Suy thận mãn tính là bệnh lý khá phổ biến hiện nay. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến suy thận, trong đó việc sử dụng thuốc sai cách là một trong những nguyên nhân thường bị mọi người lơ là. Mỗi loại thuốc bạn đưa vào cơ thể đều trôi qua thận. Nếu bạn không dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ hoặc nếu thuốc không hợp với cơ thể thì thuốc có thể gây tổn thương đến thận. Vậy những loại thuốc gây hại thận bao gồm những loại nào?
Một số thuốc sau có thể ảnh hưởng đến thận vì chúng có thể làm giảm lượng máu cung cấp cho thận bằng cách làm hẹp mạch máu, gây cản trở dòng chảy của nước tiểu, trực tiếp gây thương tích cho thận hoặc gây phản ứng dị ứng làm tổn thương đến thận.
Những loại thuốc gây hại đến thận
Thận là một trong những cơ quan có chức năng quan trọng trong cơ thể. Khi các chức năng của thận không làm việc hiệu quả đồng nghĩa với tình trạng bị suy thận. Có nhiều nguyên nhân khác gây suy thận và một trong số đó là sử dụng các loại thuốc điều trị.
Thuốc kháng sinh gây hại cho thận
Kháng sinh là loại thuốc đầu tiên và hay gặp nhất có thể gây suy thận khi sử dụng không đúng chỉ định. Mỗi nhóm hoặc loại kháng sinh khác nhau gây tổn thương đến thận theo nhiều cách khác nhau.
- Một số kháng sinh khi hoạt động có thể tạo ra các tinh thể bền chắc, khó bị vỡ và bám vào đường lưu thông của nước tiểu người bệnh;
- Thuốc kháng sinh gây tổn thương các tế bào trong quá trình thận lọc để đào thải chúng ra ngoài;
- Một số người bệnh dị ứng với kháng sinh và gây ảnh hưởng đến chức năng thận.
Những tác động này sẽ tăng nguy cơ xảy ra trong trường hợp bệnh nhân sử dụng kháng sinh sai cách, dùng kéo dài hoặc liều lượng cao hơn chỉ định của bác sĩ.
Thuốc giảm đau
Dùng lượng lớn thuốc giảm đau không kê toa như aspirin, acetaminophen và ibuprofen có thể gây tổn hại không chỉ cho gan mà còn làm hại cho thận.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng trung bình dùng một lần thuốc mỗi ngày trong ít nhất một năm sẽ làm tăng gấp đôi nguy cơ suy thận. Đối với hầu hết những người thỉnh thoảng dùng một hoặc hai viên thuốc khi bị nhức đầu thì việc dùng thuốc được cho là an toàn. Một kết luận khác từ nghiên cứu là việc không sử dụng nhiều acetaminophen có thể ngăn ngừa 10% các trường hợp suy thận, là tình trạng đe dọa tính mạng cần phải chạy thận.
Nguy cơ suy thận tăng khoảng 40% ở những người dùng acetaminophen từ mức 2 lần trong một tuần đến một lần trong ngày trong vòng ít nhất một năm so với những người không thường sử dụng thuốc. Nguy cơ trên tăng gấp đôi ở những người dùng thuốc trung bình một lần hoặc nhiều hơn mỗi ngày trong vòng ít nhất một năm.
Thuốc chống viêm không steroid cũng có liên quan đến việc làm tổn hại cho thận, mặc dù mối quan hệ này ít rõ ràng hơn so với acetaminophen.
Thuốc lợi tiểu
Đây là nhóm thuốc giúp thận tăng quá trình lọc để bài tiết nước tiểu nhiều hơn, thuốc được chỉ định như một thuốc huyết áp, thuốc trị suy tim hoặc điều trị tình trạng sưng phù. Thuốc lợi tiểu giúp thải bớt lượng dịch dư thừa bên trong cơ thể, tuy nhiên tác dụng không mong muốn của nhóm thuốc này là có thể khiến bệnh nhân bị mất nước và vô tình gây tổn thương cho 2 quả thận.
Thuốc nhuận tràng kê theo toa
Nhìn chung, thuốc nhuận tràng không kê theo toa thì an toàn cho hầu hết người dùng. Tuy nhiên, một số thuốc nhuận tràng kê theo toa dùng để làm sạch ruột (thường dùng trước khi nội soi đại tràng) có thể gây hại cho thận.
Thuốc chống viêm không steroid (NSAID)
Điều quan trọng nhất đối với các bệnh nhân sử dụng thuốc giảm đau kháng viêm NSAID dạng không kê đơn (như aspirin, ibuprofen hoặc naproxen) hoặc được bác sĩ kê đơn đó là: không sử dụng thuốc quá thường xuyên (lạm dụng), dùng trong thời gian dài hơn hoặc sử dụng thuốc liều cao hơn chỉ định bác sĩ. Nguyên nhân là do việc lạm dụng thuốc giảm đau NSAID là nguyên nhân gây ra đến 5% trường hợp suy thận mãn tính hàng năm.
Thuốc ức chế bơm proton (PPI)
Thuốc ức chế bơm proton được chỉ định trong điều trị các vấn đề dạ dày như chứng ợ nóng, viêm loét dạ dày tá tràng và trào ngược dạ dày thực quản. Tác dụng của nhóm thuốc này là giảm lượng axit trong dạ dày người bệnh, tuy nhiên các nghiên cứu gần đây đã chứng minh nếu sử dụng thuốc trong thời gian dài có thể làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề về thận nghiêm trọng, thậm chí có thể dẫn đến suy thận.
Một nhóm thuốc khác giúp điều trị các bệnh lý tương tự là thuốc kháng histamin H2. Nhóm thuốc này có ưu điểm là ít gây ra những vấn đề liên quan đến thận hơn so với thuốc ức chế bơm proton. Do đó những bệnh nhân có chỉ định PPI điều trị kéo dài cần trao đổi với bác sĩ về việc chuyển sang một loại thuốc khác vừa giúp điều trị hiệu quả vừa hạn chế tổn thương đến thận.
Những loại thuốc gây hại cho thận khác
Những bệnh nhân đã có bệnh lý thận mãn tính trước đây cần lưu ý khi sử dụng một số loại thuốc sau vì chúng có thể làm chức năng thận xấu hơn hoặc suy thận vĩnh viễn, bao gồm:
- Thuốc điều trị cholesterol máu.
- Thuốc kiểm soát đái tháo đường.
- Thuốc kháng acid dạ dày.
- Thuốc kháng nấm và kháng vi-rút.
Không chỉ thuốc tây y mà một số thuốc y học dân tộc nếu sử dụng không đúng cách cũng có thể gây hại cho thận. Đặc biệt là các loại thuốc đóng gói sẵn và dán nhãn “gia truyền” bày bán trôi nổi trên thị trường mà không được Bộ Y tế (Cục quản lý Dược) cấp phép lưu hành thực sự là mối họa khôn lường. Nhiều thuốc gây hại thận dần dần mà chẳng có triệu chứng gì, đến khi làm tăng creatinin máu thì đã làm thận suy rất nặng.
Bên cạnh tác dụng điều trị thì một số loại thuốc có thể gây hại cho thận, đặc biệt là khi người bệnh sử dụng sai liều lượng. Vì thế để đảm bảo hiệu quả, cũng như tránh gây hại cho thận, người bệnh cần khai rõ tiền sử bệnh và thực hiện theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ.