Bệnh suy thận mạn tính là bệnh nguy hiểm, bệnh sẽ tiến triển qua từng giai đoạn theo mức độ nặng dần. Suy thận mạn giai đoạn cuối là trầm trọng nhất và thường có chỉ định phải thay thế thận để duy trì sự sống.
Bệnh suy thận
Suy thận hay tổn thương thận là tình trạng suy giảm chức năng thận. Có nhiều nguyên nhân và bệnh lý có khả năng gây ra tình trạng suy thận như:
- Một số bệnh cấp tính và mãn tính.
- Tiếp xúc với chất độc hại, thuốc.
- Mất nước nghiêm trọng.
- Lưu lượng máu đến thận không đủ cung cấp cho thận.
- Chấn thương thận do lực tác động bên ngoài.
Khi chức năng thận bị suy giảm có thể khiến cơ thể bệnh nhân quá tải với các chất độc hại. Điều này có thể đe dọa đến tính mạng nếu không được điều trị.
Về thời gian mắc bệnh, người ta thường chia thành hai nhóm bệnh là suy thận cấp (thuật ngữ chuyên môn gọi là tổn thương thận cấp) và suy thận mạn (thuật ngữ chuyên môn gọi là bệnh thận mạn).
Suy thận cấp
Suy thận cấp là hội chứng suy giảm hoặc mất chức năng tạm thời, cấp tính của cả 2 thận, do ngừng hoặc suy giảm nhanh chóng mức lọc cầu thận dẫn tới thiểu niệu hoặc vô niệu, rối loạn cân bằng nước- điện giải, rối loạn cân bằng toan- kiềm, phù và tăng huyết áp.
Suy thận cấp sau một thời gian từ vài ngày đến vài tuần, khi nguyên nhân gây tổn thương thận được loại trừ, chức năng thận có thể dần dần phục hồi trở lại bình thường hoặc gần bình thường. Tuy nhiên, trong thời gian thận mất chức năng, bệnh nhân có thể chết vì các biến chứng, hậu quả của suy thận cấp.
Suy thận mạn tính
Suy thận mạn là hậu quả cuối cùng của những bệnh thận – tiết niệu mạn tính, khiến chức năng của thận bị suy giảm dần tương ứng với số lượng nephron của thận bị tổn thương, mất chức năng không phục hồi. Suy thận mạn làm giảm mức lọc cầu thận, rối loạn điện giải, tăng huyết áp và thiếu máu mạn tính, loãng xương – nhuyễn xương – gãy xương.
Bệnh tiến triển từ từ, nặng lên theo từng đợt, cuối cùng dẫn tới suy thận mạn giai đoạn cuối. Hai thận khi đó đã mất chức năng hoàn toàn, đòi hỏi người bệnh phải điều trị thay thế thận như lọc máu (chạy thận, lọc màng bụng), ghép thận… Quá trình điều trị tốn kém rất nhiều chi phí, khiến người bệnh mệt mỏi, chán nản. Do đó, bệnh suy thận cần được chẩn đoán, điều trị kịp thời nhằm cải thiện triệu chứng bệnh, đồng thời kéo dài thời gian chuyển thành suy thận giai đoạn cuối, nâng cao tuổi thọ cho người bệnh.
Các giai đoạn của bệnh
Hội Thận học quốc tế (ISN = International Society of Nephrology) và Hội Thận học quốc gia Hoa Kỳ (National Kidney Foundation) đã chia bệnh thành 5 giai đoạn dựa trên độ lọc cầu thận (GFR) gồm:
- Giai đoạn 1: GFR bình thường hay cao, GFR > 90 mL/phút.
- Giai đoạn 2: GFR khoảng 60 – 89 mL/phút.
- Giai đoạn 3: Suy thận độ 3A (GFR khoảng 45 – 59 mL/phút), suy thận độ 3B (GFR khoảng 30 – 44 mL/phút).
