Rối loạn ám ảnh sợ đặc hiệu là trạng thái lo âu, sợ hãi kéo dài, mãnh liệt, bất hợp lý liên quan đến các đối tượng hay các tình huống, hoàn cảnh cụ thể. Rối loạn ám ảnh này ảnh hưởng đến hoạt động chức năng của con người.
Bệnh ám ảnh sợ đặc hiệu là gì?
Ám ảnh sợ đặc hiệu còn được biết đến với tên gọi chứng ám ảnh chuyên biệt. Đây là nỗi sợ hãi quá mức và vô lý với các sự vật hay tình huống không thật sự quá đáng sợ, nhưng lại gây ra sự lo âu và buộc phải tránh né. Không giống các lo âu ngắn hạn, bạn có thể cảm thấy sợ hãi khi nói trước đám đông hay làm bài kiểm tra, ám ảnh sợ đặc hiệu xảy ra kéo dài, gây ra các phản ứng tâm thần và thể chất mạnh mẽ và có thể tác động đến khả năng làm việc, học tập và đối thoại bình thường.
Nhưng đối với các trường hợp ám ảnh sợ đặc hiệu tác động đến cuộc sống hằng ngày, một số liệu pháp hiện có có thể giúp bạn giải quyết và vượt qua nổi sợ của bản thân, thường là vĩnh viễn.
Các dạng ám ảnh sợ chuyên biệt thường gặp
Ám ảnh sợ chuyên biệt có nhiều dạng khác nhau. Trong đó thường được chia thành 5 nhóm chính sau:
- Sợ động vật, côn trùng như rắn, rết, chó, mèo, nhện, bò cạp,…
- Các hiện tượng thiên nhiên như sấm sét, giông bão, sóng thần,…
- Các tình huống cụ thể như sợ đi học, sợ không gian hẹp, kín, sợ đi máy bay, sợ bóng tối.
- Các thủ thuật y tế như kim tiêm, phẫu thuật, sợ máu, vết tiêm, vết mổ,…
- Ngoài 4 nhóm dạng trên, một số người còn sợ hãi với những tình huống/ đối tượng ít gặp hơn như tiếng nôn mửa, tiếng động lớn, chú hề, sợ độ cao,…
Mức độ sợ hãi có sự khác biệt ở từng cá thể. Nếu xảy ra từ thời thơ ấu, tình trạng thường có xu hướng thuyên giảm khi bước vào giai đoạn trưởng thành. Người lớn mắc chứng bệnh này hầu hết đều ý thức được nỗi sợ phi lý của bản thân nhưng không thể kiểm soát. Trong khi trẻ nhỏ không nhận thấy sự sợ hãi của bản thân là phi thực tế và thái quá.
Các ám ảnh sợ chuyên biệt sẽ được đặt tên cụ thể như Glossophobia (sợ đám đông), Acrophobia (sợ độ cao), Claustrophobia (ám ảnh sợ không gian kín), Aviphobia (ám ảnh sợ đi máy bay),…
Nguyên nhân gây ra bệnh ám ảnh sợ đặc hiệu
Nhiều điều còn chưa biết về nguyên nhân thật sự gây ra ám ảnh sợ đặc hiệu, các nguyên nhân có thể bao gồm:
- Các trải nghiệm tiêu cực: Rất nhiều ám ảnh sợ là kết quả của việc có một trải nghiệm tiêu cực hay cơn hoảng loạn liên quan đến một đồ vật hay tình huống đặc trưng.
- Gen và môi trường: Dường như có mối liên hệ giữa việc bạn ám ảnh sợ đặc hiệu với việc bố mẹ bạn bị ám ảnh sợ đặc hiệu hay lo âu – đó có thể là do gen hay hành vi học được.
- Chức năng não: Các thay đổi về chức năng của não cũng có thể có vai trò trong việc gây ra ám ảnh sợ đặc hiệu.
Yếu tố nguy cơ gây bệnh ám ảnh sợ đặc hiệu
Các yếu tố tăng nguy cơ ám ảnh sợ đặc hiệu bao gồm:
- Tuổi: Ám ảnh sợ đặc hiệu thường xuất hiền lần đầu vào thời thơ ấu, thường khoảng 10 tuổi, nhưng cũng có thể xuất hiện ở các giai đoạn trễ hơn của cuộc đời.
- Tiền sử gia đình: Nếu gia đình bạn có người bị ám ảnh sợ đặc hiệu hay rối loạn lo âu, bạn cũng có thể bị các bệnh đó. Đó có thể thể là một yếu tố được thừa hưởng hoặc trẻ có thể học được thông qua việc quan sát phản ứng trước một đồ vật hay tình huống của một thành viên bị ám ảnh sợ đặc hiệu trong gia đình.
- Tính khí: Nguy cơ mắc bệnh có thể tăng khi bạn là người hay nhạy cảm, hay tức giận hay thường tiêu cực hơn người thường.
- Một trải nghiệm tiêu cực: Trải qua một chấn thương khủng khiếp như bị nhốt trong thang máy hay bị tấn công bởi động vật, có thể khởi phát ám ảnh sợ đặc hiệu.
- Tìm hiểu về các trải nghiệm tiêu cực: Nghe về các thông tin hay trải nghiệm xấu như rơi máy bay, có thể dẫn đến việc mắc ám ảnh sợ đặc hiệu.

Triệu chứng bệnh ám ảnh sợ đặc hiệu
Các triệu chứng có thể gặp phải ở bệnh nhân rối loạn ám ảnh sợ chuyên biệt:
- Xuất hiện cảm giác sợ hãi, hoảng loạn, lo âu và căng thẳng khi tiếp xúc với đối tượng gây ám ảnh như động vật, độ cao, sấm sét,…
- Người bệnh căng thẳng, lo lắng và phiền muộn.
- Cố gắng né tránh những tình huống, đối tượng gây ám ảnh để tránh sợ hãi quá độ.
- Khi tiếp xúc với tình huống và đối tượng gây sợ hãi, bệnh nhân gần như không thể kiểm soát hoạt động của bản thân. Cùng lúc này, cơ thể sẽ có các biểu hiện như khó thở, tức ngực, đổ mồ hôi, choáng váng và tim đập nhanh.
- Nếu ám ảnh sợ vết thương, máu và kim tiêm, bệnh nhân có thể cảm thấy buồn nôn, nôn mửa và thậm chí là ngất xỉu.
- Trẻ nhỏ gặp chứng bệnh này thường biểu hiện sự sợ hãi quá mức thông qua các biểu hiện như đau bao tử, đau đầu, bám lấy cha mẹ, khóc lóc, cáu kỉnh,…
- Sự sợ hãi thái quá cùng với phản ứng né tránh của bệnh nhân gây ra những ảnh hưởng đáng kể đối với cuộc sống.
Tác hại của bệnh ám ảnh sợ đặc hiệu
Mặc dù ám ảnh sợ đặc hiệu có vẻ vớ vẫn với những người khác, bệnh có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến người bệnh, gây ra nhiều vấn đề ảnh hưởng đến nhiều mặt của cuộc sống.
- Cô lập xã hội: Tránh các nơi và các vật bạn sợ có thể gây ra các vấn đề trong quan hệ, việc làm và học tập. Trẻ bị các rối loạn này có nguy cơ có các vấn đề về học tập và trở nên cô đơn và chúng sẽ có các vấn đề trong các kỹ năng xã hội nếu các hành vi của chúng quá khác so với các bạn khác.
- Rối loạn khí sắc: Nhiều người bị ám ảnh sợ đặc hiệu cũng bị trầm cảm hay các rối loạn lo âu khác.
- Lạm dụng chất: Căn thẳng khi đối đầu với ám ảnh sợ đặc hiệu nghiêm trọng có thể dẫn đến việc lạm dụng thuốc và chất cồn.
- Tự tử: Một số người bị ám ảnh sợ đặc hiệu có thể có nguy cơ tự tử.
Chẩn đoán rối loạn ám ảnh sợ đặc hiệu
Chẩn đoán rối loạn ám ảnh bằng lâm sàng dựa trên các tiêu chuẩn trong Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorders, ấn bản thứ năm (DSM-5).
Bệnh nhân có trạng thái lo âu, lo sợ rõ ràng, dai dẳng, kéo dài trên 6 tháng về một đối tượng hoặc tình huống cụ thể, và cộng thêm tất cả những điều sau:
- Hoàn cảnh hoặc đối tượng gần như luôn luôn gây ra lo sợ hoặc lo âu ngay lập tức.
- Người bệnh chủ động né tránh đối tượng hoặc tình huống.
- Sự lo âu hoặc lo sợ là quá mức bình thường, không phù hợp với nguy hiểm thực tế (có tính đến các chuẩn mực văn hoá xã hội).
- Sự lo âu, lo sợ và né tránh gây ra những căng thẳng đáng kể hoặc làm suy giảm đáng kể chức năng xã hội hoặc nghề nghiệp.
Ngoài ra, sự lo sợ và lo âu không phải là đặc trưng của một rối loạn tâm thần khác như: ám ảnh sợ xã hội, một số rối loạn liên quan stress,..

Cách khắc phục rối loạn ám ảnh sợ chuyên biệt
Phương pháp chính trong điều trị rối loạn ám ảnh sợ chuyên biệt là trị liệu tâm lý (liệu pháp phơi nhiễm và liệu pháp hành vi nhận thức). Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể cân nhắc dùng thuốc để giảm sự sợ hãi, hoảng loạn và căng thẳng quá mức khi bệnh nhân tiếp xúc với đối tượng gây ám ảnh.
Các phương pháp điều trị ám ảnh sợ chuyên biệt được áp dụng hiện nay:
Sử dụng thuốc
Thuốc thường không được chỉ định điều trị các ám ảnh sợ, bởi vì liệu pháp hành vi có thể đem lại nhiều hiệu quả tích cực trong trị liệu rối loạn này. Tuy nhiên trong những trường hợp có biểu hiện lo âu cực độ thì bác sĩ sẽ kê toa thuốc để giúp người bệnh ổn định khi tham gia vào liệu pháp hành vi.
Tâm lý trị liệu
Như đã đề cập, tâm lý trị liệu là phương pháp chính trong điều trị rối loạn ám ảnh sợ chuyên biệt. Phương pháp này được thực hiện thông qua hình thức giao tiếp. Tùy theo tình trạng cụ thể, bác sĩ có thể chỉ định trị liệu cá nhân, trị liệu nhóm hoặc kết hợp cả hai hình thức này.
Đối với rối loạn ám ảnh sợ chuyên biệt, hai phương pháp trị liệu tâm lý được áp dụng là liệu pháp phơi nhiễm (liệu pháp tiếp xúc) và liệu pháp nhận thức hành vi (CBT). Các liệu pháp này thường được thực hiện trong 12 tuần và mang lại hiệu quả lâu dài, toàn diện.
- Liệu pháp phơi nhiễm: Liệu pháp phơi nhiễm được thực hiện bằng cách cho bệnh nhân tiếp xúc với nguồn gốc của nỗi sợ hãi thông qua tưởng tượng để học cách đối phó với nỗi sợ, sự lo lắng và căng thẳng. Sau đó, nhà trị liệu sẽ tăng dần mức độ bằng cách cho bệnh nhân tiếp xúc với thực tế. Dần dần, người bệnh có thể chế ngự nỗi sợ của bản thân và giảm sự sợ hãi khi đối mặt với những đối tượng, tình huống gây ám ảnh.
- Liệu pháp nhận thức hành vi (CBT): CBT là phương pháp tâm lý trị liệu được áp dụng phổ biến nhất hiện nay. Phương pháp này giúp bệnh nhân hiểu rõ mọi phiền toái trong cuộc sống đều bắt nguồn từ sự sợ hãi vô lý và thái quá. Từ đó điều chỉnh cách nhìn nhận và học cách chế ngự nỗi sợ. Liệu pháp này tập trung vào việc kiểm soát những cảm xúc tiêu cực, từ đó giúp bệnh nhân thay đổi hành vi và suy nghĩ về những đối tượng, tình huống gây sợ hãi.
Trị liệu tâm lý còn giúp trang bị kỹ năng sống và cải thiện khả năng giao tiếp để dễ dàng kết bạn và hòa nhập với cộng đồng. Ngoài ra thông qua liệu pháp này, người bệnh sẽ dần thấu hiểu bản thân và chủ động hơn trong cuộc sống.
Rối loạn ám ảnh sợ đặc hiệu ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động chức năng của con người. Nếu bạn có bất kỳ nỗi lo âu, sợ hãi nào kéo dài khi tiếp xúc với một đối tượng hay trong một tình huống cụ thể hãy đến gặp bác sĩ để có hướng điều trị tốt nhất cho bạn.
Leave a reply