Nhiễm khuẩn đường tiết niệu ở trẻ em là một bệnh lý thường có nguyên nhân như bế tắc đường tiết niệu do dị tật hay trào ngược bàng quang – niệu quản bẩm sinh, hẹp da quy đầu, hẹp miệng niệu đạo bẩm sinh. Vì vậy, cần phải phát hiện sớm và điều trị tích cực cả bệnh lý nhiễm khuẩn đường tiết niệu và nguyên nhân gây ra nó, để tránh tình trạng viêm thận bể thận cấp tính trên cơ thể đang phát triển.
Nhiễm khuẩn tiết niệu ở trẻ em là gì?
Nhiễm khuẩn tiết niệu ở trẻ em là hiện tượng vi khuẩn từ da hoặc phân của trẻ xâm nhập vào đường tiết niệu và phát triển thành bệnh. Các loại vi khuẩn này có thể gây nhiễm trùng ở bất kỳ vị trí nào trong đường tiết niệu như:
- Thận, nơi lọc chất thải và nước thừa ra khỏi máu để tạo thành nước tiểu.
- Niệu quản, có nhiệm vụ dẫn nước tiểu từ thận vào bàng quang.
- Bàng quang, nơi lưu trữ nước tiểu.
- Niệu đạo, đường dẫn nước tiểu từ bàng quang ra khỏi cơ thể.
Trong đó, các bé gái có nhiều nguy bị nhiễm khuẩn tiết niệu hơn bé trai do có niệu đạo ngắn hơn, nên vi khuẩn từ hậu môn có thể dễ dàng xâm nhập vào âm đạo và niệu đạo.
Nguyên nhân gây bệnh viêm đường tiết niệu ở trẻ
Nước tiểu thông thường là vô trùng. Nhưng, trên cơ thể chúng ta thường tồn tại rất nhiều vi khuẩn, nhất là ở trên da và khu vực trực tràng, hậu môn. Đôi khi vi khuẩn có thể di chuyển vào niệu đạo, bàng quang… Khi điều này xảy ra, hệ tiết niệu của bé sẽ bị vi khuẩn tấn công gây nên nhiễm trùng đường tiểu.
Có 2 loại nhiễm trùng tiểu cơ bản:
- Nhiễm trùng bàng quang: Còn được gọi là viêm bàng quang, tình trạng này có thể gây sưng và đau ở bàng quang.
- Nhiễm trùng thận: Nếu vi khuẩn đi lên từ bàng quang qua niệu quản đến thận gây nhiễm trùng thận được gọi là viêm bể thận. Nhiễm trùng thận nghiêm trọng hơn nhiễm trùng bàng quang và có thể gây hại cho thận, đặc biệt là ở trẻ nhỏ.
Trào ngược Vesicoureteral (VUR)
Nước tiểu từ thận xuống niệu quản và vào bàng quang. Dòng chảy một chiều này thường được duy trì nhờ một “van nắp” nơi niệu quản nối với bàng quang. Tuy nhiên, với trường hợp trào ngược túi niệu quản, nước tiểu chảy ngược từ bàng quang lên niệu quản đến thận. Dòng nước này có thể mang vi khuẩn từ bàng quang lên thận và gây nhiễm trùng thận (viêm bể thận).
Tắc nghẽn đường tiết niệu
Dòng nước tiểu có thể bị tắc nghẽn tại nhiều vị trí trong đường tiết niệu. Những tắc nghẽn này hầu hết là do các khu vực hẹp bất thường làm ngăn cản dòng chảy bình thường của nước tiểu ra ngoài cơ thể.
Các yếu tố nguy cơ nhiễm khuẩn tiết niệu ở trẻ
- Nhiễm khuẩn tiết niệu gặp ở trẻ gái nhiều hơn do đường niệu đạo ngắn và gần hậu môn. Trẻ nam dưới một tuổi có hẹp bao quy đầu có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
- Trẻ có dị tật hoặc tắc nghẽn một vị trí nào đó trên đường tiết niệu.
- Trẻ có luồng trào ngược nước tiểu từ bàng quang lên niệu quản, bể thận.
- Thói quen đi tiểu ít hoặc vệ sinh kém.
- Tiền sử gia đình có người bị nhiễm khuẩn tiết niệu.
Nhiễm khuẩn tiết niệu có thể điều trị đơn giản, nhưng điều quan trọng phát hiện sớm và đúng. Nhiễm khuẩn tiết niệu không chẩn đoán và điều trị kịp thời có thể dẫn tới tổn thương thận.

Dấu hiệu của nhiễm khuẩn tiết niệu
Hầu hết các nhiễm khuẩn xảy ra ở phần dưới của đường tiểu bao gồm bàng quang và niệu đạo, được gọi chung là viêm bàng quang. Biểu hiện của trẻ có thể gặp như sau:
- Đau, nóng rát hoặc cảm giác châm chích khi đi tiểu.
- Đi tiểu nhiều lần hơn dù số lượng nước tiểu rất ít.
- Sốt.
- Thức giấc trong đêm nhiều lần.
