Nói lắp hay còn gọi là cà lăm ảnh hưởng khá lớn đến giao tiếp, làm giảm sự tự tin khi nói chuyện, đôi khi ảnh hưởng đến việc học hành, công việc. Nói lắp hoàn toàn có thể cải thiện nếu có sự hỗ trợ, tập luyện đúng cách và kiên trì.
Tình trạng nói lắp là gì?
Nói lắp là rối loạn ngôn ngữ mà âm tiết, từ được lặp đi lặp lại hoặc kéo dài, làm gián đoạn lời nói. Những gián đoạn này có thể đi kèm với các hành vi thể hiện sự căng thẳng chẳng hạn như nhấp nháy mắt hoặc run môi. Nói lắp gây khó khăn trong giao tiếp với người khác, thường ảnh hưởng đến chất lượng sống. Những người nói lắp biết họ muốn nói gì, nhưng lại gặp khó khăn khi giao tiếp, ví dụ như lặp lại hoặc kéo dài một từ, âm tiết, cụm từ hoặc dừng lại khi đang nói do không thể phát âm rõ.
Nói lắp thường gặp ở trẻ nhỏ khi học nói. Trẻ có thể nói lắp do khả năng ngôn ngữ không đủ phát triển để theo kịp với nội dung. Hầu hết trẻ em sẽ hết nói lắp khi lớn. Tuy nhiên, đôi khi bệnh là tình trạng mạn tính kéo dài đến tuổi trưởng thành, tác động đến lòng tự trọng bản thân và quan hệ với những người khác.
Nguyên nhân dẫn tới tình trạng nói lắp
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra bệnh nói lắp, nhưng phân làm hai nguyên nhân chính như sau:
Nguyên nhân bên trong
Do yếu tố di truyền, chiếm 1/3 trường hợp: Nói lắp có xu hướng di truyền trong gia đình. Nguyên nhân bẩm sinh do hệ thần kinh thực vật dễ bị kích thích.
Nguyên nhân bên ngoài
Môi trường sống ảnh hưởng rất nhiều đến tình trạng nói lắp của bệnh nhân, đặc biệt là trẻ em:
- Thói quen từ giai đoạn học nói: Nói lắp từ nhỏ không được chỉnh sửa, biến thành thói quen nói lắp ở tuổi trưởng thành.
- Mặc cảm tâm lý kéo dài: Nói lắp là phương tiện che lấp một số khó khăn về tư duy, hoặc tâm lý e ngại người lạ…
- Chấn thương sơ sinh: Đối với những ca sinh khó phải dùng forceps kẹp vào đầu thai nhi để lôi ra khỏi bụng mẹ hoặc với trẻ nhỏ bị ngã va đầu vào vật cứng gây tổn thương vùng ngôn ngữ Broca. Các yếu tố trên ảnh hưởng nhất định lên khả năng ngôn ngữ của trẻ.
- Bệnh nhân mắc phải một bệnh ở não bộ hoặc màng não như viêm não, viêm màng não,… sau khi điều trị khỏi đã để lại di chứng ở vùng ngôn ngữ.
- Một số bệnh lý của cơ quan phát âm: Nghe kém, cử động miệng khó, dị tật của cơ quan phát âm…
Triệu chứng bệnh nói lắp
Nói lắp có thể biểu hiện khác nhau ở mỗi người và tình trạng nói lắp của từng người có thể trông có vẻ và nghe có vẻ khác nhau.
Các triệu chứng thường gặp khi bị nói lắp là:
- Khi nói một từ, một câu hay một đoạn cảm thấy rất khó khăn.
- Kéo dài một từ hoặc phát âm từ đó quá lâu.
- Thường hay phát ra từ “um” nếu đang chuẩn bị nói một từ khó phát âm tiếp theo.
- Căng cứng cả mặt, cổ và người để phát âm được một từ nào đó.
- Đang nói có thể ngắt, nghỉ ở bất kỳ vị trí nào của phát ngôn: ở âm đầu từ, nhắc lại một từ, nhắc lại một đoạn… hoặc nghỉ lấy hơi giữa chừng.
- Hay lo lắng khi đang nói chuyện.
- Hạn chế trong giao tiếp.
Khi nói lắp có thể kèm theo các cử chỉ: Chớp mắt liên tục, rung hàm, rung môi, giật cơ mặt, co giật phần đầu, nắm chặt tay lại,…
Chế độ sinh hoạt phù hợp
Bạn sẽ có thể giúp trẻ kiểm soát bệnh này nếu áp dụng các biện pháp sau:
- Chăm chú lắng nghe: Duy trì giao tiếp tự nhiên bằng mắt khi trẻ nói.
- Chờ trẻ phát âm từ mà con muốn nói, đừng la mắng hay chen vào để hoàn thành câu.
- Dành thời gian nói chuyện với con bạn mà không có bất cứ sự can thiệp nào: Các bữa ăn có thể là cơ hội tốt để trò chuyện.
- Nói chậm và thong thả: Nnếu bạn nói theo cách này, con bạn sẽ thường xuyên làm như vậy, điều này giúp bé giảm nói lắp.
- Tăng cường đối thoại: Bạn cần khuyến khích tất cả mọi người trong gia đình lắng nghe và thay phiên nhau nói chuyện với trẻ.
- Giữ bình tĩnh: Tạo ra một bầu không khí thoải mái ở nhà để trẻ có thể nói chuyện tự do.
- Không tập trung vào tật nói lắp của con mình: Cố gắng không chú ý tới tật nói lắp trong giao tiếp hàng ngày.
- Khen ngợi nhiều hơn thay vì chỉ trích. Nếu bạn sửa lời nói của trẻ, nên có thái độ nhẹ nhàng, tích cực.
- Chấp nhận con người của trẻ: Đừng phản ứng tiêu cực, chỉ trích hay trừng phạt con mình vì tật nói lắp, điều này làm trẻ cảm giác bất an và tự ti. Bạn cần hỗ trợ và khuyến khích trẻ để tạo ra một sự khác biệt lớn.
Trẻ nói lắp có thể nói bình thường trở lại sau một thời gian, do vốn từ của trẻ đã đầy đủ hơn, trẻ cũng tự tin, bình tĩnh hơn trong việc thể hiện lời nói. Tuy nhiên, để tránh tình trạng nói lắp ở trẻ kéo dài gây ảnh hưởng đến khả năng diễn đạt, bố mẹ cần chú ý phát hiện, tìm ra nguyên nhân và có cách khắc phục tật nói lắp ở trẻ càng sớm càng tốt.
Leave a reply