Vi khuẩn tụ cầu có hầu hết khắp mọi nơi trong môi trường tự nhiên. Vi khuẩn tụ cầu có thể gây bệnh cho người bất cứ lúc nào, mùa nào nhưng mùa hè, chúng thường gây nên một số bệnh nhiễm khuẩn cho con người, đặc biệt là trẻ em.
Nhiễm trùng tụ cầu khuẩn là bệnh gì?
Vi khuẩn tụ cầu là những vi sinh vật gây bệnh vô cùng phổ biến, có thể tìm thấy trên da, mũi ở hầu hết mọi người, bao gồm cả người khỏe mạnh.
Phần lớn trường hợp, những vi khuẩn này chỉ gây nên một số vấn đề nhiễm trùng da nhẹ. Tuy nhiên, đôi khi chúng có khả năng xâm nhập vào máu, khớp, xương, phổi hoặc tim và kéo theo nhiều hệ lụy nguy hiểm. Hiện nay, tỷ lệ người nhiễm khuẩn tụ cầu có nguy cơ bị đe dọa đến tính mạng đang có xu hướng ngày càng tăng.
Bệnh do tụ cầu khuẩn gây ra
Tụ cầu gây bệnh bằng cách:
- Xâm nhập mô trực tiếp.
- Đôi khi sản xuất ngoại độc tố.
Xâm nhập mô trực tiếp là cơ chế phổ biến nhất đối với bệnh tụ cầu, bao gồm:
- Nhiễm trùng da.
- Viêm phổi.
- Viêm nội tâm mạc.
- Viêm tủy xương.
- Viêm khớp nhiễm khuẩn.
Tụ cầu có thể xâm nhập trực tiếp vào mô cơ thể hoặc sản xuất ngoại độc tố có tác động kích hoạt cytokine phóng thích từ tế bào T nhất định gây ra ảnh hưởng hệ thống nghiêm trọng như tổn thương da, sốc, suy tạng, tử vong. Những bệnh lý gây ra bởi tụ cầu gồm có:
Độc tố tụ cầu gây bệnh bao gồm:
- Hội chứng sốc nhiễm độc.
- Hội chứng bong vảy da do tụ cầu.
- Ngộ độc thực phẩm do độc tố tụ cầu.
Những bệnh lý gây ra bởi tụ cầu gồm có:
- Nhiễm khuẩn huyết tụ cầu: Là tình trạng nhiễm khuẩn liên quan đến ống thông nội mạch hoặc các mô ngoại lai thường do nhiễm trùng khu trú tiên phát. Đây là nguyên nhân quan trọng có thể dẫn đến tử vong ở bệnh nhân suy nhược.
- Nhiễm trùng da do tụ cầu: Là tình trạng bệnh lý phổ biến nhất do tụ cầu gây nên. Bề mặt da nhiễm trùng có thể có mụn mủ và chốc lở lan rộng, viêm mô tế bào, nặng nề hơn có thể hình thành áp xe và hoại tử da.
- Nhiễm trùng sơ sinh do tụ cầu: Thường xuất hiện trong vòng 6 tuần sau sinh, gây tổn thương da có hoặc không bong vảy da ở trẻ và có thể dẫn tới viêm màng não.
- Viêm phổi do tụ cầu: Có thể bắt nguồn từ một nhiễm trùng tiểu ban đầu hoặc từ vị trí nhiễm trùng S. aureus khác trong cơ thể hoặc do tiêm chích ma túy. Bệnh thường đặc trưng bởi sự hình thành áp xe phổi tiến triển nhanh chóng thành túi khí hoặc mủ màng phổi CA-MRSA thường gây viêm phổi hoại tử nghiêm trọng.
- Viêm xương tủy xương do tụ cầu: Xảy ra phổ biến hơn ở trẻ em với các triệu chứng sốt, rét run, đau xương, các mô mềm sau đó trở nên đỏ và sưng. Hầu hết các nhiễm trùng đốt sống và đĩa đệm ở người lớn thường liên quan đến tụ cầu.
Yếu tố nguy cơ mắc bệnh
Những người có thể mắc tụ cầu gồm:
- Trẻ sơ sinh và các bà mẹ nuôi con bằng sữa mẹ.
- Bệnh nhân bị cúm, bệnh phổi mãn tính (ví dụ xơ nang, khí phế thũng), bệnh bạch cầu, khối u, rối loạn da mạn tính, đái tháo đường, bỏng.
- Bệnh nhân cấy ghép, vật liệu nhân tạo, các mô cơ quan ngoại lai khác, hoặc ống thông nội mạch bằng chất dẻo.
- Bệnh nhân dùng hooc môn thượng thận, chiếu xạ, thuốc ức chế miễn dịch hoặc hóa trị liệu chống ung thư.
- Người tiêm chích ma tuý.
- Bệnh nhân bị bệnh thận mãn tính và đang được điều trị bằng chạy thận.
- Bệnh nhân có vết mổ, vết thương hở hoặc bỏng.

