Vi khuẩn Chlamydia trachomatis gây ra bệnh nhiễm Chlamydia – là một bệnh lây truyền qua đường tình dục thường gặp. Mặc dù triệu chứng của bệnh nhiễm Chlamydia thường nhẹ hoặc không hiện diện, tuy nhiên nó là nguyên nhân gây ra những biến chứng nghiêm trọng đặc biệt là vô sinh ở cả nam giới và nữ giới.
Nhiễm Chlamydia là gì?
Nhiễm Chlamydia là một bệnh lây truyền qua đường tình dục (STD) thường gặp, gây ra bởi vi khuẩn Chlamydia trachomatis. Mặc dù triệu chứng của nhiễm Chlamydia thường nhẹ hoặc không hiện diện, bệnh vẫn có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng và tổn thương không thể đảo ngược, bao gồm cả vô sinh, “âm thầm” xảy ra trước khi người phụ nữ nhận biết được vấn đề. Chlamydia cũng gây tiết dịch từ dương vật của đàn ông nhiễm bệnh.
Nguyên nhân gây bệnh
Chlamydia trachomatis thường lây qua quan hệ tình dục đường âm đạo, miệng và hậu môn. Phụ nữ mang thai cũng có thể lây Chlamydia cho con trong khi sinh, gây viêm phổi hoặc nhiễm trùng mắt nghiêm trọng ở trẻ sơ sinh.
Chlamydia pneumoniae lây qua các giọt bắn có chứa vi khuẩn do ho hoặc hắt hơi. Cũng có thể bị bệnh nếu chạm vào đồ vật có dính dịch hô hấp từ người bệnh rồi chạm vào miệng hoặc mũi. Vi khuẩn thường lây lan giữa những người sống chung với nhau.
Chlamydia psittaci lây nhiễm từ phân các loài chim (như chim cảnh, vẹt), gia cầm (như gà, gà tây, vịt) hoặc từ người sang người qua các giọt bắn khi hắt hơi.

Triệu chứng của nhiễm khuẩn Chlamydia
Chlamydia có thể khó phát hiện ở giai đoạn đầu, thường có triệu chứng rõ ràng khi bệnh nhân đã bắt đầu 1- 3 tuần sau khi tiếp xúc với chlamydia.
Các triệu chứng có thể bao gồm:
- Đau buốt khi đi tiểu (biểu hiện này thường có ở cả nam và nữ).
- Đau phần bụng hạ vị.
- Tiết dịch âm đạo ở phụ nữ hoặc chảy dịch từ dương vật ở nam giới.
- Đau khi quan hệ tình dục ở phụ nữ.
- Ra khí hư, âm đạo tiết dịch nhày mủ hoặc có máu, khám thấy có biểu hiện viêm âm đạo, viêm cổ tử cung.
- Viêm niệu đạo thể hiện khi miệng niệu đạo có dấu hiệu đỏ và phù nề.
Bệnh Chlamydia lây lan như thế nào?
Vi khuẩn Chlamydia có tốc độ tăng trưởng và sinh sản nhân đôi rất nhanh. Con đường lây lan trực tiếp chủ yếu qua đường tình dục không an toàn như đường âm đạo, hậu môn và miệng. Bạn tình càng nhiều, nguy cơ lây nhiễm càng cao. Bên cạnh đó, Chlamydia cũng có thể lây truyền từ mẹ sang con qua nhau thai.
Ngoài ra, vi khuẩn Chlamydia cũng có thể lây qua con đường gián tiếp như:
- Tồn tại trong các vật dụng cá nhân như khăn lau, quần lót bẩn, khăn giấy bẩn… Nếu như dùng các vật dụng này lâu tại vùng kín thì người bệnh có thể bị nhiễm bệnh.
- Từ nguồn nước: Con đường lây bệnh ít xảy ra hơn. Thông thường, những con đường này thường có tỷ lệ xảy ra cao hơn ở những khu vực sống ô nhiễm, điều kiện vệ sinh kém.
Vi khuẩn chlamydia có nguy hiểm không?
