Hội chứng ngưng thở khi ngủ là một dạng rối loạn giấc ngủ, đa phần mọi người không biết hoặc không nghĩ rằng đây là vấn đề sức khỏe nguy hiểm. Thực tế nhiều trường hợp gặp phải hội chứng này mắc phải vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, thậm chí tử vong do thiếu oxy quá mức.
Ngưng thở khi ngủ là bệnh gì?
Ngưng thở khi ngủ (Obstructive Sleep Apnea – OSA) là sự rối loạn trong giấc ngủ, trong đó có hiện tượng ngưng thở hơn 10 giây hay giảm thông khí lặp đi lặp lại nhiều lần trong đêm kèm triệu chứng ngủ ngáy và ngủ ngày quá mức.
Bệnh nhân ngưng thở trong lúc ngủ thường duy trì khoảng trống đường thở trong khi thức nhưng biểu hiện tắc nghẽn khi đi sâu vào giấc ngủ. Giấc ngủ sâu của bệnh nhân bị gián đoạn bởi sự tắc nghẽn trầm trọng và kích thích tỉnh giấc để đi vào giấc ngủ nông. Sự tỉnh giấc này tái lập lại đường thở đi kèm với hít hơi dài.
Nguyên nhân gây bệnh
Các yếu tố cấu trúc khiến xẹp hầu họng khi ngủ, dẫn đến OSA bao gồm:
- Retrognathia (hàm dưới ngắn hơn hàm trên).
- Micrognathia (hàm dưới nhỏ).
- Phì đại amidan (VA, amidan khẩu cái).
- Hội chứng Pierre Robin (hàm dưới nhỏ và lưỡi lệch về phía sau).
- Hội chứng Down.
- Hội chứng Marfan.
- Hội chứng Prader-Willi (ăn liên tục và thường có vấn đề về kiểm soát trọng lượng).
- Lưỡi quá to.

Triệu chứng của bệnh ngưng thở khi ngủ
Người mắc chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn thường có các biểu hiện như:
- Buồn ngủ quá mức vào ban ngày.
- Ngáy ngủ.
- Ngưng thở trong khi ngủ.
- Thức giấc đột ngột kèm theo khó thở.
- Thức tỉnh với khô miệng hoặc đau họng.
- Đau đầu buổi sáng.
- Thường xuyên đi tiểu vào ban đêm.
- Mất ngủ.
- Hay ngủ gật ban ngày.
- Tỉnh giấc nhiều lần về đêm do thiếu oxy. Đêm ngủ hay ngáy to, ngột ngạt, hay có vận động bất thường trong lúc ngủ.
- SaO2 giảm.
- Dần dần người bệnh ngưng thở khi ngủ có những thay đổi về cá tính, nhân cách, khả năng làm việc trí óc, quan hệ tình dục suy giảm.
Ảnh hưởng của ngưng thở khi ngủ
Bệnh nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời có thể gây ảnh hưởng lâu dài tới sức khỏe, dẫn đến một số vấn đề như:
- Rối loạn nhịp tim, đau thắt ngực, suy tim và nhồi máu cơ tim.
- Huyết áp cao.
- Tai biến mạch máu não.
- Đột quỵ.
- Đột tử trong khi ngủ.
- Tiểu đường.
- Hen suyễn.
- Giảm trí nhớ, giảm tập trung.
- Thay đổi cảm xúc và trầm cảm.
- Mệt mỏi ban ngày có thể dẫn đến tai nạn lao động, tai nạn giao thông và giảm chất lượng cuộc sống.
- Những người bị bệnh nếu không được chẩn đoán trước khi phẫu thuật gây mê có thể gây nguy hiểm tính mạng vì tình trạng nằm ngửa dẫn đến khó thở.
- Việc ngưng thở khi ngủ thường kèm theo ngáy to, có thể làm sứt mẻ mối quan hệ giữa vợ chồng.
Ở trẻ em, ngưng thở khi ngủ còn có thể gây ra chứng tăng động giảm chú ý, hay gây gổ, quấy khóc, tiểu dầm và giảm thành tích học tập.

Điều trị hội chứng ngưng thở khi ngủ
Có nhiều phương pháp chữa hội chứng ngưng thở khi ngủ theo từng tình trạng và nguyên nhân gây bệnh, vi thế bệnh nhân cần được chẩn đoán chính xác các thông tin bệnh lý này. Các phương pháp điều trị thường áp dụng bao gồm:
- Giảm cân nếu hội chứng ngưng thở khi ngủ do béo phì.
- Thay đổi lối sống tăng chất lượng giấc ngủ và hoạt động của hệ hô hấp.
- Phẫu thuật loại bỏ các nguyên nhân cơ học gây tắc nghẽn đường thở.
- Đeo nẹp hàm.
- Liệu pháp áp lực đường thở dương liên tục.
Bên cạnh các phương pháp điều trị này, một số thay đổi hành vi cũng sẽ giúp cải thiện bệnh:
- Tư thế nằm nghiêng khi ngủ.
- Giảm cân.
- Không uống rượu.
- Tránh sử dụng thuốc ngủ, thuốc an thần, thuốc chống động kinh…vào ban đêm.
- Tránh uống các chất kích thích (cafe) vào ban đêm.

Biện pháp phòng ngưng thở khi ngủ
Tự thay đổi một số thói quen và lối sống sẽ giúp ích cho bạn trong việc phòng tránh bệnh như:
- Giữ cân nặng hợp lý bằng chế ăn uống lành mạnh và tập luyện thể dục thường xuyên.
- Thực hiện chế độ giảm cân nếu bạn bị thừa cân béo phì.
- Tránh hút thuốc lá, uống rượu và sử dụng thuốc an thần, kể cả thuốc ngủ.
Ngưng thở khi ngủ là tình trạng nguy hiểm, ảnh hưởng tới hô hấp của người khi ngủ. Bạn cần đi khám ngay nếu có các biểu hiện ngáy to, các đợt ngưng thở khi ngủ, thức giấc đột ngột kèm theo khó thở. Việc điều trị kịp thời có thể tránh nguy cơ mắc các bệnh lý nguy hiểm khác và giúp cải thiện cuộc sống của bạn. Không nên chủ quan với hội chứng ngưng thở khi ngủ dù đa phần nó không đe dọa đến tính mạng người bệnh song ảnh hưởng lớn đến chất lượng giấc ngủ cũng như sinh hoạt và cuộc sống hàng ngày.