Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là bệnh hô hấp gây khó thở vì đường thở bị hẹp lại so với bình thường. Phổi tắc nghẽn mãn tính có thể gây ra tình trạng suy giảm hô hấp, hạn chế khả năng hoạt động hàng ngày, làm giảm chất lượng cuộc sống.
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính?
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là bệnh lý hô hấp mạn tính có đặc trưng bởi sự tắc nghẽn luồng khí thở ra không hồi phục hoàn toàn, sự cản trở thông khí này thường tiến triển từ từ và liên quan đến phản ứng viêm bất thường của phổi với các phân tử hoặc khí độc hại, trong đó khói thuốc đóng vai trò hàng đầu. Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là một bệnh ngừa được và điều trị được với một số hậu quả ngoài phổi có thể góp phần vào độ nặng của từng bệnh nhân.
Nguyên nhân gây bệnh
Tình trạng tổn thương hoặc tắc nghẽn tại các mô phổi gây ra tình trạng phổi tắc nghẽn mãn tính. Các tổn thương này xảy ra khi bạn thường xuyên hít phải các chất kích thích có hại trong thời gian dài. Và bất cứ đối tượng nào cũng có nguy cơ mắc bệnh kể cả trẻ em hay người lớn. Trong đó, các chất kích thích là nguyên nhân tiềm ẩn gây phổi tắc nghẽn mãn tính có thể kể đến như:
- Hút thuốc, hít phải khói thuốc lâu dài gây nguy cơ cao 80-90% mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính.
- Khói hóa chất.
- Bụi bặm.
- Ô nhiễm môi trường ngoài trời.
- Ô nhiễm môi trường không khí trong nhà như hít phải khí đốt nhiên liệu.
- Bui nghề nghiệp, hóa chất.
- Nhiễm trùng đường hô hấp dưới thường xuyên, đặc biệt là với trẻ nhỏ.
Các yếu tố khác như nhiễm độc không khí không phải là nguyên nhân trực tiếp, tuy nhiên cũng có thể ảnh hưởng tới sự phát triển bệnh bao gồm: Chứa yếu tố làm bệnh nặng lên về lâu dài và tăng nguy cơ tử vong ở những người suy hô hấp nặng.

Triệu chứng của COPD
Các triệu chứng chính của COPD là:
- Khó thở sau khi vận động nhẹ như đi cầu thang, đi bộ,…
- Khó thở tăng dần nhiều đợt trong ngày.
- Khó thở trong quá trình ngủ.
- Luồng khí thở khò khè, đứt quãng khi thở ra.
- Tức ngực, nhói ngực với tần suất tăng dần.
- Dễ bị cảm lạnh hoặc thường xuyên ho, nghẹt mũi,…
- Dễ nhiễm trùng hô hấp thường xuyên từng đợt.
- Mệt mỏi, chán ăn, sụt cân bất thường, khó ngủ,…
Nếu không điều trị, các triệu chứng của bệnh thường tiến triển nặng hơn. Cũng có thể có những giai đoạn khi chúng trở nên tồi tệ hơn, được gọi là đợt cấp hoặc đợt bùng phát.
Biến chứng bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính nếu không được điều trị sớm và dứt điểm sẽ gây ra nhiều biến chứng cực kỳ nguy hiểm. Trong đó, các bác sĩ chuyên khoa cho biết, một số biến chứng bao gồm:
- Các bệnh về tim: Khi ở giai đoạn nặng, người bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính sẽ bị nhịp tim nhanh, gây rối loạn nhịp tim, dẫn đến suy tim (hay còn gọi là tâm phế mạn).
- Bệnh cao huyết áp: Phổi tắc nghẽn mãn tính có thể gây ra áp suất cao trong các mạch đưa máu đến phổi của người bệnh gây tăng áp phổi, tăng huyết áp.
