Nhiễm độc thai nghén làm biến đổi và gây tổn thương tới mạch máu, ảnh hưởng đến nhau thai và gây nhiều nguy hiểm cho quá trình sinh em bé. Việc phát hiện sớm để điều trị và phòng ngừa các biến chứng được các bà bầu rất quan tâm.
Nhiễm độc thai nghén là gì?
Nhiễm độc thai nghén hay ngộ độc thai nghén là một vấn đề sức khỏe chỉ xảy ra trong thai kỳ, vào 3 tháng đầu và 3 tháng cuối thai kỳ.
Bệnh liên quan đến vấn đề rối loạn co thắt các mạch máu, làm gia tăng áp lực lên các cơ quan ngoại biên và nội tạng như thận, tử cung và gan. Tình trạng này làm biến đổi và gây tổn thương trong hệ mạch máu, ảnh hưởng nhau thai và gây nguy hiểm cho quá trình sinh con.
Nguyên nhân gây nhiễm độc thai nghén
Hiện nay, vẫn chưa có nghiên cứu nào khẳng định được nguyên nhân chính gây nhiễm độc thai nghén. Tuy nhiên, có một số yếu tố nguy cơ làm gia tăng tình trạng này gồm:
- Tuổi tác: Thông thường, những mẹ bầu trẻ tuổi, mang thai lần đầu dễ bị nhiễm độc thai nghén.
- Mẹ bầu thường xuyên làm việc mệt mỏi, quá sức.
- Khi mang thai, mẹ ăn đồ ăn lạ, dễ gây dị ứng.
- Thời tiết lạnh, giai đoạn chuyển mùa cũng khiến cơ thể mẹ dễ bị nhiễm độc thai nghén hơn.
- Mẹ bầu mắc các bệnh nội khoa như viêm thận mãn tính, viêm loét dạ dày…
Những đối tượng dễ có nguy cơ nhiễm độc thai nghén
Thông thường, các đối tượng sau dễ có nguy cơ ngộ độc thai nghén:
- Mẹ bầu bị huyết áp cao.
- Tiền sử bệnh tim, béo phì.
- Mang song thai hoặc đa thai.
- Tiểu đường thai kỳ.

Triệu chứng ngộ độc thai nghén
Ở giai đoạn này, các triệu chứng sẽ diễn ra rõ ràng hơn:
- Phù hai chân: Vào những tháng cuối của thai kỳ, chân của thai phụ phù rất to. Bằng cách ấn ngón tay vào mắt cá chân và thấy lõm ở vị trí đó, thai phụ có thể biết đó là dấu hiệu của hiện tượng phù chân. Những trường hợp nặng thai phụ có thể bị phù ở cả mặt và hai tay.
- Protein niệu: Nếu kết quả xét nghiệm nước tiểu cho thấy chỉ số protein niệu cao hơn 0,3g/l.
- Tăng huyết áp: Khi mắc chứng nhiễm độc thai nghén, huyết áp của thai phụ tăng cao. Nếu huyết áp trên 140/90mmHg thì thai phụ nên được chuyển đến các cơ sở y tế uy tín để được theo dõi và điều trị, phòng ngừa các biến chứng xảy ra.
Nhiễm độc thai nghén có nguy hiểm không?
Ngộ độc thai nghén là một tình trạng nguy hiểm, nếu không được điều trị có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng, chẳng hạn như:
- Tiền sản giật: Mẹ bầu có thể bị choáng váng, mắt mờ, đôi khi buồn nôn, protein trong nước tiểu tăng đến 0,5g/l, tình trạng phù nặng hơn và đi tiểu ít hơn.
- Sản giật: Biến chứng này thường xảy ra thời kỳ cuối của thai nghén, trong khi chuyển dạ và sau khi sinh. Mẹ bầu có thể bị giật và hôn mê, kèm theo phù, tăng huyết áp và protein niệu.
Tác hại của ngộ độc thai nghén
Ngộ độc thai nghén là tình trạng nguy hiểm, ảnh hưởng đến cả mẹ bầu và thai nhi:
- Đối với thai nhi: Nhiễm độc thai nghén ảnh hưởng trực tiếp đến sự cung cấp chất dinh dưỡng cho thai nhi. Từ đó, thai nhi dễ bị nhẹ cân, thậm chí nếu không đủ dinh dưỡng có thể khiến thai nhi chết lưu, sảy thai.
- Đối với mẹ bầu: Nhiễm độc thai nghén nặng có thể khiến mẹ bị hôn mê, co giật, khó thở. Thậm chí, nếu không phát hiện và điều trị sớm có thể dẫn đến tử vong.

Biện pháp phòng ngừa nhiễm độc thai nghén
Hiện nay, chưa thể xác định rõ nguyên nhân gây ngộ độc thai nghén và cũng không có thuốc đặc trị tình trạng này nên cách tốt nhất là phòng ngừa để ngăn chặn bệnh có thể xảy ra.
Mẹ hãy áp dụng những biện pháp dưới đây:
- Nếu mắc phải các bệnh như cao huyết áp, tiểu đường, bệnh thận…, chị em nên điều trị trước khi có ý định mang bầu để ngăn ngừa các biến chứng không may xảy ra.
- Nên khám tiền sản trước khi có ý định mang thai.
- Khi có thai cần ăn uống đủ chất, bổ sung đầy đủ các nhóm chất như đạm, vitamin, chất vi lượng, uống bổ sung axit folic, viên sắt…
- Trong giai đoạn đầu mang thai, mẹ cần đi khám thai định kỳ để phát hiện sớm các bất thường của thai nghén.
Ngộ độc thai nghén mang lại rất nhiều rủi ro không lường ảnh hưởng tới sức khỏe của mẹ và bé. Do đó, các mẹ nên chủ động hơn trong việc phát hiện và điều trị cũng như phòng ngừa bệnh. Bên cạnh đó, các bà bầu cũng cần chú ý bổ sung chất dinh dưỡng hợp lý, tuân thủ cuộc sống khoa học bảo đảm sức khỏe của mẹ và sự phát triển bình thường của thai nhi.