Vi khuẩn Chlamydia gây ảnh hưởng lớn đến khả năng sinh sản với nhiều bệnh lý kèm theo như:
- Dính và bít tắc tử cung, vòi trứng, buồng trứng và các thành phần xung quanh hệ sinh sản nữ bị dính vào nhau bởi các dải xơ mỏng.
- Tắc vòi trứng nguyên nhân do các dải xơ làm gấp góc vòi trứng hoặc dính vòi trứng bị bít lại.
- Viêm cổ tử cung xuất tiết.
- Viêm niệu đạo do vi khuẩn Chlamydia có khả năng đi ngược lên đường sinh dục gây bệnh lý vùng chậu mà hậu quả có thể là thai ngoài tử cung hoặc vô sinh.
- Trong thai kỳ, vi khuẩn Chlamydia có thể gây vỡ ối non, nhiễm khuẩn ối, sinh non, nhiễm khuẩn hậu sản và nhiễm Chlamydia cho trẻ sơ sinh.
- Viêm phần phụ và nhiễm trùng đường sinh dục trên gây tổn thương lâu dài cho ống dẫn trứng, tử cung, và các mô chung quanh. Chúng là nguyên nhân dẫn đến đau vùng chậu mãn tính
- Vi khuẩn Chlamydia còn làm tăng nguy cơ nhiễm HIV nếu có phơi nhiễm.
- Ung thư tử cung có thể xuất hiện khi nhiễm vi khuẩn Chlamydia và HPV – một loại virus đường sinh dục.
Đối với nam giới, khi bị nhiễm vi khuẩn Chlamydia gây nên viêm tinh hoàn và viêm mào tinh hoàn, dẫn đến vô sinh. Hơn nữa vi khuẩn Chlamydiacòn ảnh hưởng đến chất lượng tinh trùng.
Đôi khi nhiễm vi khuẩn Chlamydia đường sinh dục có thể gây ra biến chứng viêm khớp kết hợp với tổn thương da, viêm mắt và viêm niệu đạo (Hội chứng Reiter).
Chẩn đoán bệnh hiễm khuẩn Chlamydia
- Xét nghiệm trực tiếp: Nhuộm Giemsa hoặc nhuộm Iod. Bệnh phẩm là dịch niệu đạo của nam và dịch âm đạo của nữ. Tuy nhiên xét nghiệm này có độ nhạy cảm kém nên ít khi được sử dụng.
- Nuôi cấy phân lập: Có độ đặc hiệu và nhạy cao (> 99%). Trong nhiều năm nuôi cấy được cho là tiêu chuẩn vàng chẩn đoán nhiễm Chlamydia. Các bác sĩ có thể xác định được sự có mặt các khuẩn lạc nghi ngờ lậu từ 24 đến 48 giờ.
- Kháng thể huỳnh quang trực tiếp (DFA): Phát hiện kháng nguyên Chlamydia bằng kháng thể đơn dòng có độ nhạy không cao, đạt khoảng 60-85% so với nuôi cấy. Độ đặc hiệu có thể đạt được đến 99%.
- Phương pháp miễn dịch gắn men (EIA): Giúp tìm thấy kháng thể kháng Chlamydia trong máu bệnh nhân làm kích hoạt hệ thống miễn dịch, độ nhạy đạt 60-80%, đặc hiệu 97-99%.
- Phản ứng chuỗi PCR (Polymerase), LCR (Ligase chain reaction) và TMA: Là kỹ thuật có độ nhạy và đặc hiệu cao nhất. Bệnh phẩm lấy từ cổ tử cung, niệu đạo và nước tiểu. Độ đặc hiệu đạt 99%, độ nhạy giao động từ 70- 100%.
Khi người bệnh đã được chẩn đoán nhiễm bệnh do Chlamydia gây ra, cần tuân thủ điều trị và có thể áp dụng điều trị dự phòng song song cho người nhiễm bệnh và bạn tình để phòng nguy cơ tái phát. Đối với phụ nữ mang thai, trước hoặc trong quá trình khám thai sản cần được xét nghiệm thường xuyên để sàng lọc bệnh.
