Nổi mề đay rất phổ biến không phân biệt lứa tuổi, giới tính hầu hết ai đều bị ít nhất một lần trong đời. Nổi mề đay thường là do dị ứng, không gây nguy hiểm tới sức khỏe nhưng lại khiến người bệnh có cảm giác ngứa ngáy, khó chịu. Bạn cần biết nguyên nhân và điều trị đúng cách để dứt khoát bệnh không tái phát.
Nổi mề đay là gì?
Nổi mề đay là tình trạng da bị nổi những nốt mẩn và ngứa, xảy ra ở một phần của cơ thể hoặc lan rộng ra các khu vực khác. Việc bị dị ứng nổi mề đay không phải là một căn bệnh đe dọa đến tính mạng nhưng khiến cho người bệnh cảm thấy khó chịu trong cả ngày dài, kể cả khi đi ngủ.
Nguyên nhân nổi mề đay
Có rất nhiều nguyên nhân gây mề đay mẩn ngứa, bao gồm cả tác động bên trong lẫn bên ngoài. Ở một số ít trường hợp, mề đay có thể khởi phát vô căn. Trường hợp này được gọi là mề đay tự phát, thường có tiến triển mãn tính và đáp ứng kém với điều trị.
Một số nguyên nhân có thể gây ra mề đay mẩn ngứa:
- Do dị ứng thức ăn.
- Do dị ứng thuốc.
- Do côn trùng cắn.
- Dị ứng hóa mỹ phẩm.
- Di truyền.
- Do tác nhân đường hô hấp.
- Do nhiễm trùng.
- Do tiếp xúc với hóa chất.
- Bệnh lý.
- Nguyên nhân tự phát.
Một số yếu tố làm tăng nguy cơ bị nổi mề đay chẳng hạn như:
- Giới tính: Phụ nữ bị nổi mề đay nhiều gấp đôi so với đàn ông.
- Tuổi tác: Người trẻ có nhiều nguy cơ mắc bệnh.
Triệu chứng của mề đay
Dưới đây là một số triệu chứng nổi mề đay cơ bản:
- Nổi ban đỏ hoặc trắng ở trên mặt, thân mình, tay hoặc chân.
- Các loại ban khác nhau về kích thước và hình dạng.
- Ngứa.

Da nổi ban đỏ, ngứa ngáy.
Những triệu chứng trên tái phát thường xuyên và không thể lường trước được, đôi khi trong vòng vài tháng hoặc vài năm.
Cách điều trị nổi mề đay
Bạn có thể bị nổi mề đay do dị ứng, côn trùng cắn, nhiễm khuẩn hay thậm chí stress. Cách trị bệnh tại nhà sẽ giúp bạn nhanh chóng cải thiện các triệu chứng khó chịu này.
Cách trị nổi mề đay tại nhà
Chườm lạnh vùng da bị mẩn ngứa
Bệnh nổi mề đay gây ra những cơn ngứa không ngừng khiến người bệnh khó chịu, có thể dùng khăn vải bọc đá viên rồi chườm lên vùng da nổi mề đay trong khoảng 15 phút sẽ giúp làm mát da, giảm bớt ngứa. Tuy nhiên, biện pháp này không áp dụng cho trường hợp nổi mề đay do dị ứng thời tiết và da nhạy cảm.
Sử dụng cây nha đam (cây lô hội)
Nha đam là một loại thảo dược có tác dụng làm mát, thanh nhiệt giải độc, chống viêm. Cách chữa mề đay từ cây nha đam tại nhà khá đơn giản, người bệnh chỉ cần cắt nha đam gọt sạch vỏ, thành miếng rồi đắp hoặc bôi lên vùng da nổi mề đay, thực hiện nhiều lần trong ngày sẽ thấy các nốt sần giảm đi.
Lá khế
Lá khế vốn được biết đến với công dụng giải độc, làm mát nên được ứng dụng trong việc chữa trị rất nhiều chứng bệnh, trong đó có mề đay, rôm sảy. Người bệnh có thể dùng lá khế trị nổi mề đay tại nhà bằng cách rang nóng một nắm lá, đắp vào vùng mẩn ngứa hoặc đun lá khế lấy nước tắm.
Trầu không
Trong thành phần của trầu không có chứa tinh chất kháng viêm như phenol, chavicol và một số hoạt chất có tác dụng giúp da chống lại tác nhân gây mề đay xâm nhập từ bên ngoài, giảm ngứa vô cùng hiệu nghiệm. Người bệnh có thể nấu nước lá trầu không để tắm, trong khi tắm dùng lá trầu chà nhẹ lên vùng mẩn ngứa, kiên trì thực hiện đều đặn mỗi ngày sẽ thấy bệnh mề đay giảm đáng kể.
