Nhọt ống tai ngoài là bệnh thường gặp vào mùa hè do tụ cầu khuẩn gây ra, làm người bệnh cảm thấy khó chịu, ảnh hưởng tới sức khỏe. Nếu không được điều trị kịp thời, nhọt ống tai ngoài có thể gây biến chứng nguy hiểm.
Nhọt ống tai ngoài là gì?
Nhọt ống tai ngoài là tình trạng viêm nhiễm khu trú ở một vị trí của ống tai ngoài, bệnh hay gặp ở một bên tai và vào mùa hè. Bệnh thường do nhóm tụ cầu khuẩn xâm nhập vào tuyến bã nhờn và nang lông ở ống tai ngoài.
Nguyên nhân gây nhọt ống tai ngoài
- Ngoáy tai bằng vật cứng, bẩn gây xước da ống tai.
- Viêm ở nang lông hay tuyến bã.
- Chàm ống tai hoặc chảy mủ tai.
- Đối tượng dễ mắc bệnh là những cơ địa suy giảm miễn dịch, sức đề kháng kém (bệnh mạn tính, đái tháo đường,…)

Triệu chứng thường gặp khi nhọt ống tai ngoài
Khi bị nhọt ống tai ngoài, người bệnh sẽ thấy xuất hiện các triệu chứng như:
- Đau tai, đau tỏa lan ra vùng thái dương, gáy, đau mỗi khi há miệng, nhai hoặc khi ấn vào vành tai
- Thính lực vẫn bình thường hoặc giảm nhẹ.
- Soi tai thấy nốt gờ màu đỏ hồng, chạm vào đau, da xung quanh bị phù nề, lòng ống tai bị thu hẹp, màng nhĩ khó xem được.
- Nhọt ống tai ngoài nếu không được phát hiện và điều trị sớm sẽ gây ra một số biến chứng như viêm hạch sau tai, viêm hạch xung quanh tai.
Nhọt ống tai có nguy hiểm không?
Bệnh lý này là bệnh nhẹ, có thể xử lý bằng những thao tác chuyên khoa đơn giản. Nhưng nếu không điều trị kịp thời thì sẽ gây ra nhiều biến chứng:
- Viêm bạch mạch sau tai: Da vùng sau tai bị sưng, đỏ, nóng và đau. Ngón tay ấn vào bờ sau xương chũm không làm đau bệnh nhân.
- Viêm hạch chung quanh tai: Nếu người bệnh có kháng thể kém, viêm hạch có thể dẫn đến mưng mủ hạch.
- Viêm tai giữa: Bệnh lý rất nguy hiểm. Tai bị mưng mủ đặc, thậm chí nặng hơn có thể gây thủng màng nhĩ.
- Viêm xương chũm cấp: Gây đau ở sau và trên tai. Khi chụp phim, bệnh nhân viêm xương chũm bị tổn thương về xương chũm nghiêm trọng.

Điều trị nhọt ống tai ngoài
Giai đoạn nhọt còn nhỏ
- Kháng sinh, kháng viêm, giảm đau toàn thân.
- Nhỏ thuốc tai tại chỗ chứa kháng sinh và kháng viêm corticoid.
Giai đoạn nhọt đã chín
- Chích xẻ nhọt dưới gây tê tại chỗ bằng Lidocain 10%.
- Dùng lưỡi dao 11 hoặc đầu kim 18 để xẻ nhọt.
- Sau xẻ nặng sạch mủ, sát khuẩn bằng dung dịch Betadine.
- Đặt đoạn meche tẩm Betadine vào ống tai.
- Toàn thân: Kháng sinh, kháng viêm, giảm đau.
- Sau khi xẻ nhọt bệnh nhân dùng thuốc ngoại trú, hằng ngày bệnh nhân phải đến kiểm tra lại vết xẻ đến khi ổn định.
Giai đoạn nhọt đã tự vỡ
- Vệ sinh tại chỗ ống tai.
- Hút sạch mủ.
- Đặt đoạn meche tẩm Betadine vào ống tai.
- Toàn thân: Kháng sinh, kháng viêm, giảm đau.
- Hướng dẫn bệnh nhân tự chăm sóc tại chỗ bằng dung dịch Betadine 2 lần/ ngày đến khi ổn định.
Bệnh nhọt ống tai gây đau nhức, khó chịu cho người mắc. Muốn bệnh không làm ảnh hưởng lớn đến đời sống thường ngày, phải điều trị kịp thời cũng như biết cách vệ sinh hợp lý để tai không bị nhọt. Việc chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh là nhọt tai đơn thuần hay bệnh lý viêm tai giữa phối hợp rất quan trọng. Bạn nên đi khám sớm để được điều trị và chăm sóc khác phục tình trạng nhọt tai, hồi phục sức khỏe.
Leave a reply