Nhiễm trùng thận là tình trạng nhiễm trùng đường tiết niệu. Bệnh ảnh hưởng rất nhiều đến chức năng lọc máu, bài tiết nước tiểu của thận. Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng rất nguy hiểm.
Nhiễm trùng thận là bệnh gì?
Nhiễm trùng thận hay viêm đài bể thận là tình trạng nhiễm trùng đường tiết niệu. Nguyên nhân của bệnh thường xuất phát từ tình trạng nhiễm trùng đường tiểu dưới (bao gồm niệu đạo và bàng quang). Sau đó vi khuẩn sinh sôi nảy nở và di chuyển ngược lên phía trên theo đường bài niệu, gây nên nhiễm trùng ở thận. Nhiễm trùng ở thận có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết nghiêm trọng, thậm chí gây tử vong.
Nguyên nhân gây nhiễm trùng thận
Thông thường, căn bệnh này bắt nguồn từ tình trạng nhiễm trùng ở đường tiểu dưới (ở bàng quang và niệu đạo) sau đó vi khuẩn sinh sôi, di chuyển lên phía trên theo đường tiểu, gây nhiễm trùng thận.
Các vi khuẩn thường gây bệnh là E. Coli, Enterobacteria, Klebsiella. Những vi khuẩn này tồn tại nhiều trong phân, trong khi những vi khuẩn bám trên da hoặc vi khuẩn tồn tại trong không khí ít gây ra bệnh cảnh nhiễm trùng ở thận.
Mặc dù rất nhiều vi khuẩn và virus có thể gây nhiễm trùng thận, nhưng vi khuẩn Escherichia coli thường là nguyên nhân chính.
Máu cũng có thể gây nên bệnh này thông qua cơ chế truyền vi khuẩn từ những vị trí nhiễm trùng khác trong cơ thể đi đến thận. Nguyên nhân gây bệnh này thường ít xảy ra, nhưng khi xảy ra thì lại rất trầm trọng.
Ngoài ra, bệnh lý này còn có thể xuất phát thông qua cơ chế nhiễm trùng ngược dòng, từ bàng quang lên thận đo đặt ống thông tiểu, do nội soi bàng quang để gắp sỏi, nội soi niệu đạo,…
Dấu hiệu khi mắc bệnh nhiễm trùng thận
Nhiễm trùng thận có thể bắt đầu từ các triệu chứng của nhiễm trùng đường tiểu dưới và bệnh sẽ trở nên nghiêm trọng hơn nếu vi khuẩn lên đến đường tiểu trên.. Các triệu chứng thường gặp là:
- Sốt
- Buồn nôn và ói mửa
- Đau hông và vùng bụng dưới
- Đi tiểu thường xuyên, cảm giác phải đi tiểu ngay và không thể nhịn tiểu
- Rát hoặc đau khi đi tiểu
- Có mủ hoặc có máu trong nước tiểu
- Nước tiểu có mùi hôi
Chẩn đoán và điều trị bệnh
Chẩn đoán bệnh nhiễm trùng thận
Dựa trên các dấu hiệu và triệu chứng quan trọng như sốt và đau lưng, bác sĩ có thể nghi ngờ bạn bị nhiễm trùng thận. Bạn có thể cần phải làm thêm một vài xét nghiệm nước tiểu để tìm vi khuẩn trong máu hoặc mủ trong nước tiểu. Khi cần thiết, bác sĩ sẽ cho bạn xét nghiệm để kiểm tra vi khuẩn hoặc các sinh vật khác trong máu.
Bác sĩ có thể kiểm tra hình ảnh bao gồm siêu âm, chụp cắt lớp vi tính quét hoặc một loại X-quang để quan sát được hình ảnh chi tiết của thận và các cơ quan liên quan.
Điều trị nhiễm trùng thận
Thông thường, đầu tiên bạn phải sử dụng kháng sinh, kéo dài 1 – 2 tuần, phụ thuộc vào mức độ nhiễm trùng, tình trạng sức khỏe và các vi khuẩn được tìm thấy trong nước tiểu.
Các triệu chứng và biểu hiện của bệnh nhiễm trùng thận thường thuyên giảm từ từ trong vòng 3 đến 5 ngày đầu điều trị như: hết sốt, giảm đau vùng hông lưng, nước tiểu không còn mủ hoặc máu,…. Nhưng hãy uống kháng sinh đủ liều theo hướng dẫn của bác sĩ.
Nếu nhiễm trùng nặng, bệnh nhân cần phải nhập viện để bác sĩ theo dõi sát và thường xuyên hơn. Bệnh nhân có thể được các bác sĩ chỉ định truyền dung dịch thuốc kháng sinh qua đường tĩnh mạch.
Nếu một người bị tái phát nhiều lần, bệnh nhân ấy cần phải đến các bác sĩ chuyên khoa sâu về thận, đường niệu để tìm nguyên nhân gây tái phát và điều trị kịp thời.
Trong những trường hợp viêm nhiễm ở thận do virus thì bệnh nhân sẽ tự khỏi, chỉ cần điều trị hỗ trợ như truyền dịch, hạ sốt, giảm đau. Đối với những trường hợp nhiễm trùng ở thận do nấm thì bác sĩ sẽ chỉ định thuốc kháng nấm.
Còn nếu bệnh nhân bị nhiễm trùng tại thận có nguyên nhân là ký sinh trùng thì thuốc diệt ký sinh trùng sẽ được chỉ định đầu tay như: Metronidazole, Mebendazol, Albendazol, Praziquantel,…
Phòng ngừa mắc bệnh
Để phòng bệnh nhiễm trùng ở thận một cách hiệu quả, chúng ta nên thực hiện các biện pháp sau:
- Uống nhiều nước mỗi ngày (từ 1,5 đến 2 lít nước).
- Đi tiểu mỗi khi có cảm giác mắc tiểu.
- Đi tiểu sau khi quan hệ tình dục.
- Vệ sinh cơ quan sinh dục hàng ngày.
- Khi có nóng sốt thì nên đi khám ngay để tránh biến chứng nhiễm trùng huyết dẫn đến thận bị nhiễm trùng.
- Không nên sử dụng thuốc xịt khử mùi hoặc thuốc nhuộm tùy tiện ở cơ quan sinh dục.
- Không nên sử dụng bao cao su hoặc màng chắn không đảm bảo vô khuẩn.