Tăng huyết áp là bệnh lý mạn tính thường gặp và có tỷ lệ mắc rất cao, bệnh gây nhiều biến chứng nguy hiểm và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Vì vậy, hãy tìm hiểu rõ về bệnh để phòng ngừa và kiểm soát tốt hơn.
Nguyên nhân dẫn tới tình trạng tăng huyết áp
Khoảng 90 – 95% các trường hợp bị tăng huyết áp là không có nguyên nhân trực tiếp, còn gọi là tăng huyết áp nguyên phát. Có một vài yếu tố làm tăng khả năng mắc bệnh tăng huyết áp như:
- Lạm dụng rượu bia và thuốc lá.
- Chế độ ăn nhiều muối.
- Ăn nhiều loại chất béo có hại.
- Ít vận động cơ thể.
- Chế độ ăn ít trái cây và rau củ.
- Thừa cân, béo phì.
Có khoảng < 10% số người bị tăng huyết áp là có nguyên nhân gọi là tăng huyết áp thứ phát, hay tăng huyết áp có căn nguyên. Khi bạn bị tăng huyết áp xuất hiện sớm (khi còn trẻ) hoặc tăng huyết áp rất khó đưa về mức bình thường thì cần tìm hiểu kỹ xem có nguyên nhân nào không. Những nguyên nhân gây tăng huyết áp thứ phát thường gặp như:
- Bệnh lý về thận như viêm cầu thận mạn, hẹp động mạch thận.
- Bệnh tuyến thượng thận.
- Tăng huyết áp thai kỳ.
- Hẹp eo động mạch chủ,…
Nhóm đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh tăng huyết áp
Bệnh tăng huyết áp có thể gặp ở mọi đối tượng nam và nữ, độ tuổi mắc bệnh phổ biến từ 35 tuổi trở lên. Ngoài ra, nhóm đối tượng sau đây thường có nguy cơ mắc bệnh cao hơn bình thường.
- Người trong gia đình có người bị tăng huyết áp: Tăng huyết áp có khả năng di truyền trong gia đình, do đó nếu ba mẹ hay người thân trong gia đình mắc bệnh thì nguy cơ bạn mắc tăng huyết áp sẽ cao hơn.
- Người lạm dụng rượu bia: Uống rượu bia vượt quá mức cho phép sẽ khiến cho chỉ số huyết áp bạn tăng cao.
- Người thường xuyên sử dụng thuốc lá: Trong thuốc lá chứa chất nicôtin độc hại có khả năng dẫn đến mắc bệnh cao huyết áp gấp 2.5 lần so với người không hút thuốc lá.
- Người ít vận động cơ thể: Không vận động hoặc ít vận động sẽ khiến bạn có nhịp tim cao hơn, áp lực đè lên thành động mạch nhiều có khả năng gây bệnh tăng huyết áp cao. Ngoài ra, ít vận động khiến bạn dễ bị thừa cân, béo phì và tăng khả năng mắc bệnh.
- Người có chế độ ăn uống thiếu khoa học: Chế độ ăn nhiều muối, nhiều loại chất béo có hại và ăn ít trái cây, rau củ tốt cho sức khỏe khiến cơ thể mất cân bằng dinh dưỡng. Đây là một trong các nguyên nhân gây nên các bệnh lý mạn tính, trong đó có tăng huyết áp.
- Người bị thừa cân, béo phì: Người thừa cân thì cơ thể càng cần máu lưu thông nhiều hơn để cung cấp oxy và năng lượng cho cơ thể, từ đó làm tăng áp suất máu lên thành động mạch dẫn đến tăng huyết áp.
Tình trạng tăng huyết áp nguy hiểm như thế nào?
Thời gian đầu, bệnh tăng huyết áp thường có rất ít triệu chứng, do đó nếu không thường xuyên kiểm tra huyết áp, rất khó để phát hiện bệnh. Tình trạng tăng huyết áp thường diễn biến âm thầm và có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng, đe dọa đến tính mạng của người bệnh. Chẳng hạn như:
- Nguy cơ nhồi máu cơ tim: Đối với những bệnh nhân bị tăng huyết áp, sự lưu thông máu sẽ bị cản trở và rất dễ có nguy cơ hình thành các mảng xơ vữa trong lòng mạch, dễ gây tắc nghẽn mạch máu và từ đó dẫn đến nhồi máu cơ tim.
- Gây suy tim: Khi bị tăng huyết áp, tim sẽ phải hoạt động nhiều hơn để “đối phó” với áp lực mạch máu. Nếu tình trạng này kéo dài mà không được cải thiện thì cơ tim sẽ dần bị suy yếu và gây suy tim, vô cùng nguy hiểm.
- Gây bệnh võng mạc: Tình trạng tăng huyết áp cũng có thể gây tổn thương đến các mạch máu nhỏ ở phần đáy mắt và gây ra bệnh võng mạc, ảnh hưởng lớn đến thị lực của người bệnh.
- Ảnh hưởng đến hệ thống mạch máu: Tăng huyết áp cũng là nguyên nhân gây ảnh hưởng đến hoạt động của toàn bộ hệ thống mạch máu, có thể kể đến như động mạch chủ, động mạch cảnh hay động mạch thận. Khi những mạch máu này xơ cứng có thể gây tắc nghẽn và làm suy giảm chức năng của thận.
- Gây suy giảm trí nhớ: Một số nguyên cứu mới đây cũng cho thấy, bệnh nhân bị tăng huyết áp thường gặp phải những vấn đề về trí nhớ, đặc biệt có nguy cơ cao bị bệnh Alzheimer và phần lớn những trường hợp này là nam giới.
Bệnh tăng huyết áp xuất hiện âm thầm, khó nhận biết và gây nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Vì vậy, bạn nên theo dõi sức khỏe và đo chỉ số huyết áp thường xuyên, nếu nhận thấy sự bất thường hãy đến bệnh viện để được kiểm tra, theo dõi và điều trị.