- Giai đoạn 4: GFR khoảng 15 – 29 mL/phút.
- Giai đoạn 5: GFR < 15 mL/phút.
Suy thận mạn tính giai đoạn 1 và 2
Tổn thương thận ở giai đoạn này thường chưa nghiêm trọng. Đặc điểm chung của hai giai đoạn này là triệu chứng bệnh chưa rõ ràng, chỉ khởi phát theo đợt. Vì thế, người bệnh rất khó nhận ra bệnh. Trong các đợt khởi pháp cấp tính của suy thận mạn, người bệnh sẽ cảm thấy chán ăn, thiếu máu nhẹ, tiểu đêm nhiều, cảm giác mệt mỏi, đau tức hai bên thắt lưng.
Phần lớn người bệnh rất khó phát hiện mình mắc suy thận mạn ở giai đoạn 1 và 2. Họ chỉ tình cờ phát hiện khi đi kiểm tra sức khỏe hay thăm khám bệnh lý khác. Khi phát hiện bệnh trong giai đoạn này, người bệnh được điều trị đúng phương pháp kết hợp chế độ ăn uống hợp lý, có thể kiểm soát tốt tình trạng bệnh và ngăn ngừa triệu chứng tiến triển.
Suy thận mạn giai đoạn 3
Trong giai đoạn này, chức năng của thận đã bị suy giảm rõ. Triệu chứng có thể chưa rõ ràng, nhiều trường hợp vẫn không xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào hoặc khá mơ hồ, khiến người bệnh nghĩ mình mắc bệnh nào đó “nhẹ nhàng” hơn như mệt mỏi, ăn kém,… Một số người bệnh ở đợt khởi phát cấp có thể xuất hiện các triệu chứng như đau lưng, phù mí mắt, sưng chân và tay, đi tiểu với lượng nhiều hay ít hơn bình thường.
Bác sĩ thường chia bệnh suy thận mạn ở giai đoạn 3 thành 2 mốc là 3A và 3B. Trong giai đoạn 3A, khả năng lọc cầu thận giảm sâu so với độ 2. Người bệnh rơi vào tình trạng thiếu máu, thường gặp các vấn đề xương khớp. Trong giai đoạn 3B, thận đã bị tổn thương nghiêm trọng. Mức lọc cầu thận đã giảm nặng. Người bệnh dễ gặp biến chứng nguy hiểm. Người bệnh trong giai đoạn này sẽ có tiên lượng khác nhau nếu có kèm biểu hiện có hay không có tiểu đạm, tiểu đạm vi thể hay đại thể với mức độ nặng tăng theo lần lượt.
Suy thận mạn giai đoạn 4
Trong giai đoạn 4, biểu hiện lâm sàng đã xuất hiện rõ ràng. Người bệnh có thể gặp một số triệu chứng do suy giảm chức năng lọc máu của thận như da xanh xao, tăng huyết áp, xuất huyết đường tiêu hóa, chán ăn, tiểu đêm nhiều, buồn nôn, phù nề và ngứa toàn thân, thường xuyên đau nhức đầu, đau nhức xương khớp…
Chất độc tích tụ trong máu càng nhiều vì chức năng lọc máu của thận đã suy giảm, triệu chứng bệnh càng rõ ràng, nhất là tình trạng nhiễm độc. Nếu không chữa trị kịp thời, người bệnh có thể gặp một số biến chứng nguy hiểm như suy tim, tăng huyết áp, phù não, phù phổi, đái tháo đường, đau quặn hai bên hông… Để cải thiện triệu chứng và giảm nguy cơ tổn thương nội tạng, người bệnh đôi khi cần được chạy thận sớm, đặc biệt nếu suy thận do nguyên nhân đái tháo đường để giúp loại bỏ nước dư thừa và các chất độc trong máu.