- Nhiễm trùng hô hấp: Người bệnh sẽ có triệu chứng bị cảm lạnh thường xuyên, cúm hoặc viêm phổi nặng mà không thể chữa khỏi.
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính COPD có lây không?
KHÔNG! Từ những nguyên nhân COPD kể trên, có thể thấy phổi tắc nghẽn mạn tính không phải bệnh lây nhiễm, bởi bệnh chỉ xuất phát từ nội tại và phần lớn do ảnh hưởng từ ô nhiễm môi trường, chủ yếu là khói hút thuốc.
Không giống các bệnh hô hấp thường gặp khác, COPD không phải là do vi khuẩn, virus. Vi khuẩn, vi trùng chỉ có thể khởi phát đợt cấp COPD vì vậy người nhà hoàn toàn có thể chăm sóc người bệnh không phải lo lắng lây nhiễm bệnh.
Biện pháp điều trị bệnh COPD
Tổn thương phổi do COPD gây ra là vĩnh viễn, nhưng điều trị có thể giúp làm chậm tiến triển của tình trạng này. Phương pháp điều trị bao gồm:
- Ngừng hút thuốc: Hút thuốc lá là nguyên nhân chính gây ra bệnh COPD, nên ngừng hút thuốc chính là điều quan trọng nhất người bệnh cần thực hiện để điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính.
- Ống hít và thuốc: Giúp thở dễ dàng hơn. Có rất nhiều thuốc giúp cải thiện tình trạng hô hấp. Các thuốc giãn phế quản và corticoid sẽ được các bác sĩ lựa chọn và kê đơn cho người bệnh.
- Kháng sinh: Sử dụng kháng sinh khi người bệnh có các dấu hiệu của nhiễm khuẩn ở phế quản phổi.
- Các thuốc hỗ trợ: Long đờm, dinh dưỡng, điều trị các bệnh đồng mắc giúp người bệnh nhanh cải thiện triệu chứng hơn.
- Phục hồi chức năng phổi: Một chương trình chuyên biệt về tập thể dục, tập thở, tập ho hiệu quả, vỗ rung và giáo dục sức khoẻ.
- Phẫu thuật hoặc ghép phổi: Mặc dù đây chỉ là một lựa chọn cho một số rất ít người. Các trường hợp bóng khí lớn, biến chứng tràn khí màng phổi.

Phương pháp phòng bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
- Bệnh nhân phổi tắc nghẽn mãn tính cần đến khám bác sĩ chuyên khoa ngay khi phát hiện các dấu hiệu mắc bệnh nói trên, để khám và định hướng điều trị đúng đắn.
- Dùng thuốc điều trị theo chỉ dẫn của bác sĩ, khám sức khỏe định kỳ để tầm soát, phát hiện bệnh sớm nhất.
- Bỏ thuốc lá, thuốc lào; đối với trẻ em cần tránh hít phải khói thuốc , giữ môi trường sống trong sạch, hạn chế tiếp xúc với các loại khói, khí kích thích.
- Luyện tập thể dục, ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng.
- Hàng năm cần tiêm phòng cúm, 5 năm 1 lần tiêm phòng phế cầu.
- Khi tình trạng phổi tắc nghẽn mãn tính nặng, cần đến ngay bác sĩ chuyên khoa để được giải quyết kịp thời.
- Hàng ngày tập thở ở nơi thoáng mát, tránh nhiễm lạnh.
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính COPD như “lưỡi hái tử thần” cho ai chủ quan trước các triệu chứng ban đầu của bệnh. Phương pháp tốt nhất để phòng COPD là tạo môi trường sống trong lành, không khói thuốc lá và bụi bặm bảo vệ lá phổi. Bên cạnh đó, cần chú trọng việc chăm sóc sức khỏe tốt nhất cho người bệnh và khám sức khỏe định kỳ nhằm phát hiện bệnh sớm, giúp quá trình điều trị được dễ dàng và hiệu quả hơn, quanh trognj là có sức khỏe toàn diện.