Lá hẹ
Theo Y học cổ truyền, lá hẹ có vị chua, tính ấm có công dụng giải độc, chống viêm, kháng khuẩn. Ngoài ra, trong thành phần của lá hẹ có chứa một lượng lớn vitamin B cùng các khoáng chất khác có tác dụng làm sạch và phục hồi tổn thương da.
Lấy một nắm lá hẹ đã rửa sạch, xay nhuyễn cùng một ít muối trắng, gói vào trong bông gạc chườm lên vùng bị mề đay hoặc đun nước lá hẹ tắm là một trong những cách trị nổi mề đay tại nhà được nhiều người bệnh áp dụng.
Biến chứng có thể xảy ra sau khi nổi mề đay
Người bệnh có khả năng gặp phải biến chứng sau:
- Sốc phản vệ, một phản ứng dị ứng toàn thân đe dọa đến tính mạng.
- Sưng trong cổ họng, có khả năng gây tắc nghẽn đường thở và đe dọa tính mạng.
Cách phòng ngừa
Bệnh mề đay có nguyên nhân phức tạp nên nếu tìm ra được nguyên nhân và loại trừ chúng thì sẽ giảm nguy cơ tái phát bệnh. Cách phòng ngừa bệnh như sau:
- Người có cơ địa dị ứng với các chất trong phấn rôm, xà bông tắm, hải sản,… không nên tiếp xúc với các yếu tố gây dị ứng nữa.
- Người bị nổi mề đay do lạnh cần giữ ấm khi thời tiết chuyển mùa từ nóng sang lạnh. Nếu bị dị ứng thời tiết, bệnh nhân nên tránh tiếp xúc với phấn hoa, bụi bẩn và vệ sinh môi trường sống sạch sẽ.
- Người bị nổi mề đay do hóa mỹ phẩm, chất tẩy rửa,… không nên sử dụng hoặc dùng găng tay có độ dày thích hợp khi tiếp xúc với các tác nhân này.
- Tránh mặc quần áo làm từ những loại vải dễ gây kích ứng da như len, bố, da lộn,… Đồng thời, không mặc đồ quá chật để tránh tình trạng quần áo cọ xát vào da gây kích ứng tại chỗ.
- Giữ vệ sinh cơ thể sạch sẽ, hạn chế sự xâm nhập của các loại ký sinh trùng như chấy rận, bọ chét, mạt nhà,…
- Hạn chế sinh hoạt trong các môi trường có độ ẩm không khí thấp vì dễ khiến da khô, kích ứng, tái phát bệnh da dị ứng theo mùa.
- Người bị nổi mề đay sau khi sử dụng các loại thuốc điều trị như thuốc kháng sinh, thuốc an thần, thuốc đau nhức xương khớp,… nên hỏi ý kiến bác sĩ để được tư vấn thay đổi loại thuốc, tránh nguy cơ dị ứng, mẩn ngứa sau này.
- Thường xuyên vận động, tập thể dục thể thao để tăng cường tuần hoàn máu, tăng sức đề kháng cho cơ thể, giảm nguy cơ mắc bệnh.
- Giữ tinh thần thoải mái, ngủ đủ giấc nếu nguyên nhân nổi mề đay là do stress.
- Bổ sung thêm các thực phẩm giải nhiệt như đậu phụ, bí đao, củ cải, mướp đắng,… và các loại nước ép cà rốt, cam, mật ong, bưởi,…
- Khi bị nổi mề đay lần đầu, nên đi khám bác sĩ chuyên khoa da liễu để được chẩn đoán, có phương hướng điều trị kịp thời, hiệu quả, loại trừ nguyên nhân để tránh tái phát.

Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh nổi mề đay
Bạn sẽ có thể kiểm soát bệnh này nếu áp dụng các biện pháp sau:
- Mặc quần áo sáng màu.
- Tránh chà xát hoặc sử dụng các loại xà phòng độc hại.
- Làm mát khu vực bị nổi mẩn bằng vòi sen, quạt, vải mát hoặc kem dưỡng da loại nhẹ.
- Lập danh sách khi nào và ở đâu bệnh xuất hiện, lúc đó bạn đang làm gì, ăn gì… điều này có thể giúp bạn và bác sĩ xác định chính xác yếu tố gây bệnh.
- Tránh các thức ăn, đồ uống gây dị ứng.
Tuy bệnh mề đay không lây, hầu như không đe dọa tới tính mạng nhưng nó có ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Vì vậy, nếu phát hiện có những dấu hiệu mắc bệnh như làn da nổi mẩn màu đỏ, hồng, ngứa ngáy khó chịu,… người bệnh nên sớm đi khám tại các bệnh viện uy tín về chuyên môn da liễu.