Bệnh sán máng là một bệnh nhiễm ký sinh trùng, nguyên nhân gây bệnh là các loài sán lá máng thuộc giống Schistosoma. Đây là bệnh diễn tiến mạn tính và có tỷ lệ tử vong khá thấp. Tuy nhiên, sán máng lại có thể gây tổn thương nhiều cơ quan phủ tạng trong cơ thể, đặc biệt nhất là gây chậm phát triển cả về tinh thần, nhận thức ở trẻ nhỏ.
Nhiễm sán máng là gì?
Bệnh sán máng (sốt ốc), là bệnh do ký sinh trùng sống trong nước ngọt ở các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới gây ra. Ký sinh trùng có thể là giun, sán hay nhiều loài khác nhau. Các ký sinh trùng thường được tìm thấy trên khắp châu Phi nhưng cũng sống trong vùng của Nam Mỹ, vùng Caribbean, Trung Đông và châu Á.
Bệnh có thể gây nhiễm đường tiết niệu hoặc đường ruột và ảnh hưởng đến các hệ thống khác. Các phần của cơ thể bị ảnh hưởng phụ thuộc vào loài ký sinh trùng, một số loài có thể ảnh hưởng đến phổi và tủy sống hoặc não và hệ thống thần kinh trung ương.
Nguyên nhân gây bệnh
Ký sinh trùng sán máng (genus schistosoma – S. mansoni, S. mekongi, S. intercalatum, S. hematobium, and S. japonicum) là tác nhân gây bệnh. Ký sinh trùng xâm nhập vào cơ thể người bằng xuyên qua da và sau đó theo đường hệ thống tĩnh mạch đến tĩnh mạch cửa nơi chúng sẽ đẻ trứng và sẽ gây ra bệnh cảnh lâm sàng cấp hoặc mạn tính.
Ốc nước ngọt họ Planorbidae là vật chủ trung gian truyền bệnh ấu trùng sán máng và con người cũng là một vật chủ trung gian.
Những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh sán máng
Có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải bệnh này, chẳng hạn như:
- Bạn sống hoặc đi du lịch đến những nơi đang có dịch sán máng.
- Da bạn tiếp xúc với nước ngọt từ các kênh rạch, sông, suối, hồ, sông ngòi.
- Trẻ em dễ bị bệnh sán máng hơn người lớn.

Triệu chứng của bệnh
Các triệu chứng và dấu hiệu của bệnh sán máng là:
- Biểu hiện sớm nhất của bệnh là ấu trùng chui qua da gây những điểm xuất huyết nhỏ, vài ngày sau sẽ nổi mẩn từng đám.
- Nhức đầu, chóng mặt, đau các chi.
- Sốt, rét run, ban đêm đổ mồ hôi, bạch cầu ái toan tăng, có thể tăng 20 – 60%.
- Ho dai dằng, sưng hạch bạch huyết.
- Bị ngứa, phát ban.
- Đau bụng, tiêu chảy, có thể đại tiện có máu, đi tiểu thường xuyên, tiểu buốt và có thể có tiểu máu.
Những ảnh hưởng của bệnh sán máng đến sức khỏe
Tuy không gây tử vong ngay nhưng đây là một bệnh mạn tính nên có thể gây tổn hại nghiêm trọng các cơ quan nội tạng, gây viêm nhiễm đường tiết niệu hoặc đường ruột,… Thậm chí, bệnh sán máng có thể làm giảm tăng trưởng và chậm phát triển cả về tinh thần và nhận thức ở trẻ nhỏ.
Một số biến chứng mà bệnh sán máng có thể gây nên:
- Sốt rét.
- Phình mạch thực quản dạ dày.
- Gây xuất huyết tiêu hóa trên.
- Bệnh lý não – gan do sán máng.
- Viêm phúc mạc nhiễm khuẩn nguyên phát.
- Gây tắc ruột hoặc viêm ruột thừa do sán máng.
Các phương pháp chẩn đoán bệnh sán máng
Đối với mẫu phân: Phòng xét nghiệm sẽ tiến hành xử lý mẫu phân, nhỏ dung dịch nước muối sinh lý và Lugol lên tiêu bản và soi tươi trực tiếp dưới kính hiển vi quang học để tìm trứng sán trong mẫu phân.
Đối với mẫu nước tiểu: Cần tiến hành ly tâm lấy cặn nước tiểu, sau đó cho cặn này vào nước ấm nếu có trứng sán trong mẫu thì sau vài giờ trứng sẽ nở thành ấu trùng lông, soi dưới kính hiển vi độ phóng đại x10 hoặc x40 thấy ấu trùng di động rõ.
Đây là các phương pháp đơn giản, dễ thực hiện, không đòi hỏi các kỹ thuật hay máy móc chuyên sâu. Chi phí thực hiện rẻ, thời gian xét nghiệm nhanh chóng và rất có ý nghĩa trên lâm sàng nếu xét nghiệm tìm thấy hình ảnh trứng sán.
Tuy vậy thì độ nhạy của xét nghiệm lại không cao, dễ gây âm tính giả trong trường hợp mẫu bệnh phẩm có số lượng trứng sán ít. Vì vậy để tăng khả năng bắt gặp được ký sinh trùng trong mẫu phân hay nước tiểu được tốt thì cần lấy mẫu ít nhất 3 lần trong 3 ngày liên tiếp.

Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh sán máng?
Bạn sẽ có thể kiểm soát bệnh này nếu áp dụng các biện pháp sau khi sống hoặc đi du lịch đến các vùng bị ảnh hưởng bởi bệnh:
- Tránh chèo thuyền, bơi lội ở ao, hồ mà chỉ tắm biển hoặc bơi trong hồ khử trùng bằng clo.
- Mặc quần không thấm nước và ủng nếu bạn phải vượt suối hoặc sông.
- Đun sôi nước trước khi uống để ngăn các ký sinh trùng xâm nhập vào môi hoặc miệng.
- Dùng thuốc chống côn trùng hay lau khô người bằng khăn sau khi ra khỏi nước ô nhiễm không phải là cách hay.
- Tẩy giun sán định kỳ mỗi năm để giảm nguy cơ nhiễm trùng và biến chứng.
Bệnh sán máng có tỷ lệ tử vong thấp nhưng lại ảnh hưởng rất lớn đến các cơ quan nội tạng trong cơ thể. Do đó không nên chủ quan với căn bệnh này mà cần tìm cách phòng chống bệnh hiệu quả. Điều trị và phòng ngừa nhiều bệnh lý khác nhau đem lại kết quả tốt, sức khỏe bệnh nhân hồi phục nhanh chóng.