Nhiễm khuẩn hậu sản là tai biến sản khoa thường gặp do nhiều nguyên nhân từ cơ sở vật chất y tế cho đến quy trình khống chế nhiễm khuẩn chưa được đảm bảo, gây ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ thậm chí là tính mạng sản phụ.
Nhiễm trùng hậu sản là gì?
Nhiễm trùng hay nhiễm khuẩn hậu sản là tình trạng vùng kín bị nhiễm khuẩn trong thời kỳ hậu sản. vi khuẩn xâm nhập từ bộ phận sinh dục theo đường máu, nhiễm khuẩn ngược dòng từ âm đạo, cổ tử cung qua tổn thương đường sinh dục trong và sau sinh. Thường xảy ra trong thời kỳ hậu sản tức là 6 tuần sau sinh.
Nguyên nhân bệnh Nhiễm khuẩn hậu sản
Nguyên nhân nhiễm khuẩn hậu sản bắt nguồn từ cả giai đoạn trước, trong và sau sinh:
- Cơ sở vật chất, trang thiết bị không được đảm bảo tính vô khuẩn.
- Các chỉ định và kỹ thuật can thiệp không đúng thời điểm trong lĩnh vực sản khoa cũng dễ dễ dẫn đến nhiễm khuẩn hậu sản.
- Chăm sóc sản phụ trước, trong và sau đẻ không đảm bảo quy trình.
- Các nhiễm khuẩn ở đường sinh dục không được xử trí tốt trước sinh.
- Chuyển dạ kéo dài, ối vỡ non, ối vỡ sớm gia tăng nguy cơ nhiễm khuẩn hậu sản cho sản phụ.
Đối tượng có nguy cơ nhiễm trùng hậu sản
Sản phụ thường tiết dịch âm đạo trong vòng một vài ngày sau khi sinh. Thời gian theo dõi ngắn có thể không đủ để xác định dấu hiệu nhiễm trùng trước khi xuất viện. Theo như nghiên cứu, 94% các trường hợp được chẩn đoán sau khi xuất viện. Nhiễm trùng hậu sản xảy ra thường xuyên hơn ở những nơi kém vệ sinh, chất lượng chăm sóc sức khỏe kém.
Tuy nhiên, bệnh có thể kiểm soát bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ.
Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng hậu sản:
- Chế độ dinh dưỡng kém.
- Thiếu máu.
- Nhiễm độc thai nghén.
- Béo phì.
- Nhiễm khuẩn âm đạo, nhiễm trùng lây qua đường tình dục.
- Khám âm đạo nhiều lần trong quá trình chuyển dạ.
- Theo dõi thai nhi bằng hình thức xâm nhập vào tử cung.
- Chuyển dạ kéo dài.
- Chậm trễ khi vỡ ối và sinh.
- Bế sản dịch.
- Vi khuẩn liên cầu nhóm B trú ở âm đạo.
- Còn lại một phần nhau thai trong tử cung sau khi sinh.
- Băng huyết sau sinh.
- Trẻ tuổi.
- Thuộc nhóm kinh tế xã hội thấp.

Triệu chứng nhiễm khuẩn hậu sản
Một số dấu hiệu và triệu chứng của bệnh bao gồm:
- Đau hạ vị, sốt nhẹ hoặc sản dịch có mùi hôi (dấu hiệu của viêm nội mạc tử cung).
- Đau, cứng, nóng, đỏ ở một hoặc cả hai bên vú kèm theo sốt, ớn lạnh, đau cơ, mệt mỏi hay đau đầu (dấu hiệu của viêm vú).
- Da đỏ, tiết dịch, sưng, nóng, nhạy cảm hoặc đau xung quanh vết mổ, vết thương (dù đó là vết rạch lấy thai, khâu cắt tầng sinh môn hoặc vết rách), vết mổ có dấu hiệu sắp bung.
- Tiểu khó, tiểu buốt, cảm giác phải đi tiểu thường xuyên và khẩn trương nhưng tiểu ra rất ít hoặc không có, nước tiểu nhiều bọt hoặc có máu (dấu hiệu của nhiễm trùng đường tiểu).
Nhiễm khuẩn hậu sản nguy hiểm như thế nào?
Nhiễm khuẩn hậu sản là một trong vấn đề nghiêm trọng, có nguy cơ tiến triển nhanh và có thể gây tử vong nếu như không phát hiện sớm và điều trị kịp thời cho người bệnh. Dưới đây là các hình thái thường gặp khi bị nhiễm trùng hậu sản:
Nhiễm khuẩn tầng sinh môn, âm hộ, âm đạo
Đây là tình trạng ít nghiêm trọng nhất. Nguyên nhân thường do kỹ thuật rạch, khâu tầng sinh môn chưa đảm bảo đúng kỹ thuật, chưa đảm bảo vô khuẩn và thậm chí có một số trường hợp sót gạc trong âm đạo. Biểu hiện nhiễm khuẩn tầng sinh môn là tình trạng sưng tấy hoặc có mủ, bệnh nhân sốt nhẹ, tử cung co bóp bình thường và sản dịch không có mùi hôi. Nếu được điều trị kịp thời, bệnh sẽ được cải thiện tốt.
