Nhiễm trùng vết mổ sau sinh là một biến chứng của phẫu thuật, có thể ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe của sản phụ và quá trình chăm sóc trẻ sơ sinh. Do đó, cần sát sao theo dõi sức khỏe sản phụ để kịp thời phát hiện dấu hiệu nhiễm trùng vết mổ sau sinh.
Nhiễm trùng vết mổ sau sinh là gì?
Nhiễm trùng vết mổ sau sinh mổ là tình trạng nhiễm khuẩn tại vị trí phẫu thuật xảy ra sau khi sinh mổ lấy thai. Những dấu hiệu nhiễm trùng vết mổ sau sinh bao gồm sốt trên 38 độ C, vết mổ trở nên nhạy cảm và đau vùng bụng dưới. Bạn cần nhanh chóng điều trị để tránh những biến chứng từ nhiễm trùng vết thương. Nhiễm trùng vết mổ sau sinh có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm và có thể là nguyên nhân gây tử vong ở những bệnh nhân được thực hiện phẫu thuật không chỉ riêng Việt Nam mà cả những quốc gia có nền y học hiện đại trên thế giới.
Nguyên nhân vết mổ bị nhiễm trùng
Có một số yếu tố làm tăng nguy cơ nhiễm trùng vết mổ. Đó là:
- Trước mổ: Bệnh nhân bị nhiễm khuẩn ối, chuyển dạ kéo dài, khám âm đạo nhiều lần, viêm âm đạo, mắc bệnh lý nền (đái tháo đường, thiếu máu, tiền sản giật, béo phì,…), vết mổ cũ nhiều lần, nhau tiền đạo, nhau cài răng lược.
- Trong mổ: Sót nhau, sót màng, thời gian mổ kéo dài, mất máu nhiều, vết mổ cũ dính, rách thêm, máu tụ.
- Sau mổ: Người bệnh kém vận động, bế sản dịch, vệ sinh hoặc dinh dưỡng không đảm bảo.
Các nghiên cứu ghi nhận, có khoảng 33% trường hợp nhiễm khuẩn vết mổ có thể dự phòng. Do đó, cần nâng cao ý thức về phòng ngừa nhiễm khuẩn mổ lấy thai trước, trong và sau phẫu thuật.

Nhận biết nhiễm trùng vết mổ sau sinh
- Nhiễm khuẩn vết cắt khâu ở vùng tầng sinh môn, âm hộ làm cho khu vực này phù nề, sưng to, vết khâu có mủ.
- Nhiễm khuẩn ở âm đạo, cổ tử cung khiến sản phụ ra rất nhiều dịch có mùi hôi, thăm khám sản phụ rất đau đớn.
- Nhiễm khuẩn tử cung tuy gặp ít nhưng nặng nề hơn, sản phụ ra nhiều dịch có mùi hôi thối, có khi lẫn máu, khám tử cung rất đau, đau mỗi khi đụng tới.
- Nhiễm khuẩn phần phụ như vòi trứng, buồng trứng, các dây chằng… thường diễn biến kéo dài, dễ thành trở thành mãn tính nếu không điều trị đến nơi đến chốn.
- Viêm phúc mạc tiểu khung và viêm phúc mạc toàn bộ nếu vi khuẩn từ bộ máy sinh dục xâm nhập đến tiểu khung và ổ bụng. Hiện tượng này rất nguy hiểm, cần phải mổ dẫn lưu mủ, tuy nhiên rất dễ để lại di chứng sau mổ.
- Viêm tắc tĩnh mạch tiểu khung hay tĩnh mạch chi dưới: Biểu hiện là chân bị phù to, nóng và đau. Tình trạng này có thể gây tử vong đột ngột nếu cục máu đông di chuyển đến tim gây nhồi máu cơ tim, di chuyển lên não gây nhồi máu não, di chuyển đến phổi gây tắc mạch phổi.. vì vậy phải sớm cố định và băng ép chi bị viêm tắc.
