Giun lươn là một trong những loại giun hình ống có khả năng gây bệnh ở người. Loại ký sinh trùng này có thể gây nhiều thể bệnh ở con người: da niêm, tiêu hóa, thần kinh…
Bệnh nhiễm giun lươn là gì?
Bệnh giun lươn hình thành do ấu trùng giun lươn xâm nhập vào cơ thể bằng cách chui qua da, đi theo đường tĩnh mạch chạy lên tim, qua phổi rồi tới khí quản, hầu, sau đó di chuyển xuống thực quản và ruột để sinh trưởng thành giun trưởng thành.
Giun lươn được xếp vào loại ký sinh trùng nguy hiểm nhất trong các loại ký sinh trùng đường tiêu hóa do nó có thể tồn tại rất lâu trong cơ thể người và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí có thể tử vong. Số người mắc bệnh giun lươn ở Việt Nam khá cao, chiếm 1 – 2 % tổng dân số, bệnh cũng có tỉ lệ tái nhiễm cao hơn so với các bệnh khác.
Nguyên nhân gây nhiễm nhiễm giun lươn
Nguyên nhân gây bệnh giun lươn là do Strongyloides stercoralis ký sinh trong cơ thể người gây nên.
Chu kỳ phát triển của giun lươn Strongyloides stercoralis gồm chu kỳ ký sinh và chu kỳ tự do.
Chu kỳ ký sinh: Giun lươn ký sinh trong niêm mạc ruột. Giun đực và giun cái giao hợp, đẻ trứng, nở ấu trùng ngay trong ruột rồi đào thải ra ngoài theo phân, ấu trùng giun lươn nhiễm vào người qua đường da, vào máu, qua tim, phổi, lên khí quản, tới hầu, sang thực quản, xuống ruột để phát triển thành giun trưởng thành và ký sinh tại đó.
Chu kỳ tự do: Ấu trùng giun lươn phát triển thành giun trưởng thành ở môi trường, giun đực và giun cái giao hợp, đẻ ấu trùng và tiếp tục chu kỳ mới, chúng dinh dưỡng bằng vi khuẩn và chất hữu cơ trong đất.
- Ấu trùng giun lươn nở trong lòng ruột.
- Giun lươn trưởng thành sống tự do.
- Giun lươn cái đẻ trứng.
- Trứng nở ấu trùng.
- Ấu trùng mập.
- Ấu trùng hình chỉ chui qua da.
- Ấu trùng theo máu lên tim, phổi, họng, xuống ruột nở ra giun lươn trưởng thành.
- Giun lươn cái ở ruột non.
- Trứng giun lươn.
- Ấu trùng giun lươn gây tự nhiễm cho người.

Triệu chứng nhiễm giun lươn
Người mắc bệnh giun lươn không có những triệu chứng lâm sàng điển hình, tuy nhiên, một số biểu hiện dưới đây có thể là dấu hiệu mắc bệnh giun lươn.
- Đau bụng vùng thượng vị.
- Tiêu chảy.
- Viêm da tại chỗ khi có ấu trùng xâm nhập vào cơ thể.
- Xét nghiệm máu thấy thiếu máu nhẹ.
- Lên cơn hen với người bị cơ địa dị ứng.
- Giun lươn lạc chỗ có thể ký sinh ở thực quản, phổi, hạch bạch huyết.
- Phân có mùi hôi tanh.
Ngoài những dấu hiệu trên, khi xét nghiệm phân bằng kỹ thuật Kato hoặc Kato-Katz, kết quả trong phân có ấu trùng giun lươn sẽ có ngay sau khi lấy phân làm xét nghiệm.
Các biến chứng bệnh giun lươn
- Hệ thần kinh: Ấu trùng giun lươn di chuyển đến hệ thần kinh trung ương gây viêm não, viêm màng não, áp xe não thậm chí gây xuất huyết não.
- Hệ hô hấp: Giun lươn di chuyển qua phổi gây viêm phổi, áp xe phổi, xuất huyết phổi, suy hô hấp,…
- Nhiễm khuẩn huyết: Ấu trùng giun lươn di chuyển kéo theo nhiều vi khuẩn đường tiêu hóa vào hệ tuần hoàn gây nhiễm khuẩn huyết tái đi tái lại do vi khuẩn đường ruột.
- Hệ tiêu hóa: Gây viêm ruột, tắc ruột, thủng ruột, xuất huyết tiêu hóa, viêm tụy, tắc nghẽn đường mật,…
Chẩn đoán bệnh nhiễm giun lươn
Chẩn đoán bằng cách tìm ấu trùng trong phân, dịch ruột non, đôi khi trong đờm hoặc bằng cách phát hiện các kháng thể trong máu.
- Xét nghiệm công thức máu: Thường có tăng bạch cầu ái toan.
- Xác định ấu trùng bằng cách soi dưới kính hiển vi các mẫu phân hoặc dịch hút tá tràng, dịch rửa phế quản hoặc các chất dịch cơ thể khác.
- Xác định kháng thể giun lươn trong huyết thanh.
Điều trị bệnh giun lươn
Khi có triệu chứng nghi ngờ người bệnh cần tư vấn và điều trị ở bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa có kinh nghiệm.
Thuốc được lựa chọn hàng đầu là Ivermectin do hiệu quả cao, ít tác dụng phụ. Thiabendazole hiệu quả cao nhưng khả năng dung nạp kém. Albendazole là thuốc lựa chọn thay thế.

Cách phòng tránh bệnh nhiễm giun lươn
Điều trị giun lươn sẽ mất nhiều thời gian và chi phí, do vậy, việc phòng bệnh hơn chữa bệnh luôn được ưu tiên hàng đầu. Mỗi người nên lưu ý các vấn đề dưới đây để hạn chế nhiễm bệnh, tái nhiễm bệnh và lây bệnh trong cộng đồng:
- Vệ sinh phòng dịch: Quản lý tốt phân, nước và rác thải trong môi trường sống. Vệ sinh môi trường khu vực gần nhà, trong nhà và các khu vực vui chơi của trẻ nhỏ.
- Vệ sinh cá nhân: Xây dựng nếp sống văn minh, luôn rửa tay trước khi ăn, khi chuẩn bị thức ăn, sau khi đi vệ sinh, không ăn rau sống khi chưa được rửa sạch.
- Định kỳ 2 lần/ năm cần được tẩy giun, mỗi lần cách nhau 4 – 6 tháng.
- Đảm bảo luôn sử dụng bảo hộ lao động trong khi làm việc có tiếp xúc với đất, đặc biệt là khu vực đất nhiễm phân người.
- Tăng cường sức đề kháng cơ thể bằng cách bổ sung rau quả tươi, sạch, luyện tập thể dục hàng ngày, và giúp tránh tình trạng suy giảm miễn dịch, tránh gây bùng phát dịch.
- Nâng cao ý thức người dân trong việc dọn vệ sinh cộng đồng, xây dựng hệ thống cống rãnh và xử lý nước thải đảm bảo tiêu chuẩn.