Nhuyễn xương là một kết quả từ khiếm khuyết trong quá trình tạo xương trong cơ thể. Ở mức độ nhẹ, biểu hiện của nhuyễn xương rất nghèo nàn và thường bị bỏ qua như còi xương ở trẻ em. Tuy nhiên ở mức độ nặng có thể gây ra đau xương, yếu cơ khiến vận động trở nên khó khăn.
Nhuyễn xương là gì?
Nhuyễn xương là từ chỉ tình trạng mềm xương ở người bị khiếm khuyết trong quá trình tạo xương. Nguyên nhân chính gây ra tình trạng này là do thiếu hụt vitamin D trầm trọng. Bệnh có biểu hiện rất ít, hoặc chủ yếu được xác định ở tình trạng giống như còi xương ở trẻ em. Ngoài ra có thể bị nhầm lẫn sang loãng xương. Người nhuyễn xương thường có hệ xương yếu, dễ gãy, còng lưng, làm giảm chiều cao.
Nguyên nhân gây nhuyễn xương
Khi cơ thể không đủ canxi và photphat cho quá trình tạo thành xương thì có thể gây ra nhuyễn xương. Vấn đề này có thể do những nguyên nhân sau:
- Thiếp tiếp xúc với ánh sáng mặt trời: Ánh sáng mặt trời có vai trò chuyển hóa tiền tố vitamin D thành vitamin D trong cơ thể nên ở những người sống trong các khu vực tối hoặc dành ít thời gian trong ánh sáng mặt trời có thể xảy ra hiện tượng nhuyễn xương.
- Thiếu hấp thu vitamin D: Chế độ ăn nghèo nàn vitamin D là nguyên nhân phổ biến nhất dẫn tới loãng xương và nhuyễn xương trên thế giới.
- Các phẫu thuật tiêu hóa: Như cắt dạ dày, ruột non có thể làm giảm khả năng hấp thu vitamin D và các khoáng chất khác từ bữa ăn dẫn tới nhuyễn xương.
- Bệnh Celiac: Là bệnh lý rối loạn tự miễn khiến niêm mạc ruột non bị hư hỏng do tiêu thụ thực phẩm chứa gluten khiến ruột non không thể hấp thu chất dinh dưỡng như vitamin D.
- Bệnh lý nhuyễn xương do thận hoặc gan bị rối loạn chức năng gây ra sự cản trở trong khả năng xử lý vitamin D của cơ thể.
- Các nguyên nhân do thuốc: Thuốc điều trị động kinh gồm phenytoin và phenobarbital có nguy cơ gây ra nhuyễn xương.

Biểu hiện của tình trạng nhuyễn xương
Nhuyễn xương ở trẻ em thường có biểu hiện chung là còi xương, chậm lớn. Còn với người lớn, biểu hiện của nhuyễn xương không rõ ràng nhưng có thể kể đến những triệu chứng và biểu hiện sau đây:
- Thường xuyên có biểu hiện đau xương, nhất là xương ở chân, đùi, đầu gối.
- Hay đau cơ ở phần vai, mông, cẳng chân. Đôi khi gặp tình trạng chuột rút.
- Đi lại đôi khi gặp khó khăn.
- Xương nhạy cảm với các va chạm, kể cả va chạm nhẹ. Thường hay có dấu hiệu gãy xương kín đáo, nhất là xương ở chân, chịu trọng lượng chính của cơ thể.
Biến chứng của bệnh nhuyễn xương
Bệnh nhân bị nhuyễn xương nếu không được phát hiện và điều trị đúng cách sẽ rất dễ xuất hiện các biến chứng nguy hiểm.
- Trường hợp nhẹ, các nhóm xương khớp sẽ có triệu chứng đau nhức thường xuyên gây khó chịu cho người bệnh. Khả năng bị vẹo cột sống hoặc gù lưng không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh mà còn làm mất tính thẩm mỹ. Vùng xương sườn và chân có nguy cơ bị biến dạng nhiều nhất.
- Trường hợp người bệnh bị nhuyễn xương kết hợp với tình trạng loãng xương sẽ gây ra các triệu chứng bệnh cực kỳ khó chịu, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống. Bên cạnh đó, người bệnh nếu bị gãy xương khu vực đùi rất dễ gây tử vong chỉ sau 6 tháng hoặc nguy cơ không thể đi lại rất cao.
Chẩn đoán nhuyễn xương
Để biết được bệnh nhân có phải nhuyễn xương hay mắc các bệnh xương khớp thông thường, bác sĩ sẽ chỉ định làm các xét nghiệm hoặc chụp chiếu trong từng trường hợp. Qua đó cũng xác định được cả nguyên nhân gây ra tình trạng nhuyễn xương:
- Làm xét nghiệm: Xét nghiệm máu và nước tiểu để đo mức độ calci, phospho và các khoáng chất khác để đánh giá độ nhuyễn xương.
- Chụp X-quang: Hình ảnh chụp xương qua X-quang sẽ giúp bác sĩ chẩn đoán tình trạng xương. Khi xương có hình ảnh giảm mật độ và tăng thấu quang sẽ cho thấy tình trạng nhuyễn xương của người bệnh.
- Sinh thiết xương: Trong một số trường hợp đặc biệt, người ta sẽ dùng kỹ thuật lấy mô xương để soi dưới kính hiển vi, xác định tình trạng của xương. Cách này cho kết quả rất chính xác nhưng không phải lúc nào cũng được chỉ định thực hiện.
Biện pháp điều trị bệnh
Nguyên tắc điều trị nhuyễn xương chủ yếu dựa vào nguyên nhân gây ra sự thiếu hụt calci và phosphat cho quá trình tổng hợp xương của cơ thể như bổ sung thêm vitamin D bằng đường uống hoặc ít gặp hơn có thể qua tiêm hoặc thông qua tĩnh mạch ở cánh tay liều cụ thể như sau:
- Thiếu vitamin D do ăn uống: Dùng ergocalciferol 50000 UI uống 1-2 lần/ tuần trong 6-12 tháng, sau đó dùng ít nhất 400 UI/ngày, đôi khi có thể dùng liều cao hơn trong các trường hợp có hội chứng kém hấp thu.
- Nhuyễn xương do phenytoin có thể dự phòng bằng vitamin D uống 50000 UI/ 2 tuần.
- Thiếu phosphat do mất qua thận đáp ứng tốt bổ sung phosphat suốt đời và vitamin D để cải thiện sự giảm hấp thu calci do thiếu phosphat.
Nếu nồng độ calci hoặc phospho trong máu thấp thì có thể cho bệnh nhân uống bổ sung khoáng chất, ngoài ra cần xử lý những điều kiện bất thường ảnh hưởng đến sự chuyển hóa vitamin D như bệnh lý gan thận.

Phòng chống nhuyễn xương
Có thể phòng tránh nhuyễn xương bằng một số biện pháp sau:
- Dành thời gian khoảng 15 phút dưới ánh nắng mặt trời trực tiếp một vài lần mỗi tuần là đủ để sản xuất vitamin D thích hợp.
- Bổ sung vitamin D tự nhiên trong khẩu phần ăn như dầu cá, lòng đỏ trứng, ngũ cốc, sữa, bánh mì,…
- Bổ sung vitamin D bằng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ nếu cần thiết.