Nhau bám thấp là hiện tượng bất thường về vị trí bám của nhau thai. Theo các bác sĩ chuyên khoa phụ sản, tình trạng này có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro cho cả mẹ và bé. Bởi vậy chị em cần phải thăm khám và theo dõi nghiêm ngặt theo chỉ định của bác sĩ để đảm bảo an toàn.
Nhau bám thấp là gì?
Nhau thai bám thấp là vị trí bánh nhau không bám ở đáy tử cung, mà một phần bánh nhau bám ở đoạn dưới của tử cung, nơi gần cổ tử cung. Khi tuổi thai lớn dần lên và tử cung phát triển về phía đáy thì bánh nhau có thể lên cao hơn.
Do bánh nhau nằm trước đường đi của thai nhi khi sinh ngã âm đạo, nên đa số trường hợp nhau bám thấp phải mổ lấy thai.
Các cấp độ nhau thai bám thấp
- Nhau thai nằm thấp: Nhau thai bám ở phía dưới tử cung, gần vị trí cổ tử cung nhưng mép của nó lại chưa chạm tới cổ tử cung.
- Mép của nhau thai đã chạm được tới cổ tử cung.
- Một phần nhau thai bọc vào cổ tử cung.
- Toàn bộ nhau thai đã bao phủ vào cổ tử cung.
Nguyên nhân nào gây nên tình trạng rau thai bám thấp
Nguyên nhân dẫn đến nhau bám thấp cho đến nay vẫn chưa thể tìm được. Các nhà khoa học cho rằng, có thể hiện tượng này xuất hiện do nhau buộc phải mở rộng diện tích bám khi có sự thiếu hụt dinh dưỡng ở mặt đáy tử cung.
Một số yếu tố nguy cơ có thể dẫn tới nhau thai bám thấp bao gồm:
- Người mẹ bị dị dạng cổ tử cung.
- Mẹ bầu có tiền sử phẫu thuật điều trị u xơ tử cung, chửa góc tử cung hoặc mổ tạo hình tử cung. . .
- Mẹ bầu có tiền sử nạo (hút) thai, sảy thai.
- Sự tuần hoàn dinh dưỡng ở khu vực niêm mạc đáy tử cung giảm sút.
- Người có tiền sử đẻ có kiểm soát tử cung hoặc bóc rau nhân tạo.
- Bà bầu bị viêm nhiễm tử cung.
- Tiền sử đẻ nhiều lần.
- Cổ tử cung bị dị dạng.
Dấu hiệu nhận biết nhau bám thấp
Dấu hiệu nhận biết nhau thai bám thấp thường là chảy máu âm đạo. Tuy nhiên, đây cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo các vấn đề khác của thai kỳ. Do đó, nếu bị chảy máu hoặc có một trong các dấu hiệu sau, mẹ bầu nên đến bệnh viện ngay:
- Đau nhói, co thắt nhiều tử cung.
- Chảy máu âm đạo.
- Chảy máu sau khi giao hợp.
- Chảy máu trong nửa sau của thai kỳ.
- Chảy máu sau khi đi lại nhiều, làm việc nặng…
Biến chứng nhau bám thấp
Bánh nhau bám thấp mặt sau có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ và bé, cụ thể:
Đối với mẹ bầu:
- Bị thiếu máu trong thai kỳ: Do tình trạng chảy máu dễ chảy ra trong suốt thai kỳ nên thường gia tăng nguy cơ thiếu máu. Nếu mẹ bầu bị thiếu máu nặng sẽ làm tăng nguy cơ thai chậm phát triển và sinh non.
- Xuất huyết khi sinh: Trong quá trình chuyển dạ, nhau thai có thể bóc tách sớm làm cho sản phụ mất nhiều máu, thậm chí có thể bị sốc do mất máu quá nhiều. Trường hợp nhau bám gần cổ tử cung, sau khi sinh nhau thai bóc tách ra sẽ khiến tử cung chảy máu nhiều, có thể phải cắt bỏ tử cung nếu băng huyết nặng.
