Trực tràng là phần cuối của ruột già, tiếp giáp với hậu môn. Trực tràng bị đau do nhiều nguyên nhân khác nhau, chẳng hạn như chấn thương, viêm nhiễm và các bệnh lý trực tràng – hậu môn khác.
Nguyên nhân gây viêm trực tràng
Chấn thương vùng hậu môn trực tràng
Chấn thương vùng hậu môn có thể do va chạm, chấn thương thể thao,… hay do quan hệ tình dục qua đường hậu môn. Bên cạnh việc đau trực tràng, chấn thương vùng hậu môn có thể chảy máu, sưng tấy, đi tiêu khó.
Bệnh trĩ
Trĩ là một nguyên nhân rất phổ biến gây đau trực tràng. Ngoài đau trực tràng, bệnh trĩ có thể gây ra ngứa hoặc kích ứng, sưng tấy quanh hậu môn, đi tiêu khó, u nang gần hậu môn,…
Rò hậu môn
Xung quanh hậu môn có các tuyến nhỏ tiết ra dầu để giữ cho da hậu môn được bôi trơn và khỏe mạnh. Nếu một trong những tuyến này bị tắc nghẽn, tình trạng áp xe quanh hậu môn có thể hình thành. Các áp xe này có thể phát triển thành các “đường hầm” nối tuyến bị nhiễm trùng với một lỗ mở ở da hậu môn. Tình trạng này được gọi là rò hậu môn.
Bệnh viêm đường ruột (IBD)
IBD là một nhóm các rối loạn đường ruột gây viêm, đau và chảy máu trong đường tiêu hóa, bao gồm cả trực tràng.
Tenesmus
Tenesmus là chứng đau trực tràng do chuột rút. Nó thường liên quan đến các bệnh viêm ruột (IBD), chẳng hạn như bệnh Crohn và viêm loét đại tràng.
Ngoài đau trực tràng, Tenesmus có thể gây ra co thắt trong và gần trực tràng, cảm thấy cần phải đi tiêu, ngay cả khi bạn đã đi tiêu,…
Các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STD)
Mặc dù không phổ biến như các nguyên nhân khác nhưng các bệnh nhiễm trùng qua đường tình dục (như bệnh lậu, chlamydia, herpes, giang mai, HPV…) có thể lây lan từ bộ phận sinh dục đến trực tràng và gây đau.
Viêm trực tràng
Viêm trực tràng gây viêm niêm mạc trực tràng. Ngoài đau trực tràng, viêm trực tràng có thể gây ra bệnh tiêu chảy, cảm giác đầy hoặc áp lực trong trực tràng, chảy máu,…
Sa trực tràng
Sa trực tràng xảy ra khi một phần hoặc toàn bộ trực tràng bị nhô ra khỏi hậu môn. Tình trạng này phổ biến nhất ở người trên 50 tuổi. Đặc biệt, phụ nữ có nguy cơ mắc phải căn bệnh này cao hơn nam giới gấp 6 lần.
Tụ máu quanh hậu môn
Máu tụ quanh hậu môn đôi khi được gọi là trĩ ngoại. Tụ máu quanh hậu môn xảy ra khi tập hợp máu chảy vào các mô xung quanh lỗ hậu môn. Khi máu đọng lại, nó sẽ hình thành một cục ở lỗ hậu môn.
Các biện pháp giúp giảm đau trực tràng
Phương pháp điều trị đau trực tràng thường phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra nó. Tuy nhiên, đa phần các trường hợp đau trực tràng có thể thuyên giảm nhờ các biện pháp khắc phục sau:
- Tắm bồn sitz (tắm ngồi) hoặc ngồi trong nước ấm trong 15-20 phút.
- Dùng thuốc chống viêm không kê đơn.
- Bổ sung các thực phẩm giàu chất xơ và uống nhiều nước để ngăn ngừa táo bón.
- Sử dụng thuốc làm mềm phân để giúp cho việc đi tiêu dễ dàng và ít đau hơn.
- Ngồi trên đệm êm để làm giảm áp lực lên trực tràng.
- Uống thuốc kháng sinh để điều trị tình trạng nhiễm trùng do vi khuẩn.
Đau trực tràng thường không phải là vấn đề quá nguy hiểm và có thể được khắc phục bằng các biện pháp chăm sóc tại nhà. Tuy nhiên, tình trạng này có thể là dấu hiệu của một vấn đề nghiêm trọng hơn cần can thiệp y tế. Do đó, bạn cần theo dõi cơn đau của mình và đến bệnh viện ngay khi nó không thuyên giảm hoặc trở nên tồi tệ hơn.