Ngưng thở khi ngủ do trung ương tuy ít hơn ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ nhưng có thể xảy ra như là kết quả của các bệnh lý nghiêm trọng, có thể dẫn đến suy tim và đột quỵ. Quan trọng là xác định được nguyên nhân gây bệnh, từ đó đưa ra hướng điều trị thích hợp và hiệu quả.
Ngưng thở khi ngủ do trung ương là bệnh gì?
Ngưng thở khi ngủ là một rối loạn trong đó thở liên tục dừng lại rồi lại bắt đầu trong khi ngủ. Ngưng thở khi ngủ trung ương xảy ra vì não không gửi tín hiệu thích hợp đến các cơ kiểm soát hơi thở – không giống như ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn, trong đó, thở không thể bình thường do tắc nghẽn đường hô hấp trên. Ngưng thở khi ngủ trung ương ít phổ biến hơn, chiếm ít hơn 5% các trường hợp ngưng thở khi ngủ.
Nguyên nhân gây bệnh
- Kiểu thở Cheyne-Stokes. Kiểu thở này thường do suy tim sung huyết hay đột quỵ gây ra. Cheyne-Stokes đặc trưng bởi những giai đoạn tăng và giảm hô hấp xen kẽ nhau. Trong thời kỳ giảm hô hấp, những cơn ngưng thở có thể xuất hiện, gây ra ngưng thở khi ngủ do nguyên nhân trung ương.
- Ngưng thở do thuốc. Sử dụng một số loại thuốc như thuốc chứa opioids, oxycodone hay codein có thể gây ra rối loạn hô hấp như tăng hô hấp, giảm hô hấp hay thậm chí ngừng hô hấp tạm thời.
- Rối loạn hô hấp theo chu kỳ do độ cao. Khi ở vị trí địa lý rất cao, một số người sẽ có kiểu thở Cheyne-Stokes. Nồng độ oxy trong không khí thấp khi càng lên cao gây ra những giai đoạn tăng và giảm thông khí xen kẽ nhau.
- Do điều trị những bệnh lý khác gây ra. Một số người phải dùng máy thở áp lực dương liên tục để điều trị ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn. Chính điều này lại gây ra ngưng thở khi ngủ do trung ương.
- Do những bệnh lý khác gây ra. Nhiều bệnh lý như suy thận giai đoạn cuối hay đột quỵ có thể gây ra CSA. Biểu hiện những dạng này thường không phải kiểu thở Cheyne-Stokes.
- Vô căn (nguyên phát). Có những dạng ngưng thở khi ngủ do trung ương chưa rõ nguyên nhân.

Triệu chứng ngưng thở khi ngủ do trung ương
Nếu như ngáy là triệu chứng phổ biến nhất của ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn, thì bệnh nhân ngưng thở khi ngủ trung ương thường không ngáy. Triệu chứng chính của nó là những khoảng thời gian ngắn bị ngừng thở. Một số trường hợp sẽ có biểu hiện thở nông thay vì ngừng thở.
Một số biểu hiện khác thường gặp ở chứng ngưng thở khi ngủ trung ương là:
- Thức giấc liên tục kèm theo khó thở.
- Cơn khó thở có thể thuyên giảm khi ngồi dậy.
- Mất ngủ.
- Đau đầu sau khi thức dậy.
- Mệt mỏi cả ngày.
- Buồn ngủ quá mức vào ban ngày.
- Khó tập trung.
- Suy giảm trí nhớ.
- Tâm trạng dễ cáu kỉnh.
- Không thể tập thể dục nhiều như bình thường.

Chuẩn đoán và điều trị ngưng thở khi ngủ do trung ương
Có nhiều phương pháp điều trị cho chứng này như:
- Điều trị các bệnh lý gây ra CSA. Chẳng hạn việc điều trị suy tim có thể giúp cải thiện tình trạng ngưng thở khi ngủ.
- Cắt giảm sử dụng thuốc chứa opioid. Bác sĩ sẽ cân nhắc việc này nếu thuốc chứa opioid gây ra chứng ngưng thở khi ngủ.
- Thở áp lực dương liên tục (CPAP). Phương pháp này sử dụng một mặt nạ áp vào mũi hay cả mũi và miệng. Mặt nạ nối liền với một máy nhỏ có chức năng bơm không khí liên tục vào đường thở. CPAP ngăn ngừa đường thở không bị xẹp nhờ đó tránh tình trạng ngưng thở khi ngủ. Phương pháp này thường được sử dụng đầu tiên khi điều trị ngưng thở khi ngủ do nguyên nhân trung ương.
- Máy trợ thở kiểu trung ương (ASV). Nếu sử dụng CPAP không hiệu quả, ASV sẽ được sử dụng để điều trị. ASV khác CPAP ở chỗ nó sẽ điều chỉnh lượng khí vào theo từng nhịp thở.
- Thông khí với hai ngưỡng áp lực dương (BPAP). BPAP sẽ điều chỉnh áp lực giữa hai thì hít vào và thở ra giống ASV. Điểm khác nhau là BPAP thường cố định áp lực thì hít vào.
Ngoài ra, một số phương pháp điều trị khác:
- Bổ sung oxy: Sử dụng oxy bổ sung trong khi ngủ có thể giúp đỡ nếu có ngưng thở khi ngủ trung ương. Các hình thức khác nhau của oxy có sẵn cũng như các thiết bị khác để cung cấp oxy cho phổi.
- Thuốc: Một số loại thuốc đã được sử dụng để kích thích hô hấp ở những người bị ngưng thở khi ngủ trung ương. Ví dụ, một số bác sĩ kê toa acetazolamide để ngăn chặn ngưng thở khi ngủ trung ương ở độ cao.
Chứng ngưng thở khi ngủ trung ương nếu không phát hiện ra có thể gây ra rất nhiều vấn đề cho sức khỏe, đặc biệt là tim mạch. Tình trạng mệt mỏi có thể ảnh hưởng đến hiệu quả công việc và chất lượng cuốc sống, thậm chí là xảy ra tai nạn do buồn ngủ quá mức. Vì vậy, quan trọng là người bệnh cần xác định sớm bệnh lý của mình. Hãy đến gặp bác sĩ nếu thường xuyên bị khó thở, thức giấc nhiều lần trong đêm, mệt mỏi mạn tính hoặc buồn ngủ quá mức vào ban ngày.