Rau bong non là một cấp cứu sản khoa thường xảy ra ở giai đoạn ba tháng cuối của thai kỳ với diễn biến đột ngột, nhanh chóng, có thể đe doạ tính mạng của mẹ và thai nhi do tình trạng sốc mất máu, biến chứng rối loạn đông máu. Cần phải chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời mới có thể cứu sống mẹ và thai nhi.
Rau bong non là gì?
Rau bong non là sự bong sớm của rau thai khi thai chưa sổ và là một biến chứng nghiêm trọng của thai kỳ.
Trong bệnh lý rau bong non, rau bám đúng vị trí nhưng bị bong sớm trước khi thai nhi được sổ ra ngoài do có sự hình thành khối máu tụ sau rau. Khối máu tụ này lớn dần làm bong bánh rau ra khỏi thành tử cung cắt đứt sự nuôi dưỡng giữa mẹ và thai nhi.
Rau bong non được phân thành độ I, II, III từ nhẹ đến nặng, trong đó mức độ III là tình trạng nặng nhất.
Nguyên nhân gây ra rau bong non
Nguyên nhân chính gây ra rau bong non chưa được xác định rõ.
Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu cho thấy các sang chấn xảy ra trong quá trình mang thai có thể gây ra rau bong non, chẳng hạn như:
- Chấn thương trực tiếp ở vùng bụng (do tai nạn giao thông, bị ngã xe, do tai nạn sinh hoạt, do bị đánh hoặc ngã khi lao động).
- Do các thủ thuật làm trên thai trong tử cung (chọc ối, lấy máu cuống rốn, thủ thuật ngoại xoay thai,…) gây chảy máu tạo thành khối máu tụ sau rau gây ra rau bong non.
- Tiền sản giật.
Rau bong non không có tính di truyền.
Các yếu tố nguy cơ nhau bong non ở phụ nữ mang thai
Các yếu tố nguy cơ đối với rau bong non bao gồm:
- Mẹ cao tuổi.
- Cao huyết áp (do mang thai hoặc mạn tính).
- Thiếu máu bánh rau (bệnh thiếu máu bánh rau) biểu hiện là chậm tăng trưởng trong tử cung.
- Đa ối.
- Nhiễm trùng trong màng ối (nhiễm trùng ối).
- Viêm mạch.
- Các rối loạn mạch máu khác.
- Rau bong non trước.
- Chấn thương vùng bụng.
- Mẹ mắc chứng rối loạn huyết khối.
- Sử dụng thuốc lá.
- Vỡ ối sớm.
- Sử dụng cocain (nguy cơ lên tới 10%).

Triệu chứng rau bong non
Người mẹ sẽ có các dấu hiệu sau đây:
- Đột ngột đau bụng dữ dội.
- Ra máu âm đạo đỏ sẫm, loãng, không đông.
- Tử cung go cứng nhiều, trương lực cơ tử cung tăng, tử cung cứng như gỗ và tử cung tăng chiều cao.
- Có thể thai suy hoặc mất tim thai.
- Có thể choáng: Da xanh, niêm mạc nhợt nhạt, ngất.
- Có thể có hội chứng tiền sản giật.
- Khi bác sỹ khám âm đạo có tình trạng: Ra máu âm đạo, đoạn dưới căng, cổ tử cung chắc, siết chặt ở lỗ trong cổ tử cung, màng ối căng phồng, nước ối có thể lẫn máu.
Biến chứng mà rau bong non gây ra
Biến chứng đối với sản phụ
- Mất máu quá nhiều và đông máu rải rác lòng mạch, thường cần truyền máu.
- Có thể dẫn đến sốc giảm thể tích, suy thận, hội chứng suy hô hấp, suy đa cơ quan, cắt tử cung sau sinh.
- Cần phải mổ lấy thai khẩn cấp theo chỉ định của thai nhi hoặc sản phụ.
- Mặc dù hiếm gặp nhưng nhau bong non cũng gây ra nguy cơ tử vong cho sản phụ.
Biến chứng đối với thai nhi/trẻ sơ sinh
- Tăng tỷ lệ mắc bệnh và tử vong chu sinh liên quan đến giảm oxy máu, ngạt, nhẹ cân và /hoặc sinh non.
- Hạn chế sự phát triển của thai nhi có thể liên quan đến các di chứng ngắn hạn và dài hạn.
Phương pháp điều trị bệnh
Phương pháp điều trị cũng sẽ phụ thuộc vào quãng thời gian mang thai. Nếu mất một lượng máu đáng kể, thai phụ có thể cần truyền máu.
- Nhau bong non nhẹ ở tuần thứ 24 đến 34: Nếu thai phụ và thai nhi đang khỏe mạnh, bác sĩ có thể cho thai phụ dùng thuốc để thử và tăng tốc độ phát triển phổi của thai nhi và cho phép chúng tiếp tục phát triển. Nếu thai phụ vẫn ra máu phải ở lại bệnh viện để theo dõi chặt chẽ.
- Nhau bong non nhẹ ở tuần thứ 34 trở lên: Nếu thai phụ sắp sinh đủ tháng, bác sĩ có thể tiến hành biện pháp kích thích chuyển dạ hoặc mổ lấy thai. Nếu thai nhi đã có đủ thời gian để phát triển, sinh sớm hơn có thể làm giảm nguy cơ biến chứng sau này.
- Nhau bong non mức độ trung bình đến nặng: Mức độ bong nhau thai nặng được xác định bằng lượng máu mất đáng kể và để hạn chế các biến chứng cho thai phụ và thai nhi, bác sĩ thường yêu cầu sinh ngay lập tức, thường bằng phương pháp mổ lấy thai.

Phòng ngừa nhau bong non
Để tránh xảy ra hiện tượng rau bong non gây nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi, người phụ nữ khi mang thai cần chú ý:
- Khi có thai phải có chế độ sinh hoạt làm việc và nghỉ ngơi hợp lý.
- Giữ tinh thần thoải mái.
- Khoảng cách giữa hai lần sinh con không nên kéo dài quá 7 năm.
- Lao động nhẹ nhàng tránh té ngã.
- Tránh dùng các chất kích thích: rượu, bia, thuốc lá.
- Bổ sung axit folic trước khi mang thai.
- Điều trị các bệnh lý như đái tháo đường và tăng huyết áp sớm ngừa nguy cơ mắc nhau bong non.
- Khám định kỳ theo dõi thai kỳ.
Rau bong non là biến chứng sản khoa cấp tính vô cùng nguy hiểm, cần phát hiện và can thiệp y tế càng sớm càng tốt. Tùy vào tuổi thai và tình trạng rau bong non mà bác sĩ có thể điều trị hỗ trợ để kéo dài thai kỳ hoặc hỗ trợ sinh sớm. Bên cạnh đó, hãy để ý đến những thay đổi bất thường khi mang thai, dù chỉ là nhẹ nhất cũng cần được đến cơ sở Sản phụ khoa để kiểm tra.