Suy thận mạn tính giai đoạn 5
Đây là giai đoạn bệnh suy thận nghiêm trọng nhất. Thận đã tổn thương vô cùng nghiêm trọng với mức lọc cầu giảm thấp (<15mL/phút). Người bệnh xuất hiện nhiều triệu chứng lâm sàng do nhiều cơ quan đã bị nhiễm độc, nhất là tim mạch, tiêu hóa, thần kinh, hô hấp da và máu.
Người bệnh suy thận giai đoạn 5 cần phải chạy thận nhân tạo hoặc lọc màng bụng thường xuyên nhằm duy trì sự sống và cải thiện tình trạng bệnh. Ghép thận ở giai đoạn này sẽ là phương pháp điều trị hiệu quả, mang lại hy vọng sống lâu dài cho người bệnh.
Điều trị suy thận mạn tính giai đoạn cuối
Việc điều trị suy thận mạn nói chung chủ yếu là phương pháp điều trị nội khoa bằng thuốc, trong đó chế độ ăn là quan trọng nhất, bệnh nhân cần hạn chế đạm và các loại trái cây nhiều kali, kẽm, nước.
Suy thận mạn là tình trạng suy giảm từ từ và không hồi phục chức năng thận bao gồm 5 giai đoạn, khi đến suy thận mạn giai đoạn 5 thì chức năng thận đã suy giảm rất trầm trọng. Khi bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối sẽ có chỉ định điều trị thay thế thận, bao gồm 3 phương pháp: ghép thận, thận nhân tạo và lọc màng bụng.
Ghép thận
Ghép thận là lấy thận của người khỏe mạnh ghép cho người suy thận mạn giai đoạn cuối, thận ghép sẽ hoạt động như thận của người bình thường. Tuy nhiên rất khó để tìm được người cho thận và phù hợp với người nhận, chi phí của phương pháp này khá cao. Ngoài ra, bệnh nhân còn phải đối diện với nguy cơ thải ghép và các tác dụng phụ của thuốc thải ghép.
Chạy thận nhân tạo
Phương pháp thứ 2 là thận nhân tạo, đối với phương pháp này bệnh nhân cần đến bệnh viện 1 tuần 2 – 4 lần, thời gian chạy thận kéo dài 4 – 6 tiếng tùy tình trạng bệnh nhân. Vào ngày không chạy thận thì có thể đi lại hoạt động bình thường. Tuy nhiên, trong thời gian chạy thận, bệnh nhân phải hạn chế nước, không ăn các loại trái cây nhiều kali. Trường hợp sử dụng chung máy chạy thận với bệnh nhân khác có nguy cơ nhiễm Viêm gan B ,C rất cao.
Lọc màng bụng
Phương pháp cuối cùng là lọc màng bụng. Màng bụng là một màng bán thấm cho nước và các chất hòa tan đi qua, chính vì vậy người ta đã lợi dụng cơ chế này để lọc các chất cặn bã ra khỏi cơ thể. Phương pháp này khá đơn giản, bệnh nhân sẽ được huấn luyện các kỹ thuật để trang bị hằng ngày tại nhà. Mỗi tháng một lần bệnh nhân đến bệnh viện tái khám và nhận dịch. Bệnh nhân có thể sắp xếp thời gian linh hoạt, có thể ăn nhiều rau và trái cây để bù lượng kali bị mất trong quá trình lọc, chất lượng cuộc sống được cải thiện nhiều. Tuy nhiên, phương pháp này luôn cần mang một ống thông ở trên người, tỷ lệ nhiễm trùng cao, người lớn tuổi thì cần người hỗ trợ.
Đối với bệnh suy thận mạn, chế độ ăn uống là rất quan trọng. 3 phương pháp điều trị suy thận mạn giai đoạn cuối, việc lựa chọn phương pháp nào tùy thuộc vào điều kiện và tình hình sức khỏe của bệnh nhân, bệnh nhân cần được bác sĩ điều trị tư vấn để lựa chọn phương pháp phù hợp.
Leave a reply