Nước ối là dịch thể bao bọc thai nhi, giúp thai nhi tránh khỏi những va chạm bên ngoài, tham gia vào sự trao đổi chất của thai nhi, đồng thời còn có tác dụng bảo vệ người mẹ tránh khỏi những cơn đau do thai nhi đạp.
Nước ối là gì?
Nước ối hay dịch ối là chất dịch lỏng rất giàu dinh dưỡng bao bọc xung quanh thai nhi khi thai nằm trong tử cung của người mẹ giữ vai trò quan trọng với sự phát triển của thai nhi. Nó xuất hiện từ ngày thứ 12 sau thụ thai, có khả năng tái tạo và trao đổi chất. Có ba nguồn gốc tạo ra nước ối đó là: thai nhi, màng ối và máu mẹ.
- Nguồn gốc từ thai nhi: Từ giai đoạn sớm thai kỳ, da thai nhi đã có khả năng tiết ra nước ối cho đến tuần thứ 20 – 28 của thai kỳ. Khi các chất gây xuất hiện thì đường tạo nước ối này mới chấm dứt. Từ tuần thứ 20 của thai kỳ, huyết tương của thai nhi có thể thẩm thấu qua niêm mạc hô hấp tạo ra nước ối. Từ tuần 16 của thai kỳ, hệ tiết niệu của thai nhi bắt đầu hoạt động bài tiết nước tiểu vào buồng ối tạo ra nước ối. Đây là nguồn gốc chính tạo ra nước ối từ thai nhi.
- Nguồn gốc từ màng ối.
- Nguồn gốc từ máu mẹ: Máu mẹ và nước ối có sự trao đổi chất thông qua màng ối.
- Sự tái hấp thu nước ối: Từ tuần thứ 20 thai kỳ, nước ối còn được tạo ra qua việc thai nhi bắt đầu nuốt nước ối. Ngoài ra, nước ối còn được tái hấp thu qua da của thai nhi, màng ối và dây rốn.
Chức năng của nước ối
Nước ối giữ vai trò quan trọng đối với quá trình phát triển của thai nhi. Theo đó, nước ối chịu trách nhiệm:
- Bảo vệ thai nhi: Chất lỏng đệm giúp cho em bé tránh khỏi áp lực bên ngoài, hoạt động như một chất hấp thụ sốc để bảo vệ và che chở cho em bé.
- Kiểm soát nhiệt độ: Chất lỏng cách nhiệt, giúp giữ ấm và duy trì nhiệt độ thường xuyên cho thai nhi.
- Kiểm soát nhiễm trùng: Trong nước ối chứa kháng thể giúp bảo vệ em bé, tạo nên môi trường vô khuẩn trong suốt thai kỳ cho đến khi được sinh ra.
- Phát triển hệ thống phổi và tiêu hóa: Kể từ tuần thứ 34, thai nhi sẽ hấp thụ lượng dịch ối vào khoảng 300-500ml mỗi ngày. Bằng cách thở và nuốt nước ối, em bé cũng sẽ thực hành trước việc sử dụng các cơ của các hệ thống này khi chúng lớn lên.
- Sự phát triển cơ bắp và xương: Khi em bé trôi nổi bên trong túi ối, nó có thể tự do di chuyển, tạo cơ bắp và xương có cơ hội phát triển đúng cách.
- Hỗ trợ dây rốn: Chất lỏng trong tử cung ngăn không cho dây rốn bị nén. Dây này vận chuyển thức ăn và oxy từ nhau thai đến thai nhi đang phát triển.
Ngoài ra, nước ối còn hỗ trợ quá trình sinh nở của người mẹ. Sau khi hiện tượng vỡ ối xảy ra, tính nhờn từ nó sẽ giúp bôi trơn đường sinh dục giúp mẹ dễ sinh hơn.
Lượng dịch ối thay đổi
Trong giai đoạn đầu, dịch ối được hình thành do sự thẩm thấu của huyết thanh mẹ qua màng ối; hoặc thẩm thấu của huyết thanh con qua da thai nhi. Từ lúc thai nhi được 10 – 12 tuần tuổi, dịch ối được hình thành do nước tiểu tiết ra từ thận và dịch từ phổi của thai nhi. Lượng dịch ối tuần 16-32 đạt từ 250 – 800ml, rồi tăng lên 1.000ml và duy trì cho đến khi thai nhi 36 tuần tuổ. Từ thời điểm này đến lúc sinh, lượng dịch ối sẽ giảm dần đi, và còn lại độ chừng 500ml (vào lúc sinh). Vì vậy, nếu tuổi thai càng lớn, thì chỉ số dịch ối càng ít đi.
Nước ối bất thường
Một số tình trạng bệnh lý có thể xảy ra khi có ít hoặc nhiều nước ối hơn bình thường:
- Thiểu ối: Lượng nước ối ít, hay còn được gọi là thiểu ối, xảy ra ở khoảng 4% các thai kỳ nói chung và 12% ở các thai kỳ già tháng.
- Đa ối: Khi có quá nhiều nước ối thì được gọi là tình trạng đa ối. Theo hiệp hội sản khoa Mỹ, đa ối xảy ra ở 1% ở tất cả các thai kỳ. Đa ối được xác định khi AFI lớn hơn 24cm và MVP đo được hơn 8cm.
- Rò rỉ nước ối: Đôi khi, nước ối bị rỉ ra trước khi vỡ ối. Theo hiệp hội sản khoa Hoa Kỳ, cứ 10 phụ nữ thì chỉ có 1 người sẽ ra nước ối đột ngột khi vỡ ối. Phần lớn các trường hợp nước ối sẽ chảy rỉ rả từ từ.
- Vỡ ối non: Nếu tình trạng ối vỡ xảy ra trong lúc chuyển dạ, trước khi cổ tử cung mở trọn được gọi là ối vỡ sớm. Trường hợp ối vỡ non là khi ối vỡ trước khi có chuyển dạ. Nếu 1 giờ sau khi ối vỡ mà chuyển dạ – cơn gò tử cung xuất hiện đều đặn và gây đau – vẫn chưa xuất hiện được gọi là ối vỡ non.
Những vấn đề cần lưu ý
Việc xác định nước ối có màu gì và nước ối có mùi gì sẽ giúp dự đoán được tình trạng của thai nhi.
- Nước ối có màu vàng xanh: Có thể do thai nhi chậm phát triển trong tử cung hoặc thai nhi có hiện tượng tán huyết.
- Nước ối bẩn hay có màu xanh rêu sệt hoặc lẫn phân xu của bé: Do thai nhi bị suy yếu trầm trọng trong bụng mẹ, đe dọa tính mạng.
- Nước ối xanh đục như lẫn mủ, mùi hôi: Đây là tình trạng nhiễm trùng nước ối, lúc này thai nhi đang có nguy cơ cao bị nhiễm trùng trong tử cung…
- Nước ối có màu đỏ nâu: Do thai nhi không còn sống trong bụng mẹ hay thai nhi đã bị chết lưu.
Nước ối có rất nhiều vai trò trong thai kỳ. Chỉ với thể tích nước ối đã cho một số thông tin hữu ích trong việc chăm sóc thai kỳ. Vì thế, việc quản lý thai kỳ tốt bằng cách khám thai định kỳ giúp bác sĩ và người mẹ xác định bất thường thể tích nước ối nếu có. Điều này giúp đánh giá nguyên nhân và ảnh hưởng của nó lên thai kỳ. Từ đó, mẹ có thể lên kế hoạch quản lý để có được một thai kỳ khỏe mạnh.