Điều trị nhiễm khuẩn Chlamydia
Nhiễm Chlamydia có thể được dễ dàng điều trị và chữa khỏi bằng thuốc kháng sinh. Uống một liều duy nhất azithromycin, hoặc doxycycline uống ngày hai lần trong một tuần là biện pháp điều trị được áp dụng phổ biến nhất.
- Điều trị người nhiễm Chlamydia có HIV dương tính tương tự như đối với người âm tính với HIV.
Tất cả các bạn tình của bệnh nhân nên được thăm khám, xét nghiệm, và điều trị. Người nhiễm Chlamydia nên kiêng quan hệ tình dục trong 7 ngày sau khi dùng liều kháng sinh azithromycine duy nhất hoặc cho đến khi đã dùng đủ 7 ngày kháng sinh doxycycline, để ngăn chặn lây nhiễm bệnh cho các bạn tình của mình. - Phụ nữ có quan hệ tình dục với những bạn tình không được điều trị đúng mức có nguy cơ cao bị tái nhiễm. Nhiễm nhiều lần sẽ tăng nguy cơ biến chứng nghiêm trọng về sức khỏe sinh sản, dẫn đến vô sinh.
- Khoảng ba tháng sau khi đã điều trị lây nhiễm ban đầu, phụ nữ và nam giới nhiễm Chlamydia nên được kiểm tra lại, ngay cả khi các bạn tình của họ đã được điều trị.

Biện pháp phòng ngừa bệnh do Chlamydia
Chlamydia là một bệnh xã hội rất phổ biến trong tất cả các bệnh lây truyền qua đường tình dục ở Việt Nam. Các phương pháp phòng bệnh có thể kể đến như:
- Sử dụng bao cao su đúng cách là cách phòng ngừa bệnh hiệu quả nhất.
- Không quan hệ tình dục bừa bãi, duy trì mối quan hệ một vợ một chồng lâu dài từ hai phía.
- Chủ động bảo vệ bản thân bằng cách lựa chọn bạn tình an toàn, đồng thời thống nhất với bạn tình về việc sử dụng biện pháp bảo vệ khi quan hệ.
- Không quan hệ tình dục trong thời kỳ nhiễm bệnh, thậm chí cả khi đang điều trị bệnh.
- Phải điều trị cho bạn tình để hạn chế tối đa nguy cơ bệnh tái phát.
- Kiểm tra và xét nghiệm định kỳ cho bản thân và bạn tình để phát hiện những bệnh nhiễm trùng qua đường tình dục, đặc biệt là ở những người có lối sống phóng khoáng.
- Tất cả các phụ nữ ở tuổi sinh hoạt tình dục dưới 25 tuổi nên đi tầm soát Chlamydia ít nhất mỗi năm một lần.
- Đối với phụ nữ không nên thụt rửa bộ phận sinh dục vì làm như vậy sẽ ảnh hưởng đến hệ sinh vật có lợi trong âm đạo và khiến cho phụ nữ dễ mắc các bệnh viêm nhiễm phụ khoa hơn.
- Tầm soát hàng năm cũng được khuyến cáo cho những phụ nữ lớn tuổi hơn có các yếu tố nguy cơ nhiễm Chlamydia.
- Đối với phụ nữ đang mang thai nên đi khám nhằm phát hiện sớm để tiến hành điều trị tránh ảnh hưởng đến thai nhi.
Bệnh do Chlamydia có thể diễn tiến “âm thầm” và phức tạp, nếu không sớm điều trị kịp thời sẽ gây ra những biến chứng “khôn lường”. Chính vì vậy, cần nhận biết sớm các nguyên nhân, triệu chứng, cách phòng ngừa bệnh hiệu quả sẽ giúp giảm thiểu tối đa nguy cơ biến chứng nguy hiểm. thường xuyên đi thăm khám sức khỏe để có thể kịp thời phát hiện và điều trị tránh gây ra các biến chứng nặng nề ảnh hưởng đến sức khỏe và gia đình.