Giun đũa là một trong những loài giun tròn phổ biến và có mặt trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, đây là loại kí sinh trùng gây bệnh hàng đầu trong các loài giun sán đường ruột. Giun đũa có vật chủ là người và các loài động vật như chó, mèo, lợn. Trong bài viết này, chúng ta cùng nhau tìm hiểu kĩ hơn về giun đũa kí sinh trên người.
Nhiễm giun đũa là bệnh gì?
Nhiễm giun đũa là một bệnh nhiễm trùng do một loại giun ký sinh ở ruột người. Loại giun tròn có kích thước lớn này có thể nhìn thấy dễ dàng bằng mắt thường.
Chu kì sống của giun đũa trải qua 2 môi trường: Trong cơ thể người và trong đất. Giun trưởng thành sinh sống, giao phối và đẻ trứng trong ruột người. Trứng theo phân ra ngoài, gặp đất và khí hậu thuận lợi (nóng, ẩm, ướt) sẽ phát triển thành trứng mang ấu trùng. Con người nuốt phải trứng này sẽ nhiễm bệnh. Sau khi vào ruột non, ấu trùng ra khỏi trứng, chu du trong cơ thể và trưởng thành, tiếp tục sinh sản.
Với đặc điểm trên, giun đũa được xếp vào nhóm “Giun truyền qua đất”, cùng với giun kim, giun tóc, giun móc/giun mỏ.
Nguyên nhân gây bệnh
Loài ký sinh trùng này thường không lây truyền từ người sang người. Nguyên nhân nhiễm giun đũa có thể do trứng giun đũa lây lan khi người bệnh tiếp xúc với nước, thức ăn hoặc tay nhiễm bẩn (ví dụ khi ăn rau chưa rửa sạch). Ấu trùng giun sẽ di chuyển từ ruột đến những bộ phận khác trong cơ thể, ví dụ như phổi. Sau đó chúng quay trở về ruột và đẻ trứng.

Dấu hiệu nhiễm giun
Những triệu chứng nhiễm giun đũa bao gồm:
- Sốt.
- Dễ nổi cáu.
- Khó ngủ về đêm.
- Giun được tìm thấy trong phân.
- Mệt mỏi, chán ăn, sụt cân, đau bụng và đôi khi là tiêu chảy.
- Một số trường hợp giun ký sinh ở phổi gây ra chứng thở khò khè.
Biến chứng khi nhiễm giun đũa
- Tắc ruột: Khi nhiễm giun đũa nặng, giun trưởng thành có thể làm tắc lòng ruột, dẫn đến tắc ruột cấp tính. Các biến chứng khác liên quan đến tắc ruột do A. lumbricoides baogồm lồng ruột, hoại thư và thủng ruột.
- Suy dinh dưỡng: Bệnh giun đũa có liên quan đến suy dinh dưỡng, chậm lớn và suy giảm phát triển nhận thức ở trẻ em đi học.
- Bệnh liên quan đến gan mật và tuyến tụy: Sự di chuyển của giun đũa trưởng thành vào đường mật có thể gây đau quặn mật, tắc mật, viêm túi mật, viêm đường mật tăng dần, vàng da tắc nghẽn, áp xe gan và thủng ống mật với viêm phúc mạc. Các mảnh giun còn sót lại có thể tạo sỏi đường mật.
- Các biến chứng khác: Thỉnh thoảng, giun trưởng thành di chuyển ngoài đường tiêu hóa đến các vị trí khác như miệng, mũi, ống dẫn lệ, rốn hoặc ống bẹn,…
Điều trị bệnh nhiễm giun đũa
Việc sử dụng thuốc có thể điều trị được tình trạng nhiễm giun đũa. Tuy nhiên, phụ nữ mang thai cần cẩn trọng khi sử dụng những loại thuốc này. Để kiểm soát bệnh, bạn cần chú ý đến những thói quen như:
- Rửa tay sạch trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
- Tắm mỗi ngày và vệ sinh khu vực hậu môn sạch sẽ với xà phòng diệt khuẩn.
- Luôn dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, tránh tạo môi trường sống cho giun phát triển.
Ngoài ra, cần đun sôi hoặc ngâm đồ lót, đồ ngủ, khăn hoặc quần áo của người bệnh trong dung dịch ammonia (1 tách ammonia cho 18 lít nước).

Cách phòng bệnh nhiễm giun đũa
Để phòng chống nhiễm giun đũa, cũng như các loại ký sinh trùng khác nói chung, không có biện pháp nào hiệu quả hơn là thực hành vệ sinh sạch sẽ.
- Vệ sinh tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, lau dọn nhà cửa, vật dụng, đồ chơi của trẻ thường xuyên với nước sát trùng.
- Luôn ăn thức ăn đã nấu chín, nước đun sôi để nguội.
- Hạn chế ăn rau sống; nếu cần, nên rửa rau kỹ lưỡng nhiều lần với nước rửa rau chuyên dụng.
- Không đi chân trần; nếu làm vườn, dọn rác, cây cỏ, cần đi ủng, mang khẩu trang, găng tay. Không được dùng phân tươi để bón rau, bón cây.
- Đối với nhà vệ sinh, cống rãnh thoát nước, cần thường xuyên quét dọn, xử lý hóa chất diệt trùng thân thiện môi trường.
- Đồng thời, cần có thói quen uống thuốc tẩy giun định kì mỗi sáu tháng cho cả gia đình. Thuốc có tác dụng không chỉ trên giun đũa và còn giúp diệt trừ các loại giun sán khác.
Bệnh giun đũa là bệnh giun sán phổ biến nhất trên toàn thế giới. Phần lớn người nhiễm bệnh do chính thói quen sinh hoạt, vệ sinh kém gây ra. Vì vậy, mỗi người cần nâng cao ý thức và kiến thức về giữ gìn vệ sinh cho bản thân và gia đình mình. Phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh” là cách tối ưu để giảm thiểu và đẩy lùi bệnh giun sán!