Nhồi máu cơ tim cấp là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở mọi độ tuổi, đặc biệt là những người mắc bệnh mạch vành. Việc tìm hiểu về bệnh là rất quan trọng để mỗi chúng ta có thể phòng ngừa, xử lý tốt khi mắc. Điều trị nhồi máu cơ tim càng sớm, khả năng cứu sống càng cao, tỉ lệ biến chứng cũng được kiểm soát.
Nhồi máu cơ tim là gì?
Nhồi máu cơ tim là tình trạng cơ tim bị thiếu máu nuôi và hoại tử do mạch vành (mạch máu nuôi cơ tim) bị tắc nghẽn đột ngột bởi cục huyết khối trong lòng mạch. Nếu 1 vùng cơ tim bị chết do thiếu máu, lúc này chức năng bơm máu của tim không còn toàn vẹn như trước gây nên các hậu quả như suy tim, sốc tim, đột tử do tim,…
Thời gian vàng để cứu cơ tim là trong giờ đầu sau khi xuất hiện cơn đau ngực. Nếu tắc nghẽn kéo dài trên 3 giờ thì cơ tim hầu như bị tổn thương khó hồi phục dù được được điều trị tái thông mạch vành.
Nguyên nhân gây nhồi máu cơ tim
Nguyên nhân thường gặp nhất của nhồi máu cơ tim là xơ vữa động mạch. Tình trạng này xảy ra là do mảng xơ vữa tích tụ dần theo thời gian và bám vào thành mạch máu, thành phần cấu thành bao gồm cholesterol, canxi, mảnh vỡ tế bào.
Từ khoảng 30 tuổi, trong cơ thể người bệnh bắt đầu tiến trình hình thành và phát triển mảng xơ vữa. Quá trình này diễn ra từ vài năm đến vài chục năm.
Một số yếu tố nguy cơ như:
- Tăng huyết áp.
- Hút thuốc lá.
- Rối loạn lipid máu.
- Đái tháo đường góp phần thúc đẩy tổn thương mạch máu theo thời gian.
Chính những rối loạn này làm thành mạch máu dễ bị các phân tử cholesterol lắng đọng và bám vào. Nơi mảng xơ vữa bám vào thành mạch bị viêm, đến 1 thời điểm mảng xơ vữa này bị bong tróc và nứt vỡ thúc đẩy hình thành cục máu đông làm bít tắc lòng mạch máu. Khi lòng mạch bị bít tắc dẫn đến vùng cơ tim phía sau không được đưa máu đến nuôi hậu quả gây hoại tử và chết vùng cơ tim đó gây nên nhồi máu cơ tim.
Những triệu chứng của bệnh
Dấu hiệu điển hình nhất của cơn nhồi máu cơ tim cấp đó là đau ngực và khó thở. Triệu chứng đau thắt ngực rất rõ ràng, cảm giác như bị bóp nghẹt cùng với khó thở khiến bệnh nhân đau đớn, quằn quại hoặc nằm gục.
Cùng với đó, các triệu chứng nhồi máu cơ tim khác khá đa dạng và không phải người bệnh nào cũng gặp phải như:
- Khó thở.
- Tức nặng ngực.
- Đổ mồ hôi lạnh.
- Nhịp tim đập nhanh.
- Choáng váng, chóng mặt đột ngột.
- Buồn nôn và nôn.
- Đau lan ra ngực, lưng hàm và các khu vực khác thuộc nửa trên cơ thể.
Sau khoảng 20 phút không được cấp máu và oxy, tế bào cơ tim có thể bị tổn thương không thể phục hồi. Vì thế thời gian can thiệp y tế là rất quan trọng, quyết định bệnh nhân có được cứu sống và có thể gặp biến chứng sức khỏe sau này hay không.
Nếu không được sơ cứu đúng cách và can thiệp kịp thời, người bị nhồi máu cơ tim cấp có thể gặp các biến chứng nghiêm trọng như:
- Suy tim nặng hoặc sốc tim: Người bệnh khó thở, huyết áp thấp cần được hỗ trợ máy thở, thuốc vận mạch, dụng cụ hỗ trợ tim (bóng đối xung động mạch chủ),…
- Rối loạn nhịp, có thể dẫn đến đột tử.
- Hở van 2 lá nặng do đứt dây chằng lá van.
- Thủng cơ tim ở vách liên thất gây thông nối thất trái và thất phải.
- Thủng vách tim ở thành tự do gây tràn máu màng tim hoặc vỡ tim.
Chuẩn đoán và điều trị
Chuẩn đoán bệnh nhồi máu cơ tim
Khi người bệnh đến bệnh viện với các triệu chứng như đã mô tả ở trên kèm theo các triệu chứng khác ghi nhận được lúc thăm khám, các bác sĩ sẽ tiến hành 1 số các xét nghiệm chuyên sâu giúp hỗ trợ trong chẩn đoán bệnh:
- Đo điện tâm đồ thường quy.
