Ốm nghén khi mang thai là tình trạng rất khó chịu đối với phụ nữ, có thể ảnh hưởng đáng kể đến cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên nghén khi mang bầu là hiện tượng sinh lý nên không ảnh hưởng gì đến em bé, ngoại trừ trường hợp nghén nặng.
Ốm nghén khi mang thai là gì?
Ốm nghén là tình trạng khi bà bầu cảm thấy khó chịu, đầy hơi ở bụng, xuất hiện nhiều lần trong một ngày. Khi mới bắt đầu có thai thì ốm nghén là tình trạng rất phổ biến. Ốm nghén khi mang thai thường không gây hại cho thai nhi nhưng nó có thể ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của sản phụ, cả khi làm việc hay trong các sinh hoạt bình thường.
Nguyên nhân xảy ra ốm nghén khi mang thai
Một số nguyên nhân có thể:
- Nồng độ hCG tăng nhanh: Khi mang thai, mức độ hCG của người phụ nữ, đây là một hormone tăng rất nhanh trong giai đoạn đầu thai kỳ. Nồng độ hCG có liên quan đến tình trạng ốm nghén, khi mang song thai hoặc đa thai thì nồng độ hCG sẽ cao hơn và ốm nghén thai kỳ là điều không thể tránh khỏi.
- Estrogen: Cùng với các hormone khác, estrogen là một nguyên nhân khác có thể, vì nó cũng tăng lên nhanh chóng trong giai đoạn đầu của thai kỳ.
- Tăng cảm giác về mùi khi mang thai: Khi mang thai, các giác quan của bạn trở nên nhạy cảm, trong đó mũi sẽ trở nên thính hơn. Những mùi hương không làm bạn khó chịu trước đó có thể khiến bạn khó chịu, mệt mỏi và buồn nôn.
- Dạ dày trở nên nhạy cảm: Điều này có thể không diễn ra với mọi phụ nữ, nhưng thường khi mang thai sẽ làm cho hệ tiêu hóa trở nên nhạy cảm hơn. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng, sự hiện diện của Helicobacter pylori, một loại vi khuẩn dạ dày trong thai kỳ có thể tăng khả năng xảy ra ốm nghén.
Đối tượng có nguy cơ bị ốm nghén
Những bà bầu có nguy cơ cao bị thai hành đó là:
- Bà bầu mới mang thai lần đầu.
- Người có tiền sử bị nghén nặng ở lần mang thai trước đó.
- Bà bầu quá béo, bị thừa cân.
- Bà bầu đang mang song thai hoặc đa thai.
- Bà bầu bị mắc bệnh nguyên bào nuôi, do sự gia tăng của tế bào bên trong tử cung.

Triệu chứng khi bị ốm nghén thai kỳ
Ốm nghén nặng thường bắt đầu trong 3 tháng đầu của thai kỳ. Gần 1 – 1,5% mẹ bầu bị tình trạng này trong suốt quá trình mang thai. Một số biểu hiện ốm nghén nặng phổ biến nhất là:
- Cảm giác buồn nôn gần như diễn ra thường xuyên.
- Ăn không ngon.
- Nôn nhiều hơn 3 hoặc 4 lần một ngày.
- Mất nước và mất cân bằng điện giải.
- Cảm thấy xây xẩm, chóng mặt.
- Lo âu, căng thẳng quá mức.
- Giảm 2 – 10kg cân nặng hoặc 5% trọng lượng cơ thể vì nôn quá nhiều.
Nếu nôn mửa đi kèm với những triệu chứng sau, bạn cần đi khám ngay:
- Nước tiểu rất sậm màu hay không tiểu sau 8 giờ.
- Không ăn uống trong 24 giờ.
- Mệt mỏi nhiều, chóng mặt và ngất khi đứng dậy.
- Đau bụng.
- Sốt từ 38 độ trở lên.
- Nôn ra máu.
Bị ốm nghén phải làm sao?
Thay đổi lối sống và cải thiện chế độ ăn uống có thể giúp thai phụ cảm thấy đỡ hơn. Có thể áp dụng những gợi ý sau đây:
- Bổ sung vitamin tổng hợp.
- Ăn nhẹ với bánh mì khô hoặc bánh quy vào buổi sáng trước khi ra khỏi giường để tránh bụng đói khi di chuyển.
- Uống nước nhiều lần.
- Tránh tiếp xúc với mùi khó chịu.
- Chia làm nhiều bữa ăn nhỏ, thay vì ba bữa chính.
- Nếu có thể, dùng những món ăn nhạt. Ví dụ, chế độ ăn kiêng BRATT (bao gồm chuối, gạo, táo, bánh mì nướng và trà) ít chất béo và dễ tiêu hóa.
- Sử dụng trà gừng, viên nang gừng và kẹo gừng (chế biến từ gừng thật).
Nếu nôn ói quá nhiều, men răng có khả năng bị mòn do acid dạ dày trào ngược lên. Để khắc phục, có thể súc miệng với một ly nước hòa tan khoảng một muỗng cà phê baking soda để giúp trung hòa acid và bảo vệ men răng.
Bí quyết giảm ốm nghén thai kỳ
- Làm bạn với gừng: Trong thời gian thai nghén, bạn nên ăn thêm nhiều đồ ăn có chứa gừng. Món me sấu ngâm gừng, kẹo gừng, trà gừng, gừng tươi đun sôi với nước và mật ong, .. là những gợi ý hữu ích cho bạn trong thời gian mang thai đấy.
- Chanh và nước chanh: Chanh là một loại quả rất hữu ích trong việc ngăn chặn hiện tượng buồn nôn. Ngửi chanh, vỏ chanh hoặc uống nước chanh là những giải pháp hữu hiệu giúp bạn thổi bay cảm giác buồn nôn.
- Không để bụng đói: Chia nhỏ bữa ăn chính thành nhiều bữa nhỏ, ăn nhẹ trước khi đi ngủ, uống một ly nước cam hoặc nước ép cà chua, đu đủ chín để giảm buồn nôn.
- Hạn chế đồ chiên, xào chứa nhiều chất béo: Thức ăn chiên, xào là không chỉ là những đồ ăn ẩn chứa nguy cơ ung thư cao mà còn làm tăng các triệu chứng nghén.
- Ăn trước khi đi ngủ: Việc ăn nhẹ trước khi đi ngủ sẽ giúp bạn bổ sung năng lượng, giữ lượng đường trong máu trong khoảng thời gian dài chìm trong giấc ngủ. Với bà bầu việc ăn thêm bữa phụ rồi mới đi ngủ sẽ giúp các mẹ tránh được hiện tượng nghén vào sáng ngày hôm sau đấy.
- Giải tỏa tâm lý: Điều quan trọng khi ốm nghén trong thai kỳ là mẹ cần giữ tâm trạng thoải mái, tránh lo âu, căng thẳng. Các ông chồng cũng nên giúp đỡ vợ mình vượt qua giai đoạn khó khăn này bằng cách chia sẻ, chăm sóc vợ chu đáo.

Ngăn ngừa ốm nghén khi mang thai
Một số lời khuyên sau đây có thể giúp thai phụ ngăn ngừa hoặc giảm thiểu buồn nôn:
- Uống nhiều nước, trước và sau bữa ăn.
- Nghỉ ngơi.
- Để nhà cửa và nơi làm việc thông thoáng.
- Loại bỏ mùi hương khiến bạn buồn nôn.
- Tránh khói thuốc lá, thức ăn cay và béo.
- Ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày.
- Ăn vặt trước khi ra khỏi giường vào buổi sáng và trong suốt cả ngày.
- Uống thêm vitamin bổ sung vào ban đêm.
Hầu hết các trường hợp ốm nghén khi mang thai là biểu hiện tích cực cho thấy thai nhi đang phát triển bình thường và khỏe mạnh. Tuy nhiên, một số trường hợp nghén nặng khiến mẹ ăn uống kém, có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Do đó, bạn nên khám thai định kỳ tại các cơ sở uy tín được được bác sĩ theo dõi sát sao trong suốt thai kỳ.
Leave a reply