Dấu hiệu nhận biết nhiễm trùng tụ cầu khuẩn
Viêm da tụ cầu
Đối với trường hợp viêm da do nhiễm tụ cầu khuẩn, người bệnh sẽ phải đối mặt với các vấn đề như:
- Nhọt.
- Chốc.
- Viêm mô tế bào.
- Hội chứng bỏng da.
Ngộ độc thực phẩm
Đôi khi, vi khuẩn tụ cầu cũng có khả năng liên quan đến tình trạng ngộ độc thực phẩm. Trong trường hợp này, người bệnh thường có những biểu hiện gồm:
- Buồn nôn và ói mửa.
- Tiêu chảy.
- Mất nước.
- Hạ huyết áp.
Viêm khớp
Loại vi khuẩn này thường đứng sau vấn đề viêm khớp nhiễm khuẩn. Mặc dù đầu gối là bộ phận thường bị ảnh hưởng nhất nhưng đôi khi, bệnh cũng có khả năng xảy ra ở những khớp khác như mắt cá, hông, cổ tay, khuỷu tay, vai hoặc cột sống.
Các dấu hiệu và triệu chứng viêm khớp nhiễm khuẩn tụ cầu có thể bao gồm:
- Đau nhức và sưng khớp.
- Sốt.
Nhiễm khuẩn nghiêm trọng
Mặt khác, khi vi khuẩn xâm nhập vào máu hoặc các cơ quan nội tạng, một loạt triệu chứng nghiêm trọng sẽ đột ngột phát sinh, chẳng hạn như:
- Sốt cao.
- Buồn nôn và ói mửa.
- Phát ban trên lòng bàn tay và lòng bàn chân, tương tự như bị cháy nắng.
- Lú lẫn.
- Đau cơ.
- Tiêu chảy nặng.
- Đau bụng.
- Viêm khớp tự hoại.
Chẩn đoán nhiễm trùng tụ cầu khuẩn
Để chẩn đoán nhiễm trùng tụ cầu khuẩn, bác sĩ sẽ tiến hành một số thủ thuật như:
- Thăm khám tổng quát.
- Nuôi cấy mẫu mô.
- Siêu âm tim.
- Xét nghiệm hình ảnh.
Biện pháp điều trị bệnh nhiễm trùng tụ cầu khuẩn
Nguyên tắc điều trị
Nguyên tắc điều trị nhiễm khuẩn do tụ cầu gồm có:
- Điều trị cục bộ: Mở ổ áp xe, rạch vết thương để hở, tháo catheter.
- Kháng sinh điều trị được lựa chọn tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của nhiễm trùng và tình trạng kháng sinh có mặt tại cơ sở y tế.
- Ngoài ra việc lựa chọn kháng sinh còn phụ thuộc vào vị trí nhiễm trùng, bệnh nặng và tình trạng đề kháng của chủng vi khuẩn.
- Nếu nhiễm trùng liên quan đến các thiết bị hoặc bộ phận giả thì cần loại bỏ nhanh chóng nguy cơ nhiễm khuẩn này.
Điều trị bằng thuốc
Điều trị nhiễm khuẩn tụ cầu có thể bao gồm:
Kháng sinh
Các loại thuốc kháng sinh thường được chỉ định trong điều trị nhiễm khuẩn tụ cầu gồm:
- Cephalosporin.
- Nafcillin.
- Thuốc sulfa.
- Vancomycin.
Trong đó, tiêm tĩnh mạch vancomycin thường được áp dụng cho các trường hợp nhiễm trùng nghiêm trọng vì nhiều chủng vi khuẩn tụ cầu đang có dấu hiệu kháng kháng sinh.
Khi áp dụng phương pháp điều trị này, bạn cần lưu ý tuân theo đúng chỉ định của bác sĩ. Tuyệt đối không tự ý ngưng thuốc vì bất kỳ lý do gì, kể cả khi các dấu hiệu có xu hướng thuyên giảm.
Dẫn lưu
Bác sĩ có thể rạch miệng vết thương bị nhiễm trùng để dẫn lưu dịch mủ thoát ra ngoài.
Gỡ bỏ thiết bị
Nếu nhiễm trùng liên quan đến thiết bị hoặc bộ phận giả, bạn cần loại bỏ nhanh chóng. Đối với một số thiết bị, việc loại bỏ có thể cần đến phẫu thuật.

Những thói quen sinh hoạt giúp bạn phòng ngừa hoặc hạn chế diễn tiến của bệnh nhiễm trùng tụ cầu khuẩn
Một số thói quen dưới đây có thể giúp bạn ngăn ngừa hoặc hạn chế diễn tiến của tình trạng nhiễm trùng này, bao gồm:
- Rửa tay đúng cách với xà phòng và nước sạch hoặc cồn rửa tay.
- Thường xuyên vệ sinh và thay băng vết thường hở miệng.
- Không dùng chung vật dụng cá nhân.
- Giặt quần áo và drap giường với nước ấm.
Leave a reply