- Điện tâm đồ gắng sức.
- Siêu âm tim 4D.
- Siêu âm tim gắng sức.
- Xét nghiệm máu tìm các dấu hiệu của hoại tử cơ tim như men Troponin I, Troponin T.
- CT động mạch vành.
- Chụp động mạch vành bằng DSA.
Điều trị nhồi máu cơ tim
Phải phát hiện sớm bệnh lý động mạch vành nên khi khách hàng có những yếu tố nguy cơ về tim mạch, có những triệu chứng trên thì phải đi khám và sàng lọc tim mạch sớm nhất.
Điều trị hỗ trợ
- Nếu người bệnh có giảm Oxy máu sẽ được hỗ trợ thở Oxy.
- Được sử dụng các thuốc giảm đau ngực.
- Được sử dụng một số thuốc kiểm soát nhịp tim, hoặc những thuốc góp phần tốt cho co bóp của tim sau này.
Điều trị chính
- Can thiệp mạch vành (PCI): Đây là một thủ thuật thực hiện bởi các bác sĩ chuyên khoa can thiệp tim mạch. Trong thủ thuật người bệnh vẫn còn tỉnh và có thể quan sát tiến trình thủ thuật trên màn hình video. Bác sĩ sẽ tiêm thuốc tê tại vị trí đùi hoặc cổ tay của người bệnh. Hệ thống ống dẫn được luồn tại đùi hoặc cổ tay theo mạch máu về hướng về tim. Dựa vào hình ảnh thu được trên màn hình chụp, các bác sĩ tìm được vị trí tắc đồng thời thực hiện đặt stent (ống thông) vào mạch máu bị tắc. Stent bung lên giúp máu lưu thông lại bình thường.
- Mổ bắc cầu mạch vành (CABG): Bệnh nhân được gây mê và phẫu thuật tiến hành trong phòng mổ tại khoa Phẫu thuật tim. Những đoạn mạch máu được lấy từ những nơi khác trong cơ thể được làm cầu nối phía trước và sau nơi tắc giúp máu đi theo đoạn mạch máu ghép đến nuôi cơ tim phía dưới. Đoạn mạch máu được lấy đi chỉ là 1 phần rất nhỏ trong hệ thống mạch máu phong phú của cơ thể nên sẽ không làm ảnh hưởng đến hoạt động của những cơ quan này.
Xử lý gì khi mình hoặc người thân bị nhồi máu cơ tim?
Nên
- Dùng các thuốc được bác sĩ chỉ định nếu bản thân đã được chẩn đoán bị các bệnh tim mạch.
- Gọi cấp cứu.
- Nếu bạn đã được học sơ cứu thì nên thực hiện ngay.
Không nên
- Cố gắng sơ cứu nếu chưa được đào tạo vì có thể khiến tình trạng tồi tệ hơn.
- Không để cho người đang có triệu chứng lái xe vì nguy cơ gây ra tai nạn rất cao.
- Tự ý dùng các thuốc mà chưa được bác sĩ chuyên khoa cho phép.
Phòng ngừa nhồi máu cơ tim hiệu quả
Kiểm tra sức khỏe định kỳ
- Cần tiến hành kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện những yếu tố nguy cơ gây bệnh, nhất là kiểm tra cholesterol toàn phần.
Loại bỏ các yếu tố nguy cơ gây bệnh
- Hút thuốc lá: Hút thuốc lá là nguyên nhân dẫn đến nhồi máu cơ tim cũng như nhiều bệnh lý nguy hiểm khác như ung thư phổi.
- Duy trì cân nặng hợp lý: Tăng cân quá nhiều, béo phì sẽ dẫn tới lượng cholesterol trong máu tăng cao hơn. Bên cạnh đó, cũng có thể dẫn tới các bệnh lý khác như tiểu đường, huyết áp tăng.
Chế độ dinh dưỡng khoa học, ít chất béo
- Hạn thực phẩm nhiều chất béo, đồ chiên rán.
- Nên ăn đồ luộc, hấp.
- Không nên ăn quá nhiều thịt trong 1 ngày.
- Ăn nhiều rau xanh và trái cây.
Tránh stress, căng thẳng
Tập thể dục đều đặn
Bệnh nhồi máu cơ tim rất nguy hiểm vì khả năng gây tử vong cao và để lại nhiều biến chứng nặng nề. Tuy nhiên, bệnh hoàn toàn có thể phòng tránh hoặc giảm bớt các biến chứng bằng lối sống lành mạnh và thực hiện tầm soát tim mạch định kỳ theo chỉ định của bác sĩ.