảo an toàn cho mẹ và bé. Hãy thường xuyên kiểm tra thai nhi để được các bác sĩ và chuyên gia tư vấn kịp thời các mẹ nhé.
Các biện pháp điều trị bệnh Ngôi thai bất thường
Dựa trên từng dạng ngôi thai cụ thể mà bác sĩ sẽ lựa chọn phương án xử lý khác nhau:
- Đối với thai ngôi mông: Nếu sản phụ có cơn chuyển dạ nhanh, bé nhẹ cân thì có thể sinh thường.
- Ngôi thai ngang: Để tránh sản phụ bị vỡ tử cung, bác sĩ sẽ chỉ định sinh mổ.
- Ngôi mặt: Phụ thuộc vào từng điều kiện và tiên lượng, bác sĩ có thể chỉ định sinh mổ hoặc sinh thường.
Các trường hợp đặc biệt phải tiến hành sinh mổ:
- Quá trình chuyển dạ của thai phụ kéo dài, khó khăn hoặc thai nhi nặng cân không thể lọt qua tử cung.
- Bé có thai ngôi đầu nhưng đầu không có đủ độ nghiêng để lọt qua tử cung khiến quá trình sinh nở gặp nhiều khó khăn.
- Những sản phụ mang thai đôi trở lên và thai nhi có ngôi khác nhau.
Thủ thuật xoay ngôi thai:
- Nếu phát hiện thai nhi ở ngôi bất thường trong tuần thứ 36 – 37 của thai kỳ, bác sĩ có thể thực hiện thủ thuật xoay ngôi thai. Trước khi tiến hành sản phụ sẽ được truyền thuốc làm giãn nở tử cung.
Chống chỉ định đối với nhóm thai phụ có các đặc điểm sau:
- Tim thai có dấu hiệu bất thường.
- Thiếu ối.
- Chảy máu âm đạo.
- Thai đang đi xuống tử cung.
- Thai có trọng lượng quá nhỏ.
- Mang song thai hoặc đa thai.
- Vỡ ối sớm.
Rủi ro khi thực hiện xoay ngôi thai:
- Vỡ ối.
- Sinh non.
- Phải sinh mổ khẩn cấp.
- Ngôi thai có khả năng trở về trạng thái bất thường ngay sau khi xoay ngôi.
- Tỷ lệ thành công của phương pháp này là từ 60 -70%.
Ngôi thai bất thường là sự trình diện của thai khi vào chuyển dạ không bằng chỏm đầu thai nhi. Mặc dù chiếm tỷ lệ khá thấp, ngôi thai bất thường luôn khiến cho thao tác đỡ sinh trở nên rất phức tạp và gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy, sản phụ cần thăm khám thai định kỳ, nhất là những ngày gần sinh, nhằm dự đoán trước ngôi thai, lựa chọn phương pháp sinh an toàn nhất, để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé.