Hiện tượng rỉ ối là một trong những dấu hiệu báo mẹ sắp sinh. Tuy nhiên, nếu hiện tượng này xảy ra sớm trong thai kỳ có thể sẽ khiến mẹ sinh non. Điều này có nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của con. Vậy, làm thế nào để có thể phát hiện hiện tượng rỉ ối.
Rò rỉ nước ối là gì?
Rỉ ối là hiện tượng nước ối xuất ra bên ngoài âm đạo với một số lượng ít. Điều này khiến cho nhiều mẹ bầu bị nhầm lẫn đó là nước tiểu. Sự nhầm lẫn này khá nguy hiểm, vì nếu mẹ bầu không nhận biết được và không kịp thời phát hiện ra có thể sẽ dẫn đến sinh non làm ảnh hưởng đến sức khỏe của con. Vậy làm sao để có thể nhận biết được đâu là nước ối, để có thể phân biệt được với nước tiểu.
Rỉ ối có thể sẽ rất nguy hiểm cho cả bạn và em bé vào bất cứ thời điểm nào trong thai kỳ. Trong khi bạn có thể rỉ ra một lượng rất nhỏ nước ối một cách tự nhiên, thì việc rỉ ra quá nhiều nước ối có thể sẽ rất có hại.
Nguyên nhân rò rỉ nước ối
Màng ối có tác dụng che chở không cho vi khuẩn từ bên ngoài tấn công vào tử cung. Nếu thai phụ mắc tình trạng viêm nhiễm trước hoặc trong thời kỳ mang thai sẽ khiến màng bọc túi ối ngày càng mỏng, dẫn đến tình trạng rò rỉ nước ối. Thường gặp ở những thai phụ có ngôi thai hay khung chậu bất thường, có đa thai, đa ối.
Từ tuần thứ 36 của thai kỳ, lượng nước ối sẽ giảm dần tạo điều kiện cho em bé ra đời, đồng thời thai nhi lớn sẽ chèn ép bàng quang nên dẫn đến tình trạng són tiểu. Do đó thường có sự nhầm lẫn giữa nước ối và nước tiểu.
Dấu hiểu nhận biết rò rỉ ối
Các dấu hiệu nhận biết rò rỉ nước ối bao gồm:
- Nước ối bị rỉ sẽ có màu trong suốt còn nước tiểu sẽ có màu vàng, dịch khí hư trong như lòng trắng trứng hoặc có thể hơi ngả vàng.
- Có cảm giác như một dòng nước ấm đang chảy ra.
- Nước ối có mùi đặc biệt (hơi ngọt) nhưng nước tiểu thường có mùi khai, trong khi dịch âm đạo (khí hư) có thể không có mùi hoặc mùi tanh nhẹ, không gây ngứa.
- Dòng chảy của nước ối không dừng lại nhanh như nước tiểu.

Rò rỉ nước ối có nguy hiểm không?
Rỉ nước ối trong 3 tháng đầu và/hoặc 3 tháng giữa thai kỳ có thể gây ra các biến chứng như:
- Dị tật bẩm sinh.
- Sảy thai.
- Sinh non.
- Thai chết lưu.
Trong 3 tháng cuối thai kỳ, quá ít nước ối có thể dẫn đến:
- Khó sinh, do dây rốn bị ép chặt và có thể ảnh hưởng đến khả năng lấy oxy của em bé.
- Tăng nguy cơ phải sinh mổ.
- Thai nhi chậm phát triển.
Có rất nhiều cách điều trị thiểu ối nếu bạn bị rỉ ối quá nhiều. Bác sỹ có thể sẽ cho bạn biết về các lựa chọn điều trị tốt nhất.
Điều trị rò rỉ ối
Kế hoạch điều trị cho hiện tượng rỉ nước ối sẽ tùy thuộc vào thể trạng khác nhau của mẹ bầu cũng như tuổi thai. Tuy nhiên, các bác sĩ đã đưa ra lời khuyên nếu có dấu hiệu rỉ ối, mẹ bầu cần tăng cường nghỉ ngơi và kiêng quan hệ tình dục. Nếu hiện tượng rỉ ối xảy ra trước hoặc trong tuần 34, thuốc corticosteroid sẽ được dùng để giúp phổi thai nhi tăng tốc độ trưởng thành. Ngoài ra, các bước kế tiếp để điều trị hiện tượng rỉ ối có thể là:
- Kê đơn thuốc kháng sinh để ngăn ngừa nhiễm trùng.
- Thuốc để ngăn ngừa chuyển dạ sinh non.
- Chuẩn bị sẵn sàng cho quá trình sinh con nếu cần thiết.

Những trường hợp rỉ ối mẹ bầu cần lưu ý
Như các mẹ đã biết, nước ối thông thường không màu và không mùi. Tuy nhiên, một số trường hợp rỉ ối khác dưới đây có thể cảnh báo đến những dấu hiệu nguy hiểm mà mẹ bầu cần lưu ý:
- Nước ối rỉ màu đỏ nâu: Cảnh báo thai nhi đang gặp nguy hiểm.
- Nước ối rỉ màu xanh đục, có mùi hôi: Cảnh báo nhiễm khuẩn nước ối, em bé có thể bị nhiễm khuẩn.
- Nước ối rỉ màu vàng sẫm: Cảnh báo mẹ bầu có thể bị suy tim mạn tính, thai nhi cũng có nguy cơ suy thai cấp tính.
- Nước ối rỉ có màu xanh rêu: Cảnh báo dấu hiệu suy thai, mẹ bầu cần được cấp cứu ngay để xác định tình trạng thai nhi.
- Nước ối rỉ màu vàng: cảnh báo tình trạng mẹ bầu bị thiếu máu và thai nhi phát triển chậm.
- Nước ối rỉ có màu nâu nhạt hoặc màu hồng: Cảnh báo sớm dấu hiệu mẹ bầu sắp chuyển dạ. Lúc này nếu chưa có cơn đau bụng thì tốt nhất mẹ bầu cũng nên đến cơ sở y tế nằm để theo dõi và chuẩn bị cho kỳ sinh nở.
Trong quá trình mang thai, các bà mẹ thường thấy có nước ối bị rỉ ra và gây ra tâm lý hoang mang lo lắng. Khi rỉ ối, mẹ bầu nên cố gắng giữ gìn sạch sẽ và khô ráo vùng kín để tránh nhiễm khuẩn âm đạo. Đồng thời thăm khám thường xuyên, theo dõi lượng nước ối. Làm các xét nghiệm trước sinh quan trọng để phòng ngừa các dấu hiệu bất thường ở sức khỏe của mẹ bầu và sự phát triển của thai nhi.