- Làm tăng nguy cơ sinh mổ: Các mẹ bầu có rau thai bám thấp mặt sau sẽ thường được chỉ định sinh mổ và nhập viện sớm theo dõi để hạn chế đến mức thấp nhất các tai biến sản khoa nguy hiểm.
Đối với thai nhi
- Thai nhi có nguy cơ bị suy dinh dưỡng, chậm phát triển do mẹ bị thiếu máu. Trường hợp nặng có thể dẫn đến suy thai.
- Ngôi thai bất thường: Do rau thai ở nằm gần cổ tử cung khiến thai nhi khó xoay ngôi thuận, từ đó dễ dẫn đến ngôi thai bất thường như ngôi mông hay ngôi ngang.
- Sinh non: Trong trường hợp mẹ bầu bị xuất huyết âm đạo nặng, để đảm bảo an toàn bác sĩ có thể chỉ định sinh mổ sớm dù thai đã đủ tháng hay chưa. Khi sinh non tháng, trẻ sẽ bị thiếu cân và dễ gặp nhiều vấn đề về sức khỏe như suy hô hấp…
Biện pháp điều trị nhau bám thấp
Khi sản phụ thấy xuất hiện một số dấu hiệu trên, đặc biệt là khi ra huyết âm đạo, cần phải vào bệnh viện có để được khám xác định và điều trị kịp thời.
Không chảy máu
Đối với các trường hợp nhau thai bám thấp nhưng không gây chảy máu hoặc chảy máu rất ít, bác sĩ thường sẽ cho mẹ bầu nghỉ ngơi tại giường, chỉ đứng và ngồi khi thật cần thiết. Ăn uống đủ dưỡng chất, ăn những thức ăn dễ tiêu, ăn nhiều hoa quả an toàn.
Chảy máu nhiều
Đối với các trường hợp nhau thai bám thấp chảy máu nhiều, bác sĩ sẽ yêu cầu mẹ bầu nhập viện để tiện theo dõi và chăm sóc sức khỏe kịp thời. Trong một số trường hợp cụ thể, bác sĩ sẽ cho mẹ bầu dùng thuốc để ngăn ngừa tình trạng chuyển dạ sớm.
Chảy máu không kiểm soát
Trường hợp nhau bám thấp khiến mẹ bầu bị chảy máu không kiểm soát được, bác sĩ sẽ chỉ định sinh mổ khẩn cấp.

Cách phòng ngừa nhau bám thấp
- Dành thời gian nghỉ ngơi tuyệt đối, chỉ đứng và ngồi khi thật cần thiết, không nên lo lắng quá nhiều.
- Ăn uống đầy đủ dưỡng chất, chú ý ăn những thức ăn dễ tiêu, các loại hoa quả giàu vitamin. Bên cạnh đó cũng cần uống bổ sung sắt, axit folic và canxi dạng hữu cơ để cơ thể dễ hấp thụ, tránh gây táo bón, đầy bụng.
- Hạn chế vận động nhiều, hạn chế đi xe máy, đi đường xa, đường xóc.
- Tuyệt đối tránh quan hệ vợ chồng để ngăn ngừa tình trạng xuất huyết gây mất máu.
- Tuyệt đối không tác động vào vùng bụng để tránh tử cung bị kích thích, gây chảy máu.
- Khám thai định kỳ là việc mà tất cả mẹ bầu đều cần thực hiện, nhất là những người bị nhau thai bám thấp.
Nhau thai bám thấp khá nguy hiểm đến sức khỏe của cả mẹ và bé. Tuy nhiên nếu phát hiện sớm và có chế độ sinh hoạt hợp lý thì không phải là tình trạng đáng lo ngại. Do đó để đảm bảo an toàn trong suốt thai kỳ mẹ bầu nên đi thăm khám đúng lịch và đầy đủ theo chỉ định của bác sĩ nhé.