Bệnh phong tê thấp là một căn bệnh khá phổ biến, gây ảnh hưởng đến nhiều cơ quan trong cơ thể. Vì vậy, hiểu rõ nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị là điều cần thiết.
Phong tê thấp là bệnh gì?
Phong tê thấp còn được gọi với tên phổ biến hơn là phong thấp. Đây là một dạng của bệnh viêm đa khớp dạng thấp có liên quan trực tiếp đến yếu tố tự miễn. Bệnh lý này đặc trưng bởi các tình trạng như đau nhức, sưng đỏ ở các khớp và cả bắp thịt. Điều này khiến cho quá trình vận động thường ngày của người bệnh bị cản trở rất nhiều. Nếu không được điều trị kịp thời và đúng phương pháp, bệnh phong tê thấp dễ gây biến chứng.
Nguyên nhân gây bệnh
Bệnh phong tê thấp thường phát sinh do sự tác động của một số yếu tố điển hình dưới đây:
- Thay đổi nội tiết tố: Trường hợp này thường phổ biến hơn ở chị em phụ nữ. Mất cân bằng giữa progesterone và estrogen được cho là có liên quan trực tiếp đến sự xuất hiện bệnh phong tê thấp.
- Yếu tố di truyền: Nguyên nhân này chiếm tới khoảng 50 – 60% khả năng gây bệnh. HLA-DR, PADI4, PTPN22 là một số gien được các nhà nghiên cứu cho rằng có sự liên quan mật thiết.
- Yếu tố truyền nhiễm: Sự tấn công của các nhân tố truyền nhiễm như virus cúm, virus Epstein-Barr có thể tác động và khiến bệnh khởi phát.
Ngoài ra, một số yếu tố khác như chấn thương, thói quen sử dụng chất kích thích hay tác động từ các bệnh xương khớp khác… cũng có thể là nguyên nhân kích hoạt bệnh phong tê thấp.

Triệu chứng bệnh phong tê thấp
- Khớp xương sưng tấy, đau nhức, nóng đỏ: Cơn đau âm ỉ kéo dài kèm theo cảm giác tê bì. Vị trí thường gặp nhất đó là khớp xương ở bàn tay, bàn chân, khớp đầu gối.
- Các khớp co cứng dẫn tới khó cử động.
- Các khớp kêu răng rắc, lục khục khi người bệnh đứng hoặc ngồi lâu trong thời gian dài.
- Mệt mỏi, sốt nhẹ, chán ăn, ăn không ngon miệng.
- Biến dạng khớp sau một thời gian sưng tấy, đau buốt khớp.
- Suy yếu cơ bắp: Các cơ bắp xung quanh vùng khớp xương bị đau sẽ dần suy yếu.
Sự nguy hiểm của bệnh phong tê thấp
Theo thời gian, sụn và xương dưới sụn của khớp bị phong thấp sẽ mòn và mỏng dần, phá hủy ổ khớp làm giảm chức năng vận động, thậm chí mất hoàn toàn khả năng cử động do teo cơ, biến dạng khớp. Điển hình của biến chứng phong thấp là các ngón tay rụt lại, cứng đơ và ngón chân đan chồng vào nhau.
Bàn tay hoặc bàn chân dị dạng và bất động đẩy cuộc sống của bạn rơi vào vực thẳm bởi từ việc ăn uống, vệ sinh, mặc quần áo đến nhu cầu đi lại, cầm nắm hay vui chơi… đều không thể thực hiện trơn tru. Đó là chưa kể, bệnh phong thấp còn khiến nhiều bộ phận của cơ thể như mắt, tai, phổi và tim bị suy giảm chức năng.
Có thể thấy, phong tê thấp là bệnh lý đặc biệt nguy hiểm nếu không được chữa trị kịp thời. Do đó, ngay cả khi xương khớp khỏe mạnh, không có bất kỳ biểu hiện bất thường nào, bạn cũng nên đề cao cảnh giác.