Viêm cơ tử cung
Hình thái này khá hiếm gặp, biểu thị bằng việc nhiễm khuẩn toàn bộ cơ tử cung, những ổ mủ trong lớp cơ tử cung, thường xảy ra sau viêm nội mạc tử cung hoặc bế sản dịch. Bế sản dịch là hình thái trung gian. Triệu chứng giống như viêm nội mạc tử cung nhưng khác là không thấy sản dịch hoặc có rất ít. Tiên lượng phụ thuộc vào chẩn đoán và điều trị. Biến chứng có thể là viêm phúc mạc và nhiễm trùng máu.
Viêm niêm mạc tử cung
Nguyên nhân dẫn tới tình trạng này thường là do sót rau, nhiễm trùng ối, thời gian chuyển dạ kéo dài, chưa đảm bảo vô khuẩn hiệu quả,… Khi gặp phải tình trạng này, bệnh nhân thường có biểu hiện sốt, mạch đập nhanh, cơ thể mệt mỏi, sản dịch có mùi hôi, tử cung co hồi chậm. Phương pháp điều trị khi bị viêm niêm mạc tử cung là sử dụng thuốc kháng sinh. Trong trường hợp do sót nhau thì có thể phải nong nạo buồng tử cung, tuy nhiên phương pháp này chỉ được thực hiện khi bệnh nhân giảm hoặc hết sốt.
Viêm dây chằng rộng và phần phụ
Từ nhiễm khuẩn ở tử cung có thể lan sang các dây chằng (đặc biệt là dây chằng rộng) và các phần phụ như vòi trứng, buồng trứng.
Viêm phúc mạc tiểu khung
Viêm phúc mạc tiểu khung thứ phát là hình thái nhiễm khuẩn lan từ tử cung, dây chằng rộng, phần phụ, đáy chậu. Viêm phúc mạc nguyên phát là nhiễm khuẩn từ tử cung có thể không qua các bộ phận khác mà đi theo đường bạch mạch hoặc lan trực tiếp đến mặt sau phúc mạc, lan đến túi cùng sau, ruột, bàng quang.
Tình trạng viêm lan đến đâu sẽ hình thành giả mạc và phúc mạc sẽ dính vào nhau tại đó, phản ứng sinh ra các túi dịch, chất dịch có thể trong hoặc đục lẫn mủ hoặc máu (thể nặng).
Viêm phúc mạc toàn bộ
Nguyên nhân thường là không đảm bảo vô khuẩn tốt trong quá trình khâu tử cung, sót nhau, hoặc cũng có thể bị sót gạc trong bụng, nhiễm khuẩn ối, biến chứng của các hình thái nhiễm khuẩn hậu sản như viêm tử cung toàn bộ, hoặc đã bị viêm phúc mạc tiểu khung nhưng không được điều trị hiệu quả.
Nhiễm khuẩn huyết
Đây là hình thái nhiễm trùng hậu sản nghiêm trọng nhất, có thể để lại di chứng nặng nề hoặc có thể gây tử vong. Khi bị nhiễm khuẩn huyết, bệnh nhân có biểu hiện sốt cao liên tục, toàn thân mệt mỏi, da vàng, khó thở, nước tiểu đậm màu, môi khô, lưỡi bẩn,… Trong quá trình điều trị, các bác sĩ có thể điều trị kết hợp nội khoa và ngoại khoa để đạt được hiệu quả tốt nhất.
Điều trị nhiễm khuẩn hậu sản
Nhiễm trùng hậu sản thường được bác sĩ điều trị kê đơn thuốc kháng sinh uống. Thuốc kháng sinh sẽ được điều chỉnh cho phù hợp với loại vi khuẩn mà bác sĩ nghi ngờ đã gây ra nhiễm trùng.
Nhiễm trùng hậu sản là một biến chứng tiềm ẩn và là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong sau sinh trên thế giới. Nhiễm trùng hậu sản có thể gây ra tình trạng sức khỏe kém và chậm hồi phục sau khi phụ nữ sinh con.
Khả năng bị nhiễm trùng có thể được giảm xuống bằng cách thực hiện các bước để đảm bảo quá trình sinh nở được vệ sinh an toàn.

Phòng các bệnh nhiễm khuẩn hậu sản
- Thai phụ cần chú ý điều trị các ổ viêm trong khi có thai: Viêm đường tiết niệu, sinh dục…
- Đề phòng nhiễm khuẩn ối và chuyển dạ kéo dài.
- Trong thai kỳ: Khám thai theo quy định để phát hiện sớm và điều trị kịp thời các bệnh lý viêm nhiễm phụ khoa, bệnh thận, tiểu đường, tăng huyết áp,…
- Cuộc đẻ: Không để sót rau, tuân thủ đúng các chỉ định kiểm soát tử cung, chế độ vô khuẩn,vệ sinh.
- Sau đẻ: Tránh bế sản dịch, vệ sinh, chăm sóc tầng sinh môn đúng quy trình.
Nhiễm khuẩn hậu sản vô cùng nguy hiểm ảnh hưởng tới sức khỏe của mẹ. Vậy nên, khi phát hiện các dấu hiệu nguy cơ cần đến ngay cơ sở y tế chuyên khoa để được chuẩn đoán và có hướng điều trị thích hợp. Lựa chọn đơn vị chăm sóc thai kỳ và sinh nở là việc vô cùng quan trọng. Bên cạnh đó, việc thăm khám và theo không thể bỏ qua giúp phát hiện sớm và can thiệp kịp thời các biến chứng thai sản, tầm soát sớm dị tật thai nhi, và chăm sóc nhi sơ sinh tốt nhất.