- Bên cạnh đó, vi khuẩn có thể từ cơ quan sinh dục đi thẳng vào máu gây nhiễm khuẩn huyết nặng, rất khó điều trị và có tỉ lệ tử vong rất cao.
Tình trạng nhiễm trùng vết mổ sau sinh có nguy hiểm không?
Nhiễm trùng vết mổ sau sinh thực sự là một điều đáng lo ngại, nếu không được quan tâm chú ý đúng mức, tình trạng này sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và thẩm mỹ cơ thể của sản phụ, nguy hiểm hơn có thể dẫn đến nhiễm trùng máu, thậm chí có nguy cơ tử vong. Sinh mổ không phải lựa chọn đầu tiên của các bác sĩ sản khoa, mổ đẻ chỉ được chỉ định khi mẹ hoặc thai có nguy cơ về sức khỏe.
Điều trị nhiễm trùng vết mổ sau sinh
Bình thường sau khi sinh, tử cung sẽ co dần, sản dịch ra ít, nhạt màu dần và hết hẳn sau 2 tuần. Nếu sau khi sinh 3 – 4 ngày, sản phụ còn sốt 38 – 39 độ C, tử cung co hồi chậm, sản dịch ra ít như bị ứ lại hoặc có mùi hôi, ấn vào tử cung di động, tử cung đau thì phải nghĩ tới nhiễm trùng vết mổ sau sinh:
- Nếu nhiễm khuẩn vết mổ sau sinh tại tầng sinh môn và âm hộ, nên rửa sạch tầng sinh môn, âm hộ bằng nước sát khuẩn, cắt chỉ sẽ được thực hiện sớm nếu có khâu tầng sinh môn và thường dùng kháng sinh tại chỗ hoặc toàn thân.
- Hoặc sử dụng kháng sinh: Loại kháng sinh tùy thuộc vào mức độ nhiễm khuẩn cũng như tác nhân gây bệnh·
- Dùng thuốc tăng co hồi tử cung.
- Theo dõi diễn tiến bệnh, khả năng đáp ứng với kháng sinh, có thể đưa ra quyết định phẫu thuật giải quyết ổ nhiễm trùng (cắt tử cung toàn phần) tùy thuộc đánh giá lâm sàng.

Chăm sóc vết mổ sau sinh đúng cách
Sau khi vết mổ được khâu lại, mẹ cần chăm sóc vết thương tuân thủ theo đúng chỉ định của bác sĩ. Cụ thể:
- Trước khi rửa vết thương, mẹ cần đảm bảo tay đã được khử khuẩn sạch sẽ. Đồng thời, mẹ nên sử dụng thêm những vật dụng hỗ trợ cần thiết khác như bông gạc và nước muối sinh lý. Khi rửa vết thương, mẹ nên rửa lan rộng tầm 5cm để vùng da lân cận không gây ảnh hưởng đến vết mổ.
- Mẹ không được bôi bất kỳ loại kem dưỡng da, dung dịch nào lên vết thương khi không có chỉ định của các bác sĩ.
- Sau khi lau rửa vết thương xong, mẹ hãy lấy gạc sạch để lau khô vết thương.
- Nếu thấy vết mổ có tình trạng bất thường như bị đỏ, sưng vết thương, đau nhức, chảy máu, chảy mủ, vết thương có mùi hôi, bung chỉ khâu,… mẹ cần đến ngay bệnh viện để được thăm khám và xử lý kịp thời.
Nhiễm trùng vết mổ sau sinh rất nguy hiểm, trường hợp xấu có thể gây tử vong. Vậy nên, khi lựa chọn sinh mổ, sản phụ và gia đình cần chú ý tới những dấu hiệu vết mổ sau sinh bị nhiễm trùng, tránh nguy cơ biến chứng nguy hiểm. Đối với các chị em mổ đẻ, cần phải chú ý hơn trong việc chăm sóc cơ thể, sinh hoạt và lựa chọn thực phẩm để hồi phục sức khỏe sớm.