Chẩn đoán bệnh phong tê thấp
Ở giai đoạn khởi phát, các biểu hiệu phong tê thấp không bộc lộ rõ rệt và tương đối giống với các bệnh xương khớp khác. Vậy nên, ngoài kiểm tra bệnh sử (thời gian nhận thấy cảm giác đau nhức khớp, các tổn thương xương khớp trước đó, tính chất công việc… ), bác sĩ sẽ tiến hành làm các xét nghiệm:
- Xét nghiệm máu: Những người bị phong thấp thường có tốc độ lắng hồng cầu cao. Kết quả xét nghiệm máu sẽ cho thấy số lượng hồng cầu cao hay thấp, từ đó bác sĩ sẽ dễ dàng xác định được bạn có mắc bệnh hay không?
- Kiểm tra hình ảnh: Chụp X-quang, cộng hưởng từ MRI cung cấp hình ảnh chi tiết về tình trạng bên trong khớp.. Nhờ đó, bác sĩ có thể đánh giá mức độ nghiêm trọng của bệnh cũng như diễn biến của bệnh.
Điều trị phong tê thấp
Điều trị phong thấp là một quá trình dài và không có hồi kết bởi đây là căn bệnh mạn tính. Mắc phải bệnh này, bạn phải chuẩn bị tinh thần “chiến đấu” với nó suốt cuộc đời. Ở mỗi giai đoạn phát triển của bệnh, bác sĩ sẽ đưa ra kế hoạch chữa trị phù hợp với các chỉ định:
- Dùng thuốc: Các loại thuốc trị phong thấp thường dùng là thuốc giảm đau, chống viêm và thuốc sinh học.
- Vật lý trị liệu: Phong thấp khiến khớp xương khó cử động. Tập vật lý trị liệu sẽ giúp khớp linh hoạt hơn và dẻo dai hơn.
- Điều trị bằng phẫu thuật: Trường hợp khớp xương và mô quanh khớp bị hư hỏng nặng, không thể phục hồi, bác sĩ có thể áp dụng phương pháp phẫu thuật để khôi phục chức năng vận động cho khớp.

Chế độ sinh hoạt và dinh dưỡng của người bệnh phong tê thấp
Thay đổi lối sống
- Kiểm soát cân nặng, tránh để thừa cân, béo phì. Bởi thừa cân có thể làm tăng áp lực lên ổ khớp khiến khớp đau nhức, sưng đỏ.
- Nên ăn uống lành mạnh, ưu tiên các thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất như rau củ quả, các thực phẩm chứa canxi giúp ích cho xương khớp. Hạn chế rượu bia và các chất kích thích.
- Tránh các hoạt động làm tăng mức độ đau và khiến các khớp xương sai lệch như mang vác nặng, sai tư thế…
- Tập thể dục thường xuyên để tăng cường sức khỏe tổng thể và giúp các khớp xương dẻo dai hơn.
Phong tê thấp nên ăn gì, kiêng gì?
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, người bệnh phong tê thấp cần có một chế độ ăn uống khoa học nhằm giúp chống viêm, giảm các triệu chứng bệnh. Cụ thể, bệnh nhân phong tê thấp nên ưu tiên các loại thực phẩm sau:
- Thực phẩm có chứa chất béo omega 3 như: cá hồi, cá ngừ, cá trích, cá thu, hạt chia, hạt lanh, quả óc chó…
- Thực phẩm giàu vitamin A, C, E hoặc chất chống oxy hóa cũng có khả năng chống viêm như: quả mọng, quả dâu tây, việt quất, sô cô la đen, hồ đào.
- Thực phẩm giàu Flavonoid – chất chống viêm và nhiễm trùng như: đậu phụ, chế phẩm của đậu nành, các loại quả mọng, trà xanh, bông cải xanh, nho…
- Uống ít nhất 2-2,5 lít nước.
Hạn chế các thực phẩm sau
- Thực phẩm giàu đạm như thịt bò, thịt lợn…
- Đồ ăn nhanh: xúc xích, dăm bông, lạp xưởng, bánh kẹo, nước ngọt có gas…
- Những thực phẩm chiên xào, thịt mỡ.
- Những thực phẩm từ bắp, bơ sữa, gạo nếp (bánh chưng, bánh tét…).
Leave a reply