- Tiểu dầm, mặc dù trẻ đã được huấn luyện đi tiểu.
- Đau bụng vùng bàng quang (dưới vị trí rốn).
- Nước tiểu hôi, đục hoặc có máu.
Nhiễm khuẩn xảy ra ở niệu quản tới bể thận, gọi là viêm thận – bể thận và thường nghiêm trọng hơn. Các triệu chứng có thể tương tự như viêm bàng quang nhưng trẻ thường mệt mỏi hơn, sốt cao liên tục (đôi khi kèm theo rét run), đau vùng lưng hoặc nôn nhiều.
Viêm đường tiết niệu ở trẻ em có nguy hiểm không?
Việc chẩn đoán và điều trị kịp thời nhiễm trùng tiết niệu ở trẻ em có vai trò ngăn ngừa các biến chứng y khoa nghiêm trọng hơn cho trẻ trong tương lai. Bởi lẽ, nếu không được điều trị, nhiễm trùng tiểu có thể dẫn đến nhiễm trùng thận và các tình trạng nghiêm trọng hơn như:
- Áp xe thận.
- Giảm chức năng thận hoặc suy thận.
- Thận ứ nước hoặc sưng thận.
- Nhiễm trùng huyết dẫn đến suy nội tạng và tử vong.
Phương pháp chẩn đoán
Đối với việc chẩn đoán nhiễm khuẩn tiết niệu ở trẻ cũng như tác nhân gây bệnh, bác sĩ sẽ tiến hành lấy mẫu nước tiểu để:
- Phân tích nước tiểu: Từ kết quả kiểm tra nước tiểu bằng một loại que thử đặc biệt hoặc thông qua kính hiển vi, bác sĩ sẽ phát hiện ra những dấu hiệu nhiễm khuẩn.
- Cấy nước tiểu: Đây là phương pháp giúp xác định được số lượng cũng như loại vi khuẩn gây bệnh để bác sĩ có thể kê thuốc kháng sinh điều trị phù hợp cho trẻ.
- Ngoài ra, ở một số trường hợp có thể được chỉ định thực hiện siêu âm, nội soi bàng quang, chụp cắt lớp hoặc cộng hưởng từ,…
Điều trị nhiễm khuẩn đường tiết niệu ở trẻ em
- Ở trẻ em, nhiễm khuẩn đường tiết niệu phải được điều trị bằng kháng sinh không chậm trễ để bảo vệ sự phát triển của thận.
- Phải dùng loại kháng sinh ít gây độc trẻ em và đúng liều lượng.
- Phải lấy nước tiểu gửi đi nuôi cấy trước khi khởi đầu điều trị để xác định loại vi khuẩn gây bệnh và lựa chọn kháng sinh phù hợp.
- Trẻ cần nhập viện và điều trị kháng sinh tĩnh mạch nếu bị sốt cao, nôn, đau sườn lưng dữ dội và không thể uống thuốc.
- Có thể dùng kháng sinh đường uống cho trẻ trên 3 tới 6 tháng tuổi, là những trẻ có thể uống thuốc được.
- Điều quan trọng là trẻ phải dùng đủ liều kháng sinh đã được kê, ngay cả khi trẻ đã hết triệu chứng của nhiễm khuẩn đường tiết niệu.
Bên cạnh việc sử dụng thuốc kháng sinh, bố mẹ cũng cần phải kết hợp chế độ dinh dưỡng phù hợp và cho trẻ uống nhiều nước trong quá trình điều trị. Điều này sẽ làm tăng sức đề kháng, giúp cải thiện tình trạng bệnh nhanh hơn.

Cách phòng tránh nhiễm khuẩn tiết niệu ở trẻ em
Tuy nhiễm khuẩn tiết niệu ở trẻ em khá nguy hiểm, nhưng bạn vẫn có thể giúp con phòng bệnh bằng chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt:
- Hạn chế tắm bồn, nhất là bé gái, vì vi khuẩn và xà phòng sẽ dễ xâm nhập vào niệu đạo.
- Tránh mặc quần áo và đồ lót bó sát đặc biệt là các bé gái.
- Giúp con uống đủ nước.
- Tránh cho trẻ uống caffein vì có thể gây kích ứng bàng quang.
- Thay tã thường xuyên ở trẻ nhỏ.
- Dạy trẻ lớn cách vệ sinh đúng để giữ gìn vệ sinh vùng kín sạch sẽ.
- Khuyến khích trẻ đi vệ sinh thường xuyên thay vì nhịn tiểu.
- Dạy trẻ cách lau an toàn từ trước ra sau, đặc biệt là sau khi đi tiêu.
Tình trạng nhiễm khuẩn đường tiểu ở trẻ em không phải là mối bận tâm quá lớn. Tuy nhiên, nếu bị dạng nhiễm khuẩn này trong một thời gian dài, thận của trẻ có thể bị ảnh hưởng, nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác cũng nảy sinh. Vậy nên, nếu phát hiện bé có những biểu hiện trên, nên đưa bé đi khám bệnh để tránh những ảnh hưởng không tốt sau này.
Leave a reply