Nhiễm trùng đường tiểu khi mang thai là gì?
Nhiễm trùng đường tiểu xảy ra khi có sự xuất hiện của vi khuẩn trong đường tiết niệu, khiến cơ thể tạo ra các phản ứng chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn đó.
Nhiễm trùng tiểu ở nữ thường gặp nhiều hơn ở nam, những nguyên nhân gây nên tình trạng nhiễm trùng tiểu ở nam giới thường là do đường bài niệu bị tắc hoặc do những vi khuẩn đặc hiệu như lao, lậu,… gây nên
Nguyên nhân gây nhiễm trùng đường tiết niệu khi mang thai
- Tử cung lớn: Khi có thai, tử cung ngày càng phì đại hơn và đè lên bàng quang. Điều này khiến bạn khó tống hết nước tiểu trong bàng quang ra ngoài. Nước tiểu còn sót lại có thể là một môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển.
- Vùng kín không được vệ sinh đúng cách, sạch sẽ: Việc vệ sinh không đúng cách hoặc không sạch sẽ sẽ tạo điều kiện để vi khuẩn phát triển, từ đó gây bệnh.
- Do hormone: Hormone thai kỳ làm giãn trương lực cơ niệu quản, làm chậm dòng chảy của nước tiểu. Sự thay đổi này làm nước tiểu mất nhiều thời gian hơn để đi qua đường tiết niệu, khiến vi khuẩn có nhiều thời gian hơn để sinh sôi.

Triệu chứng nhiễm trùng đường tiểu khi mang thai
Nếu bạn bị nhiễm trùng đường tiểu khi mang thai, bạn có thể gặp một hoặc nhiều triệu chứng sau:
- Tểu đau, tiểu buốt, tiểu rát.
- Tiểu nhiều lần, tiểu lắt nhắt.
- Tiểu máu.
- Chuột rút, đau vùng bụng dưới.
- Đau khi quan hệ tình dục.
- Ớn lạnh, sốt, đổ mồ hôi, tiểu tiện không tự chủ.
- Hay phải thức giấc trong đêm để tiểu.
- Nước tiểu đục, có mùi hôi.
- Đau vùng bàng quang.
- Khi vi khuẩn xâm nhập đến thận, bạn có thể có triệu chứng đau hông lưng, ớn lạnh, sốt, buồn nôn và nôn.
Biến chứng khi bị nhiễm trùng đường tiểu khi mang thai
Nguy cơ có thể xảy ra cho mẹ bầu
Nhiễm khuẩn tiết niệu nếu không được điều trị kịp thời có thể gây ra nhiều nguy hiểm cho mẹ bầu.
Viêm đường tiết niệu thể nặng nhất là viêm thận, bể thận cấp. Tình trạng này gây sốt cao, tim đập nhanh, mệt mỏi, nôn ói… có thể khiến bà bầu bị suy nhược dẫn tới suy hô hấp, suy tuần hoàn, thậm chí gây sinh non, thai chết trong tử cung vô cùng nguy hiểm.
Nhiều phụ nữ có liên cầu nhóm B trong ruột kết và âm đạo, khi mang thai chúng sẽ tấn công vào đường tiết niệu gây viêm. Thậm chí, liên cầu nhóm B còn có thể lây truyền từ mẹ sang con trong quá trình sinh nở.
Đối với trẻ
- Tăng nguy cơ trẻ sanh non thiếu tháng, trẻ nhẹ cân.
- Nhiễm trùng huyết ở trẻ sơ sinh.
Chẩn đoán nhiễm trùng đường tiểu khi mang thai
Để phát hiện nhiễm trùng đường tiểu, bác sĩ sẽ thực hiện các xét nghiệm sau:
- Xét nghiệm nước tiểu: Xét nghiệm này sẽ giúp phát hiện các tế bào hồng cầu, bạch cầu và vi khuẩn. Để tránh việc kết quả đưa ra thiếu chính xác, mẹ bầu nên vệ sinh vùng kín bằng nước rửa phụ khoa trước khi thu thập nước tiểu.
- Cấy nước tiểu: Xét nghiệm cấy nước tiểu đôi khi được thực hiện sau khi phân tích nước tiểu và bác sĩ sẽ dựa vào kết quả để kê đơn.
- Chụp X-quang bàng quang: Hình thức kiểm tra bằng cách chụp X-quang sẽ giúp phát hiện các vấn đề như sỏi thận và sưng.
- Khám bàng quang bằng cách nội soi: Bác sĩ sẽ chèn một ống nhỏ vào niệu đạo của mẹ bầu để kiểm tra bất thường ở niệu đạo và bàng quang.

Phương pháp điều trị không dùng thuốc
- Uống nhiều nước: Càng uống nhiều nước, bạn càng đi vệ sinh nhiều và loại bỏ vi khuẩn có hại.
- Sữa chua Hy Lạp: Lợi khuẩn trong sữa chua Hy Lạp sẽ giúp cải thiện sức khỏe đường ruột và hỗ trợ điều trị nhiễm trùng đường tiểu. Thực phẩm này có thể khôi phục các vi khuẩn tốt và giảm các triệu chứng của nhiễm trùng.
- Giấm táo: Giấm khiến cho nước tiểu có tính axit, do đó ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn và khiến chúng dễ dàng bị đào thải ra ngoài cơ thể hơn. Tuy nhiên, đây không phải là phương pháp lâu dài vì tính axit của giấm có thể làm hỏng men răng.
- Vitamin C: Ăn nhiều thực phẩm chứa vitamin C giúp tăng cường hệ thống miễn dịch và hỗ trợ chống nhiễm trùng. Mẹ bầu có thể lựa chọn những loại hoa quả như cam, chanh, quả mọng, quả mơ, ớt chuông, cà chua….
- Nước dừa: Nước dừa rất giàu chất điện giải, có thể hỗ trợ điều trị tình trạng nhiễm trùng đường tiểu khi mang thai. Tuy nhiên, bạn chỉ nên uống khi thai kỳ đã bước vào giai đoạn ổn định để tránh biến chứng xấu không mong muốn. Ngoài ra, nước cốt dừa với đặc tính nhuận tràng sẽ đem lại công dụng tương tự.
Phòng ngừa nhiễm trùng đường tiết niệu khi mang thai
- Chế độ ăn uống đầy đủ chất, uống đủ nước
- Không nên nhịn tiểu khi muốn đi tiểu, đi tiểu ngay sau khi giao hợp
- Khi đi đại tiện hay đi vệ sinh nên lau từ trước ra sau, tránh nhiễm khuẩn từ hậu môn ngược lên
- Vệ sinh bằng nước sạch hàng ngày từ trước ra sau
- Điều trị triệt để viêm âm hộ âm đạo, viêm cổ tử cung tránh lây sang đường tiết niệu.
- Tránh uống rượu, thức ăn cay nóng và đồ uống chứa caffeine.
- Tuân thủ lối sống cân bằng, khoa học để nâng cao sức đề kháng cho cơ thể.
- Xét nghiệm nước tiểu trước khi mang thai để đề phòng tình trạng viêm đường tiết niệu không có triệu chứng.
Nhiễm trùng đường tiểu khi mang thai thường không gây ảnh hưởng đến thai nhi, trừ khi vi khuẩn xâm nhập gây nhiễm trùng thận. Tuy nhiên nguy cơ này sẽ được kiểm soát